Từ những 'đốm lửa nhỏ'

Bigeard - nhà nghiên cứu của Pháp, người khá am hiểu về Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, từng nhận xét: 'Họ đã bắt đầu với những vũ khí góp nhặt... Rồi ngày qua tháng lại, họ tổ chức thành từng toán, từng đội, rồi phát triển thành những trung đội, đại đội, tiểu đoàn, lữ đoàn, sư đoàn đầy đủ... Có thể nói rằng, họ đã trở thành đội quân vĩ đại nhất...'.

QĐND Việt Nam - một đội quân công nông từ nhân dân mà ra, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lâu nay, mỗi khi nhắc đến tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam, nhiều người thường nhắc đến Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mà quên rằng ngoài đội quân chủ lực đầu tiên này còn có các tổ chức vũ trang cách mạng khác, như: Đội Tự vệ công nông, Du kích Bắc Sơn, Du kích Nam Kỳ, Du kích Ba Tơ, Cứu quốc quân và các đội du kích, tự vệ khác ở các địa phương trong cả nước.

Như vậy, Quân đội ta được hình thành và phát triển trên cơ sở các tổ chức vũ trang như những "đốm lửa nhỏ" được nhen nhóm từ trong cao trào cách mạng 1930-1945. Cùng với sự phát triển của phong trào đấu tranh chính trị, dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng, các tổ chức vũ trang này đã vượt qua bao thử thách, hy sinh, phát triển nhanh chóng, trở thành nòng cốt, làm chỗ dựa vững chắc cho toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là tiền đề cho sự phát triển lớn mạnh của QĐND Việt Nam ngày nay.

 Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Ảnh tư liệu

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Ảnh tư liệu

Ngay từ trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đã xuất hiện các đội Tự vệ công nông (hay còn gọi là Tự vệ đỏ). Lúc bấy giờ, tại 17 phủ, huyện ở Nghệ An và Hà Tĩnh đều có các đội Tự vệ đỏ quy tụ hàng nghìn đội viên, chủ yếu từ các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản... Nhiệm vụ của các đội Tự vệ đỏ là chống địch khủng bố, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ và làm chỗ dựa cho phong trào đấu tranh của quần chúng, bảo vệ chính quyền Xô viết ở những nơi vừa mới thành lập. Tự vệ đỏ chính là "đốm lửa" đầu tiên của LLVT cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày 27-9-1940, cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) nổ ra và nhanh chóng lan rộng. Để hỗ trợ quần chúng nổi dậy và làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa, đầu năm 1941, tại khu rừng Khuổi Mọi (xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, Lạng Sơn), dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Đội Du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập, với 32 đội viên, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ huy. "Đội du kích Bắc Sơn đã trở thành một trong những đứa con đầu lòng của các LLVT cách mạng Việt Nam" (theo cuốn "QĐND Việt Nam - Những chặng đường chiến đấu", NXB QĐND, H., 1984, tr.10).

Đầu năm 1940, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ về tổ chức các đội tự vệ và du kích ở các địa phương để chuẩn bị bạo động, tại 18 tỉnh ở Nam Kỳ đã hình thành nhiều tiểu đội, trung đội tự vệ và du kích. Ngày 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, các đội tự vệ, du kích này làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy và tổ chức được nhiều trận đánh gây tiếng vang.

Sau đó, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man và tan rã; dù chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển quân du kích của Xứ ủy chưa kịp phổ biến xuống các địa phương thì Ban lãnh đạo Xứ ủy đã bị địch bắt, nhưng quân du kích Nam Kỳ đã bí mật phân tán vào các vùng căn cứ Đồng Tháp Mười, U Minh... bám trụ và tiếp tục hoạt động cho đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Đây cũng là một trong những tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương 8 chủ trương chuyển hướng chiến lược, đồng thời quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng và phát triển LLVT, đổi tên các tổ chức trong Mặt trận thành các hội cứu quốc. Để phù hợp với nhiệm vụ cứu nước mới, Đội Du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Cứu quốc quân (Cứu quốc quân I). Trung đội Cứu quốc quân I được biên chế thành các tiểu đội do đồng chí Phùng Chí Kiên và đồng chí Lương Văn Tri chỉ huy. Khi quân Pháp mở cuộc tiến công đánh chiếm và càn quét khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, Cứu quốc quân đã mưu trí, anh dũng chiến đấu, bảo vệ an toàn cho Tổng Bí thư Trường Chinh và các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 trên đường từ Cao Bằng qua Bắc Sơn về xuôi.

