Tuyển hiệu trưởng – 'Mở' mà 'đóng'? | Hà Nội tin mỗi chiều

Hà Nội thi tuyển hiệu trưởng trường công lập; Không tổ chức các sự kiện quảng cáo, thương mại ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội thi tuyển hiệu trưởng trường công lập

Hôm qua (18/12), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng và các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở. Sở sẽ tổ chức thi tuyển 5 chức danh với 20 chỉ tiêu. Đây là năm thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập. Trước Hà Nội, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang... cũng đã tổ chức thi tuyển hiệu trưởng trường THPT. Vào năm 2022, khi Hà Nội thông báo thi tuyển đã có rất nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ phương án thi tuyển và cho rằng, hình thức này sẽ góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng” giúp tuyển chọn nhân tài công khai, minh bạch, tạo động lực và nhiệt huyết cho đội ngũ cán bộ, công chức khác tiếp tục cống hiến. Tuy nhiên, làm sao để việc thi tuyển được thực chất, khách quan, công bằng, tránh tình trạng hình thức, lại không hoàn toàn đơn giản.

Các ứng viên tham gia thi tuyển vị trí phó hiệu trưởng trường THPT của TP.HCM. Ảnh: Vietnamnet

Hiệu trưởng trường học là người quản lý con người, tài sản, kinh phí hàng năm, nơi có hàng trăm, hàng ngàn học sinh. Việc tuyển chọn để có được một hiệu trưởng hội đủ tâm - tài, tâm huyết với nghề là điều rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì vậy, tiêu chuẩn chọn lựa một hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng nhà trường khắt khe cũng là điều dễ hiểu. Nhưng khâu thi tuyển ban đầu cần phải mở hơn về các tiêu chí đối với người dự thi. Nhìn qua những tiêu chuẩn được đề ra với các ứng viên như “có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên”, “có văn bằng, chứng chỉ quản lý nhà nước về giáo dục”, dễ dàng nhận ra, nếu không phải là những nhà giáo đang đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường hoặc những nhà giáo đang nằm trong danh sách quy hoạch nguồn của nhà trường thì khó có thể đạt được các tiêu chí này. Chính vì thế, việc thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hiện nay thực ra cũng chỉ là “sân chơi” của những người đang là cán bộ quản lý nhà trường hoặc ít ra cũng là người đang nằm trong quy hoạch cán bộ nguồn. Vậy nên, chủ trương đã mở nhưng tiêu chuẩn thì vẫn đang đóng.

Việc đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý các cấp không phải là mới. Trước đó, nhiều cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, các địa phương cũng đã thực hiện việc làm này. Qua công tác thi tuyển đã tạo được môi trường cạnh tranh; thu hút người có phẩm chất, năng lực tốt tham gia đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Thi tuyển công khai minh bạch, được mọi người hoàn toàn ủng hộ.

Năm nay là năm thứ hai Hà Nội thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập, có lẽ cần có thời gian, qua thực tế mới có thể khẳng định việc thi tuyển thực sự hiệu quả hay không. Nếu người trúng tuyển phát huy tốt năng lực, phẩm chất thì đây là tín hiệu đáng mừng, tiếp tục phát huy ở những năm sau. Ngược lại, cần có sự điều chỉnh hình thức, phương án thi tuyển nếu người được chọn chưa đáp ứng các tiêu chí đánh giá qua thực tế. Vì vậy, tuyển chọn được hiệu trưởng thực sự có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng toàn diện nhà trường là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên.

Để tuyển được hiệu trưởng có năng lực tốt cần xuất phát từ quan điểm “Vì việc tìm người”. Với vị trí công việc như vậy, cần những yêu cầu tương ứng nào thì tìm người phù hợp để bố trí. Phải làm cho việc thi tuyển thực sự là cuộc cạnh tranh lành mạnh, tích cực, công bằng, không chỉ thúc đẩy chất lượng giáo dục của đơn vị, mà còn lan tỏa tinh thần đổi mới toàn ngành, thu hút sự quan tâm đồng thuận của xã hội.

