Từ chuyện chuỗi cà phê 'bịt ổ điện': Làm sao để duy trì không gian thoải mái cho khách hàng?
Làm sao để khách hàng nói chung có trải nghiệm tốt nhưng cũng 'đối phó' được với những khách có sở thích xài chùa là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh cafe.
Mạng xã hội xôn xao về thông tin một chuỗi cà phê đã có hành động “bịt ổ điện” tại nhiều cửa hàng. Điều này lập tức thổi bùng làn sóng phản ứng trái chiều, đặc biệt từ nhóm khách hàng có thói quen làm việc tại quán cà phê.
Nhiều người cho rằng động thái này nhằm hạn chế tình trạng khách ngồi lâu, làm việc trong thời gian dài mà không tiêu dùng nhiều. Cũng có ý kiến cho rằng quán cà phê là nơi kinh doanh, không phải văn phòng miễn phí; việc duy trì không gian thoải mái cho tất cả khách hàng là một thách thức thực tế.
Từ chối phục vụ “tinh tế"
Với sự dịch chuyển ngày càng rõ nét của thói quen làm việc linh hoạt, quán cà phê đã trở thành “văn phòng di động” của hàng triệu người, từ freelancer đến nhân viên làm việc từ xa. Ổ điện, Wi-Fi, bàn ghế thoải mái – tất cả không còn là tiện nghi, mà trở thành điều kiện tối thiểu để khách hàng lựa chọn.
Khách hàng hiến kế
Đây là cơ hội để chuỗi cà phê đổi mới mô hình kinh doanh. Họ có thể phát triển các khu vực làm việc chuyên biệt, có ổ điện, wifi tốc độ cao, với mức phí hợp lý.
Khách hàng sẵn sàng trả tiền cho không gian và tiện ích chất lượng. Đó mới là cách làm chuyên nghiệp, thay vì áp dụng biện pháp ‘bịt ổ điện’ một cách chung chung.
Anh TRẦN MINH QUÂN, freelancer
Chị Lê Thu Hương (32 tuổi, freelancer) bày tỏ: “Tôi luôn gọi đồ uống đầy đủ, có khi cả bánh ngọt, thậm chí đi 2-3 người. Tôi chọn quán cà phê vì nó mang lại cảm hứng, sự yên tĩnh và có thể kết nối. Nhưng khi ổ điện bị bịt mà không có lời giải thích rõ ràng, tôi cảm thấy mình bị từ chối phục vụ”.
Chị Hương nhấn mạnh: “Tôi không yêu cầu miễn phí. Tôi sẵn sàng trả phí sử dụng ổ cắm, hoặc dùng dịch vụ theo combo. Nhưng đừng im lặng rồi bịt kín vì đó là hành vi thiếu tinh tế”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Lan Anh, nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM, cho biết chị thường xuyên chọn quán cà phê là địa điểm làm việc ngoài giờ. Chị Lan Anh bày tỏ sự thất vọng khi chuỗi cà phê áp dụng việc “bịt ổ điện”, khiến chị và nhiều người khác gặp khó khăn trong việc sử dụng laptop, điện thoại cho công việc và học tập.
Theo chị Lan Anh, quán cà phê đã trở thành một “văn phòng thứ hai” với môi trường vừa thoải mái, vừa sáng tạo. Việc mất đi nguồn điện khiến chị phải phụ thuộc vào pin, giới hạn thời gian làm việc và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc.
Chị Lan Anh nhấn mạnh: “Trong thời đại công nghệ số, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử trong không gian công cộng như cà phê là nhu cầu chính đáng và cần được tôn trọng. Việc ‘bịt ổ điện’ là cách xử lý làm mất đi sự tiện lợi mà khách hàng mong muốn” – chị Lan Anh nói.
Chị Phạm Thu Hằng, nhân viên ngân hàng, bày tỏ: “Tôi hiểu quán cà phê cũng cần kinh doanh và phải quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng khách hàng ngồi lâu mà không gọi thêm đồ uống. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc cắt điện có thể làm giảm trải nghiệm khách hàng, khiến không gian quán trở nên thiếu thân thiện. Có lẽ quán nên cân nhắc thêm phương án tăng giá đồ uống hoặc khuyến khích khách mua thêm nếu muốn sử dụng ổ điện".

MXH lan truyền hình ảnh ổ điện bị bịt kín tại một chuỗi cà phê. Ảnh: MXH.
Nghiên cứu cách “đối phó” khác
Ngược lại, nhiều bạn đọc bày tỏ sự thấu hiểu với hành động “bịt ổ điện”, cho rằng các chuỗi cà phê cần có chiến lược thích nghi, đa dạng hóa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng này thay vì áp dụng biện pháp quá cứng nhắc.
