Tuyên án nhóm bị cáo người Việt trong đường dây lừa đảo, rửa tiền xuyên quốc gia

Dù các bị cáo thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, song Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền là rất nguy hiểm, vi phạm trật tự quản lý kinh tế, do đó tuyên mức án nghiêm khắc.

Sau 3 ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều 20/5, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên án các bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Rửa tiền”, liên quan tới đường dây rửa tiền xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.

Trong vụ án này, 21 bị cáo người Việt Nam bị đưa ra xét xử, trong đó 14 bị cáo trực tiếp làm thuê cho đường dây rửa tiền đặt trụ sở tại Phnompenh, Campuchia.

Các bị cáo trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu, đặt trụ sở tại Campuchia.

Các bị cáo trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do đối tượng quốc tịch Trung Quốc cầm đầu, đặt trụ sở tại Campuchia.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo rửa tiền đã vi phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, biến tiền bẩn thành tiền sạch, với các hình thức hết sức tinh vi.

Các bị cáo nhóm lừa đảo làm việc theo chỉ đạo, chia theo từng bộ phận, trong đó bị cáo Mặc Bình Hưng giữ vai trò cao nhất, đứng thứ 2 là bị cáo Nguyễn Văn Bằng.

Các bị cáo này làm việc theo hợp đồng lao động, được sự chỉ đạo nhưng quá trình điều tra không xác định các bị cáo này làm việc trong môi trường bị cưỡng ép lao động, do đó Hội đồng xét xử khẳng định, các bị cáo có vai trò đồng phạm trong đường dây lừa đảo, rửa tiền.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo tại tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định tuyên phạt nhóm bị cáo có vai trò cao nhất trong vụ án là Mặc Bình Hưng, Tổ trưởng Tổ Tài vụ của Bộ phận 777pay mức án 18 năm tù; Nguyễn Văn Bằng, Tổ phó; Vũ Xuân Huy; Chắng Hẻn Phấn cùng mức án 16 năm tù.

Còn lại 10 bị cáo nhóm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị tuyên phạt từ 12 đến 15 năm tù.

Đối với nhóm phạm tội “Rửa tiền”, Đinh Văn Hùng bị tuyên phạt 11 năm tù, phạt bổ sung 50 triệu đồng; Lê Trần Việt Anh 10 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 6 đến 9 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Tòa ghi nhận các bị cáo đã nộp hơn 8,3 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Còn lại hơn 11,5 tỷ đồng, các bị cáo trong nhóm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải liên đới bồi thường cho bị hại.

Trước đó, từ vụ việc chị Nguyễn Thị L. (trú tại Hà Nội) bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản vào tháng 8/2022, với số tiền lên tới gần 20 tỷ đồng, Cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh.

Kết quả điều tra xác định, chị L. đã bị một đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xuyên quốc gia tiếp cận, thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi, sau đó nhiều lần chị L. đã chuyển tiền để thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền được các đối tượng đưa ra.

Sau 2 lần đầu chuyển số tiền 160.000 đồng và 3 triệu đồng rồi được trả lại lần lượt 250.000 đồng và 4,5 triệu đồng, chị L. tiếp tục bị dẫn dụ nhiều lần chuyển tổng cộng gần 20 tỷ đồng cho nhóm lừa đảo, trong đó lần chuyển nhiều nhất là 4 tỷ đồng.

Cơ quan công an xác định, các tài khoản nhận tiền của chị L. do Bộ phận 777pay quản lý, thuộc Công ty Jinbian (có trụ sở tại tòa nhà Starcity, Thủ đô Phnompenh, Vương quốc Campuchia). Đây là một tổ chức tội phạm hoạt động về lĩnh vực rửa tiền cho các app đánh bạc hoặc các đối tượng lừa đảo, như một cổng thanh toán trung gian.

Công ty này chia làm 8 bộ phận, trong đó, ngoài các bộ phận phụ trách kỹ thuật, hành chính thì các bộ phận khác làm dịch vụ rửa tiền cho các đối tượng tại Trung Quốc, Ấn Độ, Philipines, Indonesia và Việt Nam.

Bộ phận 777pay chuyên rửa tiền tại thị trường Việt Nam, do đối tượng Tan Zhi Bao (hay còn gọi là Gu Lang, sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý.

Công ty Jinbian đã được một nhóm tội phạm thuê phối hợp các hoạt động lừa đảo, sau đó giao các bộ phận thực hiện hoạt động rửa tiền. Từ đó, Bộ phận 777pay đã sử dụng thủ đoạn thành lập cổng trung gian thanh toán mang tên “VNPAY” (mạo danh cổng thanh toán tại Việt Nam), có địa chỉ website là http://mem.777.org, để chuyển và nhận tiền nhằm chuyển đổi tiền “bẩn” thành tiền “sạch”, không thể truy xuất được nguồn gốc tiền.

Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt được gần 20 tỷ đồng của chị L., các đối tượng đã rửa tiền bằng hình thức chuyển lòng vòng qua các tài khoản, hoặc mua bán tiền điện tử USDT để xóa nguồn gốc tiền bẩn.

Trong vụ án này, có 21 bị cáo bị đưa ra truy tố, xét xử, trong đó 14 bị cáo bị cáo buộc là đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị L; trong khi đối tượng cầm đầu là Tan Zhi Bao hiện đang bị truy nã.

Tổng số tiền hưởng lợi của các đối tượng trên là 600 triệu đồng. Số tiền này Tan Zhi Bao chia cho Mặc Bình Hưng 170 triệu đồng; các bị cáo khác hưởng lợi bất chính là tiền lương tháng 8/2022.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tuyen-an-nhom-bi-cao-nguoi-viet--trong-duong-day-lua-dao-rua-tien-xuyen-quoc-gia-d215613.html