Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ngành xây dựng đạt 87%

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đây là ghi nhận tại hội nghị chuyển đổi số ngành xây dựng toàn quốc năm 2024 diễn ra chiều 27/8 tại Hà Nội và được kết nối tới 63 điểm cầu trực tuyến tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc.

Đây là hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số lần đầu tiên của ngành xây dựng được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, phù hợp với chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng đó thành mục tiêu, nhiệm vụ; kèm theo các giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược phát triển của ngành xây dựng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc bộ và ngành xây dựng đã chuyển biến tích cực. Xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật của ngành cũng như cải cách thủ tục hành chính đã được lồng ghép nội dung chuyển đổi số, giảm giấy tờ công dân, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thông tin.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng được hợp nhất thành Cổng dịch vụ công Bộ Xây dựng. Hệ thống một cửa điện tử được nâng cấp, kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang triển khai tích hợp dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID, kết nối hệ thống thanh toán điện tử, biên lai điện tử, kết nối toàn diện với hệ thống giám sát đo lường mức độ cung cấp và sử dụng Chính phủ số (EMC), tích hợp phần mềm ký số từ xa…

Hoạt động này cơ bản đáp ứng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đáng chú ý, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 87%, tăng gấp 3 lần so với năm 2020. Năm 2023, Bộ Xây dựng xếp thứ 6 về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin của Bộ Xây dựng được chú trọng và từng bước được đầu tư, đảm bảo đáp ứng hoạt động chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Một số hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ Trung ương đến địa phương như: cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; cung cấp thông tin quy hoạch; thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua… đã được triển khai và phát huy hiệu quả.

Bộ Xây dựng đã triển khai và đưa vào hoạt động nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành như: định mức và đơn giá dự toán xây dựng công trình; giá vật liệu, giá nhân công, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư xây dựng công trình; năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; công khai quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị toàn quốc…

Ngoài ra, các nền tảng công nghệ số như hệ thống thông tin công trình (BIM), hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý xây dựng và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã bước đầu được triển khai áp dụng. Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện để ban hành Đề án Chuyển đổi số ngành xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ rõ một số hạn chế và thách thức. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cấp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; kỹ năng sử dụng công nghệ số còn hạn chế.

Nhân lực có trình độ công nghệ thông tin và an toàn thông tin trong các cơ quan đơn vị thuộc ngành xây dựng còn thiếu và rất khó tuyển dụng. Nguồn lực dành cũng như việc số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm, thiếu nguồn lực đầu tư, dữ liệu không đầy đủ, việc kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu còn hạn chế… Các nền tảng và công nghệ như AI, trợ lý ảo, BIM, GIS phục vụ chuyển đổi số của ngành còn chậm được triển khai và đưa vào ứng dụng.

Hội nghị chuyển đổi số ngành xây dựng toàn quốc năm 2024 diễn ra chiều 27/8 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Hội nghị chuyển đổi số ngành xây dựng toàn quốc năm 2024 diễn ra chiều 27/8 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chia sẻ những kinh nghiệm về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong nước cũng như của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người đứng đầu các cấp, tiến tới số hóa toàn diện và vận hành tổ chức, cơ quan, đơn vị bằng công nghệ số.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Xây dựng cần cần tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số, tiến hành nghiên cứu, thực hiện thí điểm tại một cục, vụ, một dự án… Trên cơ sở đó tổng hợp thành mô hình hóa, quy trình hóa để tiến hành nhân rộng, để chuyển đổi số được diễn ra trên bình diện toàn ngành xây dựng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) cho biết, nội dung trọng tâm trong chuyển đổi số ngành xây dựng thời gian tới là sẽ tập trung hoàn thiện, ban hành và triển khai Thông tư đánh số và gắn biển số nhà, công trình; tăng cường phối hợp với các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 về "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; tiếp thực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng dữ liệu ngành xây dựng.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ty-le-nop-ho-so-truc-tuyen-nganh-xay-dung-dat-87/344998.html