Từ chiều 28.9, bão số 4 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam
* Mở lại các sân bay, hàng không khai thác bình thường sau bão Noru
Nhận định về diễn biến hoàn lưu sau bão số 4, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, sáng 28.9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.
Từ trưa và chiều 28.9, bão số 4 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam.
Cảnh giác với mưa, lũ quét, sạt lở do hoàn lưu bão
Đề cập đến tình hình mưa do hoàn lưu bão, ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, ngày 28.9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Từ ngày 28.9 đến ngày 30.9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to.
Lượng mưa dự báo tại tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh là 200-250mmn, có nơi trên 350mm; Nghệ An, Thanh Hóa 150-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình 100-150mm.
Các sông ở Quảng Trị, sông Thu Bồn (Quảng Nam) lên mức báo động 1- báo động 2; sông Vu Gia (Quảng Nam) lên trên báo động 2. Các sông ở Kon Tum lên mức báo động 2- báo động 3 và trên báo động 3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, đặc biệt lưu ý các huyện Hướng Hóa, Đăk Rông (Quảng Trị), Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam), Tu Mơ Rông, Konplong, Đắk Glei, Đăk Tô (Kon Tum).
Từ ngày 28-30.9, các sông ở Bắc Trung Bộ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông nhỏ thượng nguồn sông Mã lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An), Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Từ nay đến tháng 1.2023: Sẽ có 2-4 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam
Dự báo về hình thái thời tiết nổi bật từ nay đến tháng 1.2023, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết cho hay khu vực Biển Đông có khoảng từ 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 2-4 cơn.
Nguy cơ xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022. Khả năng tháng 1.2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, để chủ động ứng phó với mưa lũ, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Các địa phương tổ chức khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản, thu hoạch hoa màu, cây trồng đến thời kỳ thu hoạch... để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Các địa phương thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Các địa phương rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn phân luồng giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn... ; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất cho cộng đồng.
Thắng Trung
Mở lại các sân bay, hàng không khai thác bình thường sau bão Noru
Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định mở lại 9 trong tổng số 10 sân bay bị tạm đóng cửa tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên để phòng chống bão số bố 4 (tên quốc tế là Noru).
Cụ thể từ 12 giờ trưa 28.9, các sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng) và Vinh (Nghệ An) sẽ mở cửa trở lại, khai thác bình thường.
Sân bay Đà Nẵng dự kiến sẽ mở lại vào hồi 13 giờ 30 ngày 28.9. Các sân bay còn lại gồm Phú Bài (Huế), Pleiku (Gia Lai) sẽ dự kiến mở lại sau 14 giờ chiều 28.9.
Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn đang tạm ngừng tiếp nhận máy bay.
Được biết, 2 sân bay Tuy Hòa (Phú Yên) và Phù Cát (Bình Định) đã hoạt động bình thường sau khi điều kiện thời tiết tốt lên sau bão Noru.
Do tình hình bão Noru suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Vietnam Airlines khôi phục hoạt động khai thác các sân bay Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Mê Thuột.
Ngoài ra, Hãng sẽ tăng chuyến bay, đưa tàu bay thân rộng Airbus A350, Boeing 787 vào khai thác để nhanh chóng, kịp thời phục vụ các hành khách bị ảnh hưởng.
Hãng lưu ý hành khách theo dõi thông tin ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão đến giao thông từ địa phương để tới sân bay làm thủ tục đúng giờ.
Vietnam Airlines sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết và cập nhật trong các bản tin tiếp theo. Các thay đổi phát sinh do ảnh hưởng của thời tiết xấu sẽ được Hãng cập nhật trên fanpage, website hoặc nhắn tin tới điện thoại, email mà khách hàng sử dụng khi đặt vé.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định tạm ngừng khai thác 10 cảng hàng không do ảnh hưởng của cơn bão Noru. Các hãng hàng không cũng phải thay đổi lịch khai thác do cơn bão này như hủy chuyến, bay sớm hoặc chậm hơn so thời gian dự kiến lên tới hàng trăm chuyến bay nhằm đảm bảo an toàn bay và hàng chục nghìn hành khách bị ảnh hưởng.