Tương quan cuộc chiến giá dầu giữa OPEC+ với Mỹ và các nước nhập khẩu lớn

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11 ra thông báo sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dữ trữ chiến lược của nước này.

Mỹ xuất dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt đà tăng giá của giá xăng dầu. Ảnh: AP

Mỹ xuất dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt đà tăng giá của giá xăng dầu. Ảnh: AP

Động thái này được tiến hành trong nỗ lực có sự điều phối của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh – những nước đã và sẽ có tuyên bố tương tự về mở kho dự trữ dầu chiến lược.

Mục đích chính của Mỹ và các đối tác là nhằm hạ nhiệt giá dầu sau khi những nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ thế giới và các đối tác (OPEC+) phớt lờ đề nghị tăng sản lượng cung ứng ra thị trường. “Tôi đã nói trước [với OPEC+] rằng chúng tôi sẽ hành động trong vấn đề này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm”, ông Biden phát biểu từ Nhà Trắng.

Lượng dầu mà Mỹ đưa ra thị trường sẽ tương ứng với ít nhất tổng khối lượng mà OPEC+ dự kiến tăng thêm trong vòng hai tháng. Ngoài 50 triệu thùng từ Mỹ, Ấn Độ dự kiến sẽ xuất kho 5 triệu thùng, Anh 1,5 triệu thùng. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sử dụng kho dữ trữ chiến lược để đưa ra thị trường, mỗi nước từ 10-20 triệu thùng.

OPEC+ trước đó nhiều lần khước từ đề nghị của Mỹ và một số nước nhập khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới về tăng sản lượng cung ứng ra thị trường. Đại diện các nước trong nhóm sẽ có cuộc gặp vào ngày 2/12 tới để thảo luận về điều hành chính sách. Nhưng đến thời điểm này ít có dấu hiệu cho thấy OPEC+ sẽ tăng mạnh sản lượng, vượt trội so với kế hoạch đề ra là tăng 400.000 thùng/ngày. Mỹ xem mức tăng này là quá nhỏ, còn OPEC+ không muốn mạnh tay điều chỉnh sản lượng vì lo ngại diễn biến đại dịch COVID-19 có thể sẽ lại làm suy yếu nguồn cầu, dẫn đến dầu thô rớt giá.

Lời cảnh báo tới OPEC và tương quan cuộc chiến giá dầu

Nỗ lực hợp tác của Mỹ và một số nền kinh tế lớn ở châu Á về xuất kho dữ trữ nhằm hạ nhiệt giá năng lượng được xem là lời cảnh báo tới OPEC và các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ lớn. Cụ thể, Mỹ và các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và anh muốn OPEC+ phải nhanh tay xử lý quan ngại về giá dầu thô tăng cao, với mức tăng trên 50% tính trong năm nay.

“Việc xuất kho dự trữ gửi tín hiệu tới OPEC+ rằng những quốc gia nhập khẩu, tiêu thụ dầu mỏ sẽ không chấp nhận bị gạt ra bên ngoài. OPEC+ trong nhiều tháng nay luôn giữ quan điểm bảo thủ về tăng sản lượng”, John Kilduff, chuyên gia tại Quỹ Again Capital LLC có trụ sở New York. Nhận định.

Một nguồn tin từ OPEC+ cho biết việc Mỹ và một số nước xuất dầu từ kho dữ trữ sẽ làm phức tạp thêm những tính toán của nhóm này, do OPEC+ giám sát thị trường dựa trên quỹ thời gian cơ sở theo tháng. Nhưng một số chuyên gia thị trường nhận định lượng dầu xuất ra không lớn như trong những hàm ý tuyên bố trước đó. Mức sản lượng đóng góp của Anh và Ấn Độ là rất nhỏ. Còn con số 50 triệu thùng của Mỹ nghe lớn, nhưng thực chất cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thành phẩm quy đổi tại Mỹ trong hai ngày rưỡi.

Giá dầu gần đây leo lên mức đỉnh trong 7 năm, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu phục hồi mạnh từ đầu năm 2021 sau khi xuống đáy vì tác động của đại dịch COVID-19. Mức xuất kho của Mỹ và các đối tác là không đủ để hạ nhiệt giá dầu. Quan trọng hơn, giới chức OPEC+ cảnh báo họ sẽ đáp trả kế hoạch của các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, làm leo thang căng thẳng cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường năng lượng toàn cầu.

Diễn biến dịch bệnh COVID-19 gần đây, đặc biệt là mức độ nghiêm trọng ở khu vực châu Âu, làm dấy lên lo ngại về cầu tiêu thụ dầu mỏ suy yếu, thể hiện rõ qua việc giá dầu liên tiếp giảm trong nhiều phiên giao dịch vừa qua. Chính điều này củng cố thêm luận điểm của OPEC+ về mức độ bất chắc nguồn cầu trong những tháng tới, không có nhu cầu phải tăng mức sản lượng lên trên 400.000 thùng/ngày.

Theo Caroline Bain, chuyên gia kinh tế trưởng về mảng giao dịch hàng hóa tại Capital Economics Ltd nhận định lượng dầu xuất từ kho dữ trự của Mỹ và các đối tác không đủ lớn để đẩy giá dầu hạ theo một cách thức đúng nghĩa. Thậm chí, bước đi này có thể còn phản tác dụng một khi OPEC+ trả đũa bằng cách giảm tiến độ tăng sản lượng.

“Đường chiến tuyến đã được vạch ra. Đương nhiên, OPEC và Saudi Arabia có thể giành phần thắng, bởi họ là những người đang nắm giữ mọi lá bài. Họ có thể giảm số lượng cung ứng ra thị trường lớn hơn mức mà lượng dầu dữ trữ được tung ra. Một khi giá dầu Tây Texas (WTI) xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng, tôi chắc rằng OPEC+ sẽ có phản ứng”, John Kilduff - cổ đông sáng lập tại Quỹ Again Capital bình luận.

Trên thực tế, giá dầu Brent Biển Bắc chốt phiên ngày 23/11 đã tăng 3,3%, lên mức 82,31 USD/thùng bất chấp thông tin về việc Mỹ và một số nước mở kho dầu dữ trữ chiến lược.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Reuters, Bloomberg)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tuong-quan-cuoc-chien-gia-dau-giua-opec-voi-my-va-cac-nuoc-nhap-khau-lon-20211124150656599.htm