Từ món lòng xe điếu đến lòng tin người tiêu dùng
Những ngày gần đây, câu chuyện về món lòng xe điếu trở thành tâm điểm tranh luận trên mạng xã hội. Khi những nghi ngờ, tranh cãi thật giả vẫn chưa ngã ngũ thì vấn đề đặt ra là lòng tin của người tiêu dùng đặt vào đâu khi thị trường tràn ngập thực phẩm giả.

Lòng xe điếu, món ăn đặc sản đang gây tranh cãi thật giả trong những ngày gần đây (ảnh minh họa)
Lòng xe điếu, một phần ruột non của lợn, được coi là đặc sản bởi độ hiếm và vị ngon. Tuy nhiên, khi một đoạn video trên mạng xã hội khoe bộ lòng xe điếu dài 40 m xuất hiện, nhiều chuyên gia đã lên tiếng nghi ngờ tính xác thực của sản phẩm này.
Các chuyên gia thú y cho rằng về mặt sinh học, một con lợn không thể có ruột dài đến vậy, càng không thể có số lượng lớn như đang được rao bán. Việc sản phẩm này được rao bán tràn lan trên thị trường có thể là hành vi gian lận thương mại, sử dụng hóa chất để tạo ra sản phẩm giả.
Như vậy, một món ăn vốn được xem là đặc sản đã trở thành cái cớ để phơi bày một thực trạng đáng báo động về ma trận thực phẩm không rõ nguồn gốc, thật giả lẫn lộn.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng lòng xe điếu. Trước đó, hàng loạt vụ sữa giả, thuốc giả đã bị phát hiện thời gian qua. Hàng trăm sản phẩm được dán nhãn “chính hãng”, “tốt cho sức khỏe” nhưng thực chất là hàng trôi nổi, pha tạp, thậm chí là nhái nhãn hiệu. Thực phẩm thì giả, nhưng chỉ có bệnh ung thư là thật.
Khi những gì trực tiếp dùng để ăn, để uống lại trở thành mối hiểm họa tiềm tàng, thì lòng tin của người tiêu dùng vào thị trường dần trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Sống trong ma trận thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng Việt dần có thói quen tự bảo vệ mình từ đọc kỹ bao bì, truy xuất nguồn gốc, đến chọn mua tại nơi uy tín. Nhưng ngay cả những biện pháp đó cũng chưa đủ bảo đảm có nguồn thực phẩm an toàn.
Sự tinh vi của hàng giả hiện nay đã vượt qua những giá trị đạo đức. Thực phẩm bẩn được "phù phép" bằng hóa chất để tạo độ tươi. Thuốc giả được làm giống hệt thuốc thật, len lỏi vào cả kênh bán chính thức. Sữa giả thậm chí còn được một số người nổi tiếng quảng cáo, vô tình tiếp tay cho hành vi gian dối.
Khi sản phẩm giả có mặt ở khắp nơi, từ chợ truyền thống đến sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng dần rơi vào trạng thái không biết tin ai, mua gì. Mỗi quyết định tiêu dùng giờ đây được đem đánh cược bằng chính sức khỏe của bản thân và gia đình, vì một thị trường thiếu minh bạch.
Thực phẩm giả không đơn thuần là vấn đề kinh tế hay thương mại. Nó là vấn đề đạo đức, là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Dùng lòng xe điếu làm từ hóa chất có thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng gan thận. Uống sữa giả có thể khiến trẻ em suy dinh dưỡng. Dùng thuốc giả có thể làm bệnh nhân mất đi cơ hội sống sót cuối cùng.
Không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người tiêu dùng do thiếu hiểu biết hay ham rẻ trong khi những sản phẩm giả được làm tinh vi, tràn lan trên khắp các kênh phân phối khó có thể phân biệt.
Trách nhiệm trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm cần phải quyết liệt, liên tục hơn. Cần rà soát nghiêm ngặt chuỗi cung ứng từ sản xuất đến phân phối, ứng dụng công nghệ số để truy vết và minh bạch thông tin sản phẩm.
Các nền tảng thương mại điện tử và người nổi tiếng càng không thể tiếp tay cho quảng cáo sai lệch, vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Nếu một clip trên mạng xã hội có thể khiến hàng trăm người mua nhầm lòng se điếu giả, thì rõ ràng sức mạnh lan tỏa cần đi kèm trách nhiệm đạo đức.
Để người dân tin tưởng vào thực phẩm trên thị trường, cần có một hệ sinh thái tiêu dùng minh bạch, trong đó quyền lợi của người tiêu dùng được đặt ở trung tâm.
Trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, được trang bị những kỹ năng nhận biết hàng giả, cách tra cứu mã vạch, cách phân biệt thực phẩm tươi và thực phẩm được “phù phép”. Mỗi hành động tẩy chay hàng giả, mỗi lần phản ánh với cơ quan chức năng... đều là bước góp phần xây dựng một thị trường minh bạch, an toàn.
Cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn nữa các cá nhân, tổ chức sản xuất và kinh doanh hàng giả để đủ sức răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-mon-long-se-dieu-den-long-tin-nguoi-tieu-dung-411097.html