Tiếp nối Cứu quốc quân I, ngày 15-9-1941, tại khu rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, châu Võ Nhai, Thái Nguyên), Trung đội Cứu quân II được thành lập. Đây là lực lượng nòng cốt bảo vệ căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai. Trung đội Cứu quốc quân II có 47 người (trong đó có 3 chiến sĩ nữ), được biên chế thành 5 tiểu đội.

Giữa vòng vây của quân thù, Cứu quốc quân II đã tổ chức được nhiều trận đánh quan trọng, tạo được tiếng vang và gây cho quân địch nhiều nỗi kinh hoàng. Giữa năm 1942, quân Pháp mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai. Để tránh cho nhân dân khỏi bị khủng bố do liên lụy và để bảo toàn lực lượng, Cứu quốc quân II đã chia làm các nhóm nhỏ, bí mật thoát vây, rút lên vùng biên giới, tiếp tục duy trì hoạt động.

Từ cuối năm 1943, con đường quần chúng cách mạng "Bắc tiến", "Nam tiến", "Tây tiến" xuất phát từ căn cứ địa Cao Bằng đã được đánh thông xuống căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai và lật cánh sang Tuyên Quang, mở ra cơ hội để Cứu quốc quân mở rộng địa bàn hoạt động. Ngày 25-2-1944, tại Khuổi Kịch (châu Sơn Dương, Tuyên Quang), Trung đội Cứu quốc quân III được thành lập. Trung đội có 30 người, do đồng chí Triệu Khánh Phương và đồng chí Phương Cương chỉ huy. Địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân III trải rộng từ Tuyên Quang qua Đại Từ (Thái Nguyên).

Cứu quốc quân I, II, III đều là những tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam. Cuối năm 1944, nhận thấy thời cơ khởi nghĩa chưa chín muồi, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao Bằng; đồng thời chỉ rõ: Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Hình thức đó chính là vũ trang tuyên truyền. Người đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ xúc tiến việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nêu rõ: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự... sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực".

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng), dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Đội gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng. Đội có Chi bộ Đảng lãnh đạo; đội viên đều là những cán bộ trung kiên, dày dạn kinh nghiệm, được tuyển chọn từ các đội du kích Cao-Bắc-Lạng và từ các lớp đào tạo, bổ túc ở Trung Quốc về.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh... Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang". Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của QĐND Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã hạ các đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở ra truyền thống "đã ra quân là chiến thắng, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu" của QĐND Việt Nam.

Tại Nam Trung Bộ, ngày 11-3-1945, nhân cuộc đảo chính Nhật-Pháp, những tù nhân chính trị bị địch giam cầm ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã phối hợp với một số binh lính được cách mạng giác ngộ nổi dậy chiếm đồn Ba Tơ, thu toàn bộ vũ khí của địch. Để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy, chỉ một ngày sau đó (12-3-1945), Đội Du kích Ba Tơ chính thức được thành lập. Đội có 28 người với 24 khẩu súng, được biên chế thành 3 tiểu đội, do các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn chỉ huy. Đội Du kích Ba Tơ làm nòng cốt cho cao trào chống Nhật, cứu nước trên địa bàn Nam Trung Bộ lúc bấy giờ và là hạt nhân để xây dựng, phát triển LLVT Khu 5 sau này.

Cùng với các tổ chức vũ trang kể trên, trong quá trình vận động cách mạng tạo thế, tạo lực tiến tới Tổng khởi nghĩa, trên khắp cả nước đã xuất hiện nhiều tổ chức vũ trang, như Đội du kích chống Nhật của Chiến khu Đông Triều, Đội du kích của Chiến khu Vần-Hiền Lương, các đội: Xung phong Công đoàn, Tự vệ xung phong của Sài Gòn, Cảm tử quân của Bến Tre, Đội Xung phong vũ trang của Sa Đéc...

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4-1945), ngày 15-5-1945, tại Định Biên Thượng (Định Hóa, Thái Nguyên), Cứu quốc quân, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác trong cả nước được thống nhất lại thành Việt Nam Giải phóng quân. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của các LLVT cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2-9-1945), Việt Nam Giải phóng quân trở thành Quân đội của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tháng 11-1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn; đến tháng 5-1946 đổi thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và từ năm 1950 mang tên gọi QĐND Việt Nam cho đến ngày nay.

Các tổ chức tiền thân của QĐND Việt Nam như những "đốm lửa nhỏ" từ căn cứ địa Việt Bắc cho đến "khúc ruột" miền Trung vào bưng biền Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, được nhân dân hết sức đùm bọc, che chở và giúp đỡ đã phát triển thành một Quân đội hùng mạnh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế, viết nên truyền thống hào hùng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

TRẦN VĨNH THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/tu-nhung-dom-lua-nho-783454