Từ tư duy sản xuất nông nghiệp đến kinh tế nông nghiệp

Thay vì chỉ tập trung các kênh bán hàng truyền thống, nông dân đang thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đến kinh tế nông nghiệp để bắt kịp thời đại. Nhiều nông dân thông qua các trang bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,... để giới thiệu, quảng bá, tìm đối tác và bán sản phẩm.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Trần Thanh Minh đều đặn mở mail, Zalo để xem các yêu cầu của đối tác trong hợp đồng mua bán sản phẩm

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) - Trần Thanh Minh đều đặn mở mail, Zalo để xem các yêu cầu của đối tác trong hợp đồng mua bán sản phẩm

Trước đây, việc trao đổi, mua bán nông sản chủ yếu qua thương lái. Với kênh truyền thống này, nông dân thường chịu “lép vế”. Các sản phẩm chất lượng khi đến với người tiêu dùng thường bị mất thương hiệu hoặc sang tay cho một đơn vị khác. Nhưng hiện nay, mọi chuyện đã khác, khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng, thông tin rộng rãi, việc trao đổi hàng hóa cũng có nhiều cách thức thực hiện và tiếp cận thị trường.

Các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội “chuyển mình” mạnh mẽ. Nông dân có nhiều kênh lựa chọn cho đầu ra sản phẩm, có thể qua các trang bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử,...

Đều đặn mỗi sáng, ông Trần Thanh Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), mở mail, Zalo để xem các yêu cầu của đối tác trong hợp đồng mua bán.

Các chi tiết yêu cầu về số lượng, chất lượng, mẫu mã,... được ông xem kỹ và ghi vào một cuốn sổ riêng để triển khai đến các thành viên HTX đúng theo yêu cầu mà đối tác đã đặt hàng. Sau đó, ông trả lời đối tác về việc cung cấp sản phẩm, thời gian, địa điểm giao hàng đúng với lịch trình.

Sản phẩm của HTX chủ yếu là rau, củ, quả,... được các thành viên sơ chế bước đầu, cho vào bao bì và có mã QR để quét kiểm tra thông tin theo quy định. Đây là cách bán hàng chủ yếu của HTX trong mấy năm trở lại đây.

Ông Trần Thanh Minh chia sẻ: Thời đại công nghệ phát triển, nông dân phải bắt kịp xu hướng và thích nghi trong thực hiện. Từ khi sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán qua mail, Zalo,... tình trạng bị thương lái ép giá cơ bản không còn như trước.

Thành viên HTX sản xuất theo yêu cầu đặt hàng từ đối tác về số lượng, chất lượng, mẫu mã, hình ảnh và đối tác chuyển khoản trả tiền. Điều này giúp HTX tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức. Sản phẩm được bán cho siêu thị, bếp ăn của khu công nghiệp và trường học, rất ít khách mua lẻ.

Việc kinh doanh của HTX đạt kết quả khả quan, mỗi năm có doanh thu tầm 6 tỉ đồng, thành viên có thu nhập ổn định, lợi nhuận tăng thêm cũng tương đối. Bên cạnh đó, HTX minh bạch các khoản thu, chi trên máy tính để phục vụ khi thành viên muốn xem hay các đơn vị đến kiểm tra, giám sát.

Thông qua các trang mạng, kênh bán hàng trực tuyến, cơ sở mai của anh Nguyễn Tấn Đạt (ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) mỗi tháng bán được khoảng 500 cây mai

Thông qua các trang mạng, kênh bán hàng trực tuyến, cơ sở mai của anh Nguyễn Tấn Đạt (ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) mỗi tháng bán được khoảng 500 cây mai

Anh Nguyễn Tấn Đạt (ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) cũng chuyển sang mua bán online các loại mai vàng từ 5 năm trở lại đây. Đều đặn mỗi ngày, anh cùng một số bạn bè, nông dân trong ấp livestream qua Facebook, TikTok và đăng các sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và bán. Nhờ đó, mai vàng của anh Đạt tiếp cận với nhiều khách hàng khác nhau. Mỗi ngày, cơ sở của anh “chốt đơn” từ 10-20 cây mai, 1 tháng khoảng 500 cây, trung bình mỗi cây có giá từ 2-5 triệu đồng. Đối với những khách hàng lựa chọn mai có tàn lớn, sau khi khách chốt trên trang mạng hoặc điện thoại sẽ đến vườn xem trực tiếp.

Theo anh Đạt, hiện nay, nông dân phải thay đổi để phù hợp. Ngoài việc tạo ra sản phẩm chất lượng thì cần bổ sung kiến thức, kỹ năng về kinh tế để bán sản phẩm. Mỗi người phải tiếp cận với thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau như qua kênh truyền thống, mạng xã hội, các trang mua bán hàng trực tuyến,... và dành thời gian để vừa quảng bá sản phẩm, vừa chăm sóc khách hàng. “Hay nói cách khác, chúng ta phải như một doanh nghiệp đầu mối thực thụ trong câu chuyện mua bán, trao đổi sản phẩm nông nghiệp.

Thông thường, cây mai được tiêu thụ nhiều vào khoảng tháng 12 đến tháng 02 năm sau. Thời điểm này trùng với Tết Nguyên đán nên gia đình tôi tập trung vào vụ chính để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh” - anh Đạt nói.

Với những cách làm, tiếp cận, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đến kinh tế nông nghiệp, những nông dân, HTX trên địa bàn tạo ra các sản phẩm chất lượng cũng như làm chủ được quá trình giao thương hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu của thị trường./.

Thanh Mỹ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-den-kinh-te-nong-nghiep-a170645.html