Tuyển sinh đại học 2024: 6 đối tượng được xét tuyển thẳng và ưu tiên

Theo Quy chế hiện hành, các đối tượng thuộc diện được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non 2024 bao gồm: Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, giải đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế; thí sinh có bằng trung cấp ngành sư phạm loại giỏi trở lên...

Đối tượng xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non được quy định trong Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Theo đó, 6 đối tượng sẽ được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển bao gồm: Đối tượng đầu tiên là anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyển thẳng vào các ngành, chương trình do cơ sở đào tạo quy định.

Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người thuộc diện được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non 2024 (Ảnh: VGP).

Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người thuộc diện được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non 2024 (Ảnh: VGP).

Đối tượng thứ hai là thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, giải đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế, do Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cử tham gia, được xét tuyển thẳng trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc tốt nghiệp trung cấp) vào các ngành phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải; cụ thể trong các trường hợp sau:

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GDĐT tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;

- Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;

- Thí sinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu tại các giải quốc tế chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á;

Thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cử đi; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng.

Đối tượng thứ ba là thí sinh có bằng trung cấp ngành sư phạm loại giỏi trở lên, hoặc có bằng trung cấp ngành sư phạm loại khá và có ít nhất 2 năm làm việc đúng ngành được xét tuyển thẳng vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng.

Đối tượng thứ tư do hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo căn cứ kết quả học tập cấp THPT của thí sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định nhận vào học những trường hợp quy định dưới đây (trường hợp cần thiết kèm theo điều kiện thí sinh phải học 1 năm bổ sung kiến thức trước khi vào học chính thức):

- Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, có khả năng theo học một số ngành do cơ sở đào tạo quy định nhưng không có khả năng dự tuyển theo phương thức tuyển sinh bình thường;

- Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ;

- Thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Đối tượng thứ năm do cơ sở đào tạo quy định hình thức ưu tiên xét tuyển khác (được ưu tiên xét tuyển trong năm tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp) đối với các trường hợp sau:

- Thí sinh quy định tại khoản 1, 2 Điều này dự tuyển vào các ngành theo nguyện vọng (không dùng quyền ưu tiên tuyển thẳng);

- Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dự tuyển vào ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển;

- Thí sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng các giải thể dục thể thao cấp quốc gia tổ chức một lần trong năm và thí sinh được Tổng cục Thể dục thể thao có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia dự tuyển vào các ngành thể dục thể thao phù hợp; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển;

- Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật dự tuyển vào các ngành nghệ thuật phù hợp; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển;

- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế dự tuyển vào các ngành phù hợp với nghề đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.

Đối tượng cuối cùng do các cơ sở đào tạo quy định cụ thể và công bố trong đề án tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, đối tượng, chỉ tiêu, tiêu chí, phạm vi tuyển sinh, ngành, chương trình đào tạo để xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Xét tuyển thẳng là việc công nhận trúng tuyển đối với những đối tượng theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT và đã đáp ứng yêu cầu về điều kiện dự tuyển nhưng không cần xét tới ngưỡng đầu vào.

Theo khoản 6 Điều 2

Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tuyen-sinh-dai-hoc-2024-6-doi-tuong-duoc-xet-tuyen-thang-va-uu-tien-20240507115254670.htm