Anh Nguyễn Văn Lực (25 tuổi, quận 10, nhân viên văn phòng) bày tỏ sự đồng tình với hành động bịt ổ điện:
“Không thể phủ nhận có một nhóm khách hàng đến quán, gọi một ly cà phê rẻ nhất rồi ngồi cả buổi sáng, chiếm dụng ổ điện, chỗ ngồi, dùng Wi-Fi như ở nhà. Quán là nơi kinh doanh, phải có lợi nhuận thì mới phục vụ được lâu dài” – anh Lực nói.
Theo anh Lực, việc giới hạn tiện ích như ổ điện là cách tránh khách hàng sử dụng dịch vụ thiếu cân đối. Anh đề xuất các quán cà phê nên xây dựng chính sách sử dụng cụ thể, ví dụ như có khu vực riêng dành cho người làm việc, có phụ thu.
Tương tự, từ góc nhìn của anh Trần Minh Tuấn, chủ một quán cà phê nhỏ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai, hành động này có thể hiểu được trong bối cảnh kinh doanh đầy cạnh tranh.
Anh Tuấn cho biết thực tế nhiều khách hàng thường ngồi hàng giờ tại quán mà chỉ gọi một vài đồ uống, thậm chí có người không tiêu thụ gì, đồng thời sử dụng điện năng để sạc laptop, điện thoại trong khi không đóng góp tương xứng về mặt doanh thu. Điều này khiến các quán cà phê nhỏ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và phục vụ khách hàng khác.
Anh Tuấn lý giải: “Kinh doanh cà phê không phải là kinh doanh văn phòng miễn phí. Việc hạn chế ổ điện giúp quán có thể cân đối tài chính, phục vụ được nhiều khách hàng hơn, tránh việc một số người chiếm dụng chỗ ngồi lâu mà không tạo ra doanh thu tương xứng”.
"Siết lại những gì từng cho đi” luôn cần đi kèm với sự tinh tế
Việc loại bỏ ổ điện không chỉ đơn thuần là một thay đổi nhỏ trong tiện ích, mà có thể phản ánh sự chuyển dịch chiến lược của doanh nghiệp.
Chuỗi cà phê này vốn được định vị như một không gian trải nghiệm, nơi khách hàng, đặc biệt là giới trẻ có thể ngồi lâu, làm việc hoặc học tập. Sự thoải mái và tính kết nối cao là yếu tố từng giúp thương hiệu này tạo được dấu ấn riêng giữa thị trường cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, chiến lược “hy sinh chỗ ngồi lâu để lấy trải nghiệm” này lại tiềm ẩn những rủi ro về doanh thu.
Trên thực tế, bài toán “vòng quay chỗ ngồi” luôn là một chỉ số kinh tế quan trọng với các thương hiệu F&B. Nếu một chỗ ngồi chỉ phục vụ được 1-2 khách/ngày, hiệu quả kinh doanh sẽ sụt giảm rõ rệt. Do đó, việc loại bỏ ổ điện có thể là một biện pháp nhằm tăng tốc độ vòng quay khách, giới hạn thời gian ngồi và từ đó tối ưu hóa doanh thu.
Tuy nhiên, biện pháp này có phần cứng nhắc và tiềm ẩn nguy cơ làm xói mòn hình ảnh thương hiệu, đặc biệt là trong mắt nhóm khách hàng trung thành, vốn đã quen với mô hình “ngồi lâu – tiêu dùng chậm”. Nếu không được truyền thông rõ ràng, động thái này có thể bị hiểu lầm là hành vi “từ chối khách hàng”, làm tổn hại tới mối quan hệ giữa thương hiệu và cộng đồng tiêu dùng.
Để quá trình này thành công, thương hiệu cần minh bạch hơn trong cách truyền thông và tìm kiếm các giải pháp thay thế hài hòa; ví dụ như phân vùng không gian rõ ràng, phụ thu phí,… thay vì áp dụng một quy chuẩn cho tất cả.
Suy cho cùng, trong ngành dịch vụ, việc thay đổi hành vi khách hàng là một quá trình khó, việc “siết lại những gì từng cho đi” luôn cần đi kèm với sự tinh tế trong truyền thông và linh hoạt trong chiến lược. Nếu không, điều đáng tiếc không chỉ là vài ổ điện bị gỡ bỏ, mà là niềm tin vào thương hiệu cũng có thể theo đó mà phai mờ.
ThS LÊ ANH TÚ, giảng viên khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM