Tự tôn, tự tin, tự lực, tự cường

Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới nêu rõ quan điểm: 'Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc'.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - chia sẻ với Báo Tiếng nói Việt Nam về những kỳ vọng, bước đi và công việc cụ thể.

PV: Thưa Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, ông hình dung như thế nào về khái niệm “doanh nghiệp dân tộc”?

TS. Mạc Quốc Anh: “Doanh nghiệp dân tộc” là một khái niệm mang tính chiều sâu, phản ánh tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với tôi, đó không chỉ là những doanh nghiệp thuộc sở hữu của người Việt Nam mà còn là các tổ chức kinh tế đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển bền vững của quốc gia, gắn bó mật thiết với lợi ích chung của cộng đồng và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống. Doanh nghiệp dân tộc đặt mục tiêu phát triển song hành với trách nhiệm xã hội, sự bền vững của môi trường và tôn vinh bản sắc dân tộc, khẳng định giá trị thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Một doanh nghiệp dân tộc thực sự cần phải có ý chí sáng tạo, bản lĩnh tự lực tự cường, khả năng thích ứng linh hoạt trước những biến động của thị trường toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vai trò của doanh nghiệp dân tộc càng được nhấn mạnh bởi họ là những “người lính” tiên phong bảo vệ chủ quyền kinh tế quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đồng thời, doanh nghiệp dân tộc còn là cầu nối quan trọng trong việc giữ gìn và lan tỏa văn hóa, giá trị truyền thống dân tộc đến thế giới. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy những thương hiệu Việt Nam như Vinamilk, Trung Nguyên, hay các sản phẩm nông nghiệp như gạo ST25 đang góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam sáng tạo, chất lượng và đáng tin cậy.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đồng hành cùng người dân

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đồng hành cùng người dân

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, “doanh nghiệp dân tộc” không phải là khái niệm giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) - đối tượng mà Hiệp hội chúng tôi đang đại diện - hoàn toàn có thể đóng vai trò này. Họ là lực lượng chủ đạo, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm và đóng góp to lớn vào GDP quốc gia. Điều quan trọng là họ cần được hỗ trợ về vốn, công nghệ và chính sách để phát triển.

“Doanh nghiệp dân tộc” không chỉ là một khái niệm kinh tế, mà còn mang đậm ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội. Những doanh nghiệp như vậy chính là biểu tượng cho ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ của người Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào của mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp khi được gắn bó với sự phát triển chung của dân tộc.

PV: Theo ông, để thực sự trở thành doanh nghiệp dân tộc thì doanh nghiệp cần có những tiêu chí và nỗ lực như thế nào?

TS. Mạc Quốc Anh: Doanh nghiệp dân tộc trước hết cần xây dựng tinh thần tự lực, tự cường, không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài. Họ phải có khả năng phát triển bền vững bằng chính nội lực của mình, từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đến việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tài nguyên quốc gia, đóng góp vào việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ, độc lập của đất nước. Ý thức rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của đất nước, đóng góp tích cực vào GDP, xuất khẩu, bảo vệ các ngành kinh tế trọng yếu của quốc gia trước sự cạnh tranh quốc tế.

Cần áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên, tiên phong áp dụng các giải pháp chuyển đổi xanh, tuần hoàn kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu tham quan gian hàng phụ nữ khởi nghiệp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu tham quan gian hàng phụ nữ khởi nghiệp

Doanh nghiệp dân tộc cần gắn bó với văn hóa, giá trị truyền thống của đất nước, đồng thời lan tỏa những nét đẹp đó ra thế giới, quảng bá hình ảnh Việt Nam, góp phần xây dựng một thương hiệu quốc gia độc đáo, bền vững.

Cần thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, hỗ trợ cộng đồng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc tạo ra việc làm, hỗ trợ các chương trình giáo dục, y tế, và đặc biệt là đồng hành cùng chính phủ trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Liên tục đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp xanh và công nghiệp chế biến. Đương nhiên, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, hoạt động kinh doanh minh bạch, công bằng, và xây dựng môi trường làm việc văn minh để xây dựng lòng tin với xã hội và các đối tác quốc tế.

PV: Theo ông, cần có chính sách hỗ trợ như thế nào để vừa kích thích sự phát triển của doanh nghiệp dân tộc vừa đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế?

TS. Mạc Quốc Anh: Trước hết là chính sách hỗ trợ tài chính và tiếp cận vốn bởi các doanh nghiệp dân tộc, đặc biệt là SMEs, thường gặp khó khăn về nguồn vốn. Chính phủ cần triển khai các chính sách minh bạch, bình đẳng và phù hợp với thông lệ quốc tế với gói tín dụng ưu đãi, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, hoặc bảo lãnh tín dụng để giúp họ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc trong việc nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bao gồm các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chi phí áp dụng công nghệ mới, hoặc tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp.

Một môi trường kinh doanh minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu các rào cản pháp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp dân tộc phát triển. Các chính sách xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia và hỗ trợ tiếp cận thị trường quốc tế, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ quốc tế, hoặc đào tạo kỹ năng thương mại toàn cầu là rất cần thiết. Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn, kỹ năng quản trị… đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại và kinh tế tuần hoàn.

Cần chủ động trong việc đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế, xây dựng cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trước những tranh chấp thương mại, hỗ trợ pháp lý khi cần thiết, và thông tin kịp thời về các hiệp định thương mại mới.

Tập trung vào việc thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, chuyển đổi xanh, và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.

PV: Để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động khởi nghiệp ở doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội hiện nay?

TS. Mạc Quốc Anh: Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp, với việc xây dựng vườn ươm khởi nghiệp, chương trình hỗ trợ vốn và kết nối thị trường. Những sự kiện như Techfest Hà Nội hay các diễn đàn khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên, tạo ra môi trường thúc đẩy giao lưu, học hỏi và hợp tác.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, hoạt động khởi nghiệp ở SMEs Hà Nội vẫn còn đối mặt với một số khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguồn lực tài chính để duy trì và mở rộng kinh doanh, trong khi việc tiếp cận vốn từ ngân hàng hay quỹ đầu tư vẫn còn hạn chế.

Khả năng đổi mới sáng tạo của một số doanh nghiệp còn chưa được khai thác triệt để, vẫn tập trung vào mô hình kinh doanh truyền thống, chưa tận dụng được các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, hay kinh tế tuần hoàn. Năng lực quản trị và kỹ năng kinh doanh của các nhà sáng lập doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Một số SMEs chưa xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn, dẫn đến việc thiếu ổn định trong hoạt động.

Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Hà Nội, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách công và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cần được khuyến khích phát triển để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, chương trình đào tạo về kỹ năng quản trị, marketing, đổi mới sáng tạo nên được tổ chức thường xuyên để nâng cao năng lực các nhà sáng lập. Thúc đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với doanh nghiệp lớn, trường đại học và tổ chức quốc tế để mở rộng cơ hội hợp tác và tiếp cận thị trường.

PV: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp dân tộc?

TS. Mạc Quốc Anh: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) luôn xác định rõ sứ mệnh đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình phát triển và khẳng định vai trò của doanh nghiệp dân tộc. Chúng tôi tin rằng, doanh nghiệp dân tộc không chỉ là trụ cột kinh tế mà còn là biểu tượng của tinh thần tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Hanoisme sẽ đẩy mạnh các chương trình tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào mô hình kinh doanh bền vững. Doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, môi trường và trách nhiệm xã hội để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh vừa thể hiện cam kết với cộng đồng.

Mỗi năm các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu tạo ra 9.000 tỷ USD doanh thu, sử dụng 30 triệu lao động. Các doanh nghiệp gia đình đóng góp tới 70% GDP toàn cầu.

Pricewaterhouse Coopers

Hiệp hội đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với quỹ đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với ngân hàng để triển khai những gói vay ưu đãi, đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp áp dụng mô hình chuyển đổi số.

Hanoisme hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ mới thông qua chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ lớn. Tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, cung cấp công cụ và giải pháp công nghệ để giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa chi phí và mở rộng thị trường.

Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm và các sự kiện kết nối kinh doanh, tạo cơ hội để doanh nghiệp dân tộc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng và đối tác quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và khẳng định giá trị thương hiệu Việt trên thị trường toàn cầu.

Hanoisme nhận thức rõ rằng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để doanh nghiệp phát triển bền vững, do đó tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng quản trị, kinh doanh và đổi mới sáng tạo cho lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên. Phối hợp với các trường đại học, cơ sở đào tạo để phát triển đội ngũ lao động có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hiệp hội tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp. Tích cực tham gia vào việc xây dựng chính sách pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp dân tộc phát triển… Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác để tận dụng sức mạnh cộng đồng, cùng nhau phát triển và lan tỏa các giá trị dân tộc.

PV:Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Thùy/Báo TNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/bao-xuan/khat-vong-viet/tu-ton-tu-tin-tu-luc-tu-cuong-post1150592.vov