Tục thờ thần Hổ

Trong văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần Hổ có từ lâu đời. Tại Hải Dương, tục thờ thần Hổ cũng xuất hiện khá sớm và được nhiều nơi duy trì.

Du khách tìm hiểu về tục thờ thần Hổ tại đền Sinh, đền Hóa (TP Chí Linh)

Du khách tìm hiểu về tục thờ thần Hổ tại đền Sinh, đền Hóa (TP Chí Linh)

Huyền tích

Trong số 12 con giáp, hổ xuất hiện ở vị trí thứ 3 sau con chuột và con trâu, vậy mà hổ lại được thờ cúng nhiều và có tục thờ riêng. Một trong những nơi có tục thờ thần Hổ lâu đời phải kể đến xã Thổ Tang (nay là thị trấn Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tương truyền ở phía nam Thổ Tang xưa có một khu rừng rậm, nhiều muông thú sinh sống, có hổ dữ. Hổ thường xuyên vào làng phá phách nhà cửa, ruộng vườn, bắt đi nhiều gia súc, gia cầm. Dân Thổ Tang lo sợ tìm mọi cách để ngăn hổ xuống làng nhưng đều vô hiệu. Thế rồi có ông lão đêm ngủ nằm mơ gặp một người râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc, mặc áo lông hổ, dáng vẻ khoan thai đứng ở bìa rừng bảo rằng dân Thổ Tang muốn yên ổn làm ăn thì phải lập đền thờ thần Hổ. Hôm sau, cụ già đem câu chuyện trong mơ ấy kể cho các bô lão nghe. Nửa tin nửa ngờ, các bô lão cùng dân làng lũ lượt đến bìa rừng xem thì thấy một vùng cây cỏ bị dẫm nát và dưới đất vẫn còn rất nhiều dấu chân hổ lớn.

Tin vào phán truyền của vị thần, dân Thổ Tang người ít, người nhiều đồng lòng góp công, góp của dựng một ngôi miếu nhỏ ngay cạnh chỗ vết chân hổ và đặt tên là miếu Trúc. Cũng lạ, sau khi miếu dựng lên, hổ không còn về phá phách dân làng nữa và cũng từ ngày đó, người dân Thổ Tang có truyền thống thờ thần Hổ. Đó là sự tích lưu truyền trong dân gian. Ngoài ra, nơi đây còn lưu truyền câu chuyện khác kể về sự tích thờ thần Hổ gắn với Lân Hổ Đô thống đại vương - vị tướng đã có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ 13. Tại nhiều vùng khác đều có những câu chuyện kỳ bí liên quan đến tục thờ thần Hổ.

Tại Hải Dương, tục thờ thần Hổ cũng xuất hiện từ xa xưa. Trong cuốn Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ quê ở làng Đan Loan, huyện Đường An (nay là xã Nhân Quyền), tác giả cuốn sách, đã từng ghi lại tục thờ thần Hổ ở làng Ngọc Cục, huyện Đường An (nay là thôn Ngọc Cục, xã Thúc Kháng, cùng huyện Bình Giang): “Làng Ngọc Cục ở huyện ta (Đường An - Bình Giang nay) khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu (tinh) Hổ, phải bắt (trộm) người làm vật hy sinh để cúng. Cứ mỗi năm, trong làng phải có một người làm chủ tế. Người chủ tế phải lừa dỗ một hành khách nào đi một mình thì bắt lấy, giam ở hầm sâu dưới đất và đem mài da gót chân cho mỏng đi (thành què không đi trốn thoát)…". Tục thờ hổ ở làng Ngọc Cục ghê rợn nên đến năm Canh Thân (1800) đã chấm dứt không còn được duy trì. Đến nay, nhiều người già trong làng Ngọc Cục vẫn kể lại thần tích này cho con cháu nghe.

Tín ngưỡng dân gian

Trong dân gian, người Việt cho rằng hổ là loài vật linh thiêng. Người ta tin rằng hổ là vị thần trấn bốn phương, bốn cõi và có uy quyền mạnh mẽ nên tục thờ thần Hổ cũng trở thành tín ngưỡng lâu đời. Theo chị Nguyễn Thị Thoa, Tổ trưởng Tổ quản lý di tích đền Sinh, đền Hóa (TP Chí Linh), nơi có tục thờ thần Hổ từ lâu thì đây là một trong những nghi thức có từ xa xưa, gắn với Tứ phủ. Tục thờ thần Hổ ngày nay đa phần xuất hiện nhiều ở các đền thờ Mẫu, nơi hổ được coi như một vị sơn thần, có bàn thờ riêng và những nghi lễ đặc trưng. Tại đền Sinh, đền Hóa, ông Hổ được người dân đặt tượng thờ ngay từ cổng vào và có một nơi thờ riêng nữa trên núi.

Ngoài ra, ở nhiều đền, đình, phủ... thần Hổ thường được thờ ở hạ điện. Ban thờ Hổ được trang trí giống như một hang động, có những viên đá nhấp nhô tạo thế như một hang núi, huyền bí và uy nghiêm. Nhiều nơi người dân thờ ngũ hổ, 5 ông hổ có 5 màu sắc khác nhau là trắng, xanh, đen, đỏ và vàng tượng trưng cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa và thổ. Tại những nơi có thờ thần Hổ, vào ngày rằm hay mùng 1 người dân đến làm lễ bao giờ cũng mang thêm hương hoa, vật phẩm dâng thần. Một số người còn chuẩn bị một lễ riêng để cúng gồm thịt, muối, gạo và 5 quả trứng gà. Đây là lễ vật đặc trưng mỗi khi người dân đến cúng lễ riêng thần Hổ, cầu cho có sức khỏe, bình an, may mắn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Hà Nội), người có nhiều nghiên cứu về các phong tục của người Việt thì tín ngưỡng thờ thần Hổ có từ hồi con người còn săn bắt, hái lượm. Khi ấy hổ là hiện thân của sức mạnh thiên nhiên, gây tai họa cho con người nên họ thờ thần Hổ để mong được bao bọc, chở che, cuộc sống bình an.

Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc lại có một sự tích, nguồn gốc, ý nghĩa và tục thờ thần Hổ khác nhau nhưng đều thể hiện chức năng của thần Hổ là trừ tà ma và biểu thị cho quyền uy, sức mạnh. Thời xưa nhiều gia đình Việt còn thờ tranh ngũ hổ để cầu bình an, yên ổn và sức khỏe. Rõ ràng tục thờ thần Hổ là nét văn hóa tâm linh độc đáo được người Việt gìn giữ bao đời nay.

LAN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/tuc-tho-than-ho-194084