Từ 31-8, TP.HCM sẽ tiêm vaccine sởi xuyên lễ 2-9

TP.HCM sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi xuyên lễ 2-9 cho tất cả trẻ em, không phân biệt tiền sử tiêm chủng trước đó.

Chiều 28-8, sau khi UBND TP.HCM chính thức công bố dịch sởi, Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch sởi.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết dự kiến 2 ngày tới, khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về tới TP để triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ.

Số vaccine này được mua từ nguồn ngân sách của UBND TP.HCM.

TP.HCM dự kiến sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi xuyên lễ, từ ngày 31-8.

 TP.HCM sẽ tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ em trên địa bàn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

TP.HCM sẽ tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ em trên địa bàn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Giai đoạn đầu tiêm kéo dài khoảng 1 tháng, sẽ tiêm vaccine sởi cho tất cả trẻ từ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao từ 6-16 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng.

Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, cũng được tiêm bổ sung nếu chưa tiêm đủ mũi.

Giai đoạn 2 sẽ tiêm bù cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.

Nguồn vaccine sởi sẽ được mua bổ sung theo nhu cầu thực tế. Ngoài các điểm tiêm tại trạm y tế, bệnh viện, TP sẽ tổ chức hàng loạt điểm tiêm lưu động tại các trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ...

Sở Y tế TP.HCM cho biết bệnh sởi có thể lây nhiễm rất dữ dội, các bệnh viện cần thực hiện phân luồng tốt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Đặc biệt, cần bảo vệ nhóm nguy cơ, tránh để ca sởi lọt vào khu điều trị bệnh mạn tính như khoa tim mạch, thận, huyết học...

Nếu trong phòng điều trị có một trẻ mắc sởi, những trẻ còn lại phải được bảo vệ, tiêm dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc Immune Globulin.

Cạnh đó, Sở Y tế khuyến cáo người mắc bệnh cần tự cách ly tại nhà, tùy mức độ có thể đến cơ sở y tế điều trị. Trẻ mắc bệnh nền cần nhập viện điều trị khi mắc sởi. Tất cả ca sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo mọi người không chủ quan, song cũng không nên hoang mang trong bối cảnh TP công bố dịch. Đa số cộng đồng đã có miễn dịch nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng 20 năm nay.

 Tiêm vaccine sởi giúp bảo vệ trẻ trước dịch sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tiêm vaccine sởi giúp bảo vệ trẻ trước dịch sởi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Theo báo cáo mới nhất của HCDC, tính từ 19-8 đến 25-8-2024 đã ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi tại TP.HCM. Trong đó 20 ca dương tính, 44 ca không lấy mẫu, 17 ca chưa có kết quả và 4 ca âm tính với sởi. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 là 525 ca.

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu nổi trội của bệnh sởi là phát ban. Khi mắc sởi, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy, rồi lan ra phía mặt và lan đến các vị trí khác trên cơ thể như tay, chân... Đặc biệt, trẻ sẽ sốt cao (39-40 độ C) liên tục, không hạ trong quá trình phát ban, có biểu hiện chảy nước mũi, miệng, ho hay viêm kết mạc.

Nếu trẻ sốt 2-3 ngày kèm phát ban toàn thân, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm siêu vi phát ban thông thường hay mắc sởi giai đoạn đầu.

Nếu trẻ có thêm các dấu hiệu khác như ho, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc, bác sĩ nên nghĩ ngay đến bệnh sởi (đặc biệt lưu ý ở những trẻ chưa được tiêm ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi).

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-31-8-tphcm-se-tiem-vaccine-soi-xuyen-le-2-9-post807428.html