Không tổ chức các sự kiện quảng cáo, thương mại ở phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm không tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao, các sự kiện có tính chất quảng bá, quảng cáo, thương mại, ẩm thực. Khu vực này chỉ tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa tiêu biểu cấp trung ương và thành phố. Đây là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Ban cán sự Đảng UBND thành phố về chủ trương quản lý hoạt động, sự kiện tổ chức tại các không gian phố đi bộ trên địa bàn Thủ đô.

Trước đó, ngày 15/11/2023, Sở Văn hóa và Thể thao có công văn về việc tham mưu tổ chức quản lý các hoạt động, sự kiện tổ chức tại không gian phố đi bộ trên địa bàn thành phố. Sau khi tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, Ban cán sự đảng UBND thành phố thống nhất chủ trương về việc sửa đổi Quy chế quản lý hoạt động tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm theo nguyên tắc tạo sự đồng bộ, hài hòa giữa các không gian phố đi bộ. Đặc biệt, không tập trung tổ chức hoạt động, sự kiện vào một địa điểm, đảm bảo phù hợp với vị thế, chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa quan trọng của trung ương, thành phố.

Hà Nội chỉ tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa tiêu biểu cấp trung ương và thành phố tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Được coi là mô hình thành công nhất trong các không gian phố đi bộ cả ở Thủ đô Hà Nội nói riêng, và có thể nói là trên cả nước, nhưng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm thời gian qua nhận được quá nhiều ý kiến phàn nàn và phê phán. Không gian văn hóa-lịch sử có vị trí đặc biệt trong tâm thức dân tộc trở nên quá tải và xô lệch khi dồn dập các sự kiện thiếu chọn lọc diễn ra. Nếu nhìn từ khía cạnh kinh tế và quảng bá thương hiệu, thì việc các sự kiện, doanh nghiệp xếp hàng để được xuất hiện tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm có thể coi là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác không gian đậm chất văn hóa-lịch sử đặc biệt này đang có nguy cơ bị biến thành chợ vào mỗi dịp cuối tuần, với hàng loạt các gian hàng được lắp đặt che kín gần như hoàn toàn không gian quanh hồ. Người đi bộ, khách du lịch phải rất vất vả mới tìm được lối đi, và càng gặp khó khăn để có thể lưu lại các khung hình đẹp ở địa danh này. Các hoạt động văn hóa cộng đồng, vì thế, cũng gặp nhiều trở ngại.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã được mở rộng không gian qua nhiều đợt, nhưng khu vực lõi-quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn là nơi có sức thu hút lớn nhất với người dân, du khách và vì thế cũng đang phải chịu sức ép rất lớn từ các sự kiện mỗi dịp cuối tuần. Giữ gìn, bảo vệ hình ảnh đặc trưng của không gian lõi văn hóa Thủ đô này rất cần bản lĩnh và tâm thức tôn trọng văn hóa của những người làm quản lý. Xác định đặc trưng, bản sắc của mỗi không gian công cộng, nhất là các không gian có tính định kỳ như phố đi bộ, luôn đòi hỏi sự kỳ công quan sát, lắng nghe và điều chỉnh. Trong bối cảnh các đô thị đang rất thiếu các không gian công cộng giàu hàm lượng văn hóa, nhất là những giá trị văn hóa có khả năng tạo kết nối cộng đồng, sự lệch hướng hay quá tải trong điều tiết phương thức hoạt động của các không gian phố đi bộ sẽ tước đi cơ hội của các hoạt động văn hóa và thụ hưởng văn hóa. Chính vì vậy, việc dừng các hoạt động mang tính thương mại tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm là nỗ lực duy trì, phát triển các không gian công cộng và xác lập bản sắc văn hóa riêng của mỗi không gian ấy. Lắng nghe, điều chỉnh luôn là giải pháp có thể giúp gợi mở những hướng đi hiệu quả, cho cả người điều hành và cộng đồng thụ hưởng./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tuyen-hieu-truong-mo-ma-dong-ha-noi-tin-moi-chieu-209554.htm