Tuyên Quang nỗ lực xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhờ sự vào cuộc tích cực từ cấp ủy Đảng, chính quyền huyện, xã tới thôn bản, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ và tự giác thực hiện, việc giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tăng cường truyền thông giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 76 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều nhất ở huyện Yên Sơn, Hàm Yên. Số ca mang thai ở tuổi vị thành niên là 285, 80% trong số này là trẻ ở các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên và Yên Sơn. Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Tuyên Quang đã đồng loạt tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động như treo pano, áp phích tuyên truyền tại các khu đông dân cư, thường xuyên có người qua lại; thi tuyên truyền viên giỏi bằng hình thức sân khấu hóa...

Phụ nữ thôn Pắc Củng tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: DT

Điều này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tới đây, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh việc đa dạng hóa các hình thức, công tác truyền thông cũng cần sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị, các địa phương; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Nội dung 2 Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tập trung vào một số hoạt động chủ yếu, trong đó có truyền thông, vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình; tổ chức tư vấn chuyên môn tại cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục về tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Na Hang- Điểm sáng giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Từng là điểm nóng của vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thế nhưng đến nay tình trạng trên tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản chấm dứt.

Thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có 45 hộ gia đình, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Từ những năm 2008 trở về trước, đời sống của người dân Pác Củng gặp muôn vàn khó khăn, không điện, không đường, không trường học... Đáng nói mặc dù khó khăn nghèo đói nhưng tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên thường xuyên xảy ra.

Thực hiện chủ chương của Đảng và Nhà nước về công tác hôn nhân và gia đình, trong những năm qua, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại cho gia đình và xã hội. Nhờ đó mà nhận thức của người dân về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được nâng lên rõ rệt, đưa Pắc Củng trở thành điểm sáng ở xã Thượng Nông không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong 5 năm trở lại đây. Từ một thôn nghèo, giờ đây Pắc Củng được đánh giá là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Thượng Nông.

Người có uy tín tuyên truyền phòng chống tảo hôn cho bà con dân tộc thiểu số. Ảnh: DT&PT

Là thôn nằm ở vị trí cửa ngõ vào xã Khâu Tinh, Khâu Phiêng là một trong những thôn đặc biệt khó khăn với 100% dân số là đồng bàoDTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Những năm trước đây, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở thôn diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2013-2020, mỗi năm trên địa bàn thôn có từ 2-3 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi, chủ yếu là dân tộc Mông và dân tộc Dao. Trong đó có cả những trường hợp phụ nữ kết hôn và sinh con khi vẫn còn là học sinh trung học. Bên cạnh đó, nạn hôn nhân cận huyết thống xảy ra từ hàng chục năm về trước nhưng hệ lụy mà nó để lại cũng rất nặng nề.

Bà Đặng Thị Sằm, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Pắc Củng cho biết: Trước đây do nhận thức của bà con còn hạn chế nên cha mẹ thường bắt con nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng. Nhiều cặp vợ chồng chỉ 14, 15 tuổi đã được bố mẹ hai bên gia đình cho lấy nhau. Việc làm đó dẫn đến các cháu thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời việc tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình. Nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Ông Phùng Văn Vàng, Trưởng thôn Khâu Phiêng cho biết: Hằng năm, chính quyền xã thường xuyên lồng ghép các buổi tuyên truyền thông qua những buổi họp thôn để nâng cao nhận thức cho bà con. Ban Phát triển thôn cũng luôn nắm bắt tình hình từng hộ, nhà nào có con cái kết hôn chưa đủ tuổi là tôi và cán bộ xã lại đến vận động, phân tích cho bà con hiểu và nắm rõ pháp luật, nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã đồng ý lùi ngày, nhiều cặp vợ chồng chờ đủ tuổi mới đến xã đăng ký kết hôn.

Kết quả là từ năm 2021 đến nay, thôn Khâu Phiêng nói riêng, xã Khâu Tinh nói chung đã không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Ông Hoàng Hùng Chảnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang cho biết: Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, huyện cũng đã tăng cường phát huy vai trò “mũi nhọn” của Người có uy tín ở cơ sở. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục trong đồng bào DTTS góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Tuyết Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuyen-quang-no-luc-xoa-bo-nan-tao-hon-va-hon-nhan-can-huyet-thong-post272426.html