Trường Đại học Khánh Hòa và Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne (Pháp) hợp tác dạy và học mỹ thuật

Hơn 10 năm qua, Trường Đại học Khánh Hòa đã thực hiện việc hợp tác đào tạo trao đổi giảng viên, sinh viên với Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne (Pháp). Qua đó, góp phần giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng dạy và học các môn chuyên ngành mỹ thuật.

Mới đây, chúng tôi có dịp chứng kiến một buổi học của sinh viên Paul Laurant (Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne) với các thầy cô tại xưởng thực hành mỹ thuật của Trường Đại học Khánh Hòa. Nhìn chàng sinh viên đến từ nước Pháp chăm chú nghe các thầy hướng dẫn những kỹ thuật vẽ tranh sơn lụa, điêu khắc, tranh sơn mài… mới cảm nhận được phần nào niềm yêu thích, sự tò mò đối với những môn học này. Đây là những bộ môn mỹ thuật mang tính đặc trưng của nghệ thuật Việt Nam mà Paul Laurant chưa được học ở trường của mình, nên khi mới tiếp cận cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự hỗ trợ tận tình của các giảng viên, anh đã dần nắm bắt được những kỹ thuật khó, thậm chí làm được những tác phẩm của riêng mình. “Tôi đến học ở Trường Đại học Khánh Hòa đã hơn 1 tháng. Khi quyết định chọn trường này để học, tôi đã có sự tham khảo ý kiến của một người bạn ở Pháp và biết đây là một ngôi trường tốt, phù hợp với nhu cầu học tập của tôi. Và quả thực, khi trải nghiệm môi trường học tập tại đây, tôi đã được bổ sung thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mang tính thực hành rất cao. Các giảng viên cũng rất quan tâm, chỉ dẫn nhiệt tình để tôi nắm bắt được kiến thức một cách thuận lợi nhất”, Paul Laurant cho biết.

Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa hướng dẫn sinh viên Paul Laurant tìm hiểu về kỹ thuật vẽ tranh sơn lụa.

Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa hướng dẫn sinh viên Paul Laurant tìm hiểu về kỹ thuật vẽ tranh sơn lụa.

Năm 2017, giảng viên Ngô Văn Thành vinh dự là người đầu tiên của trường đến học tập tại Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne theo thỏa thuận trao đổi, hợp tác giữa hai bên. Qua thời gian học tập, ông được trang bị thêm những kỹ năng về quan sát sư phạm; tham dự các giờ dạy; giảng bài; chấm bài cho sinh viên… Đặc biệt, ông còn được trường mời giảng dạy môn điêu khắc cho sinh viên. Khi trở lại Trường Đại học Khánh Hòa, ông áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu vào thực tế hoạt động giảng dạy của bản thân. “Điều tôi ấn tượng nhất khi qua học ở Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne chính là việc nhà trường khuyến khích khả năng tự giác, tư duy phản biện của sinh viên trong các giờ học, nên khi xây dựng giáo án của mình, tôi cũng đã chú ý hơn đến việc này để giúp cho sinh viên chủ động, tích cực hơn trong các buổi học”, giảng viên Ngô Văn Thành cho biết.

Giảng viên Trần Thị Thủy Tiên cũng có 3 tháng học tập tại Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne, vào năm 2018. Ở đó, cô đã được học những phương pháp giảng dạy hiện đại, cách truyền cảm hứng học tập đối với sinh viên. Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất xưởng thực hành của nhà trường rất quy mô, đảm bảo mỗi sinh viên có được không gian học tập tốt nhất. “Sau chuyến học tập ở Pháp, tôi đã mở mang thêm được vốn hiểu biết của bản thân đối với vấn đề dạy và học mỹ thuật. Ở trong trường cũng tổ chức những buổi triển lãm, giới thiệu tác phẩm của sinh viên để mọi người đến xem và mua tác phẩm. Những sinh viên bán được tác phẩm của mình càng có thêm động lực để theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn”, giảng viên Trần Thị Thủy Tiên cho biết.

Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa hướng dẫn sinh viên Paul Laurant tìm hiểu về kỹ thuật điêu khắc.

Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa hướng dẫn sinh viên Paul Laurant tìm hiểu về kỹ thuật điêu khắc.

Theo ông Nguyễn Văn Tú - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Nghệ thuật, thực hiện thỏa thuận trao đổi, hợp tác về sư phạm giữa Trường Đại học Khánh Hòa với Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne, mỗi năm trường tiếp nhận từ 1 đến 2 sinh viên ở Pháp qua học các môn về mỹ thuật. Từ năm 2015 đến nay, đã có 10 sinh viên Pháp qua học với thời gian học 3 tháng, tương ứng với khoảng 300 đến 400 giờ học. Các sinh viên lựa chọn học tập các môn: Hình họa; điêu khắc; khắc gỗ, in thạch cao; vẽ tranh sơn lụa; vẽ tranh sơn mài. Trường cũng đã cử 3 giảng viên qua Pháp để học tập. Trong 3 tháng, mỗi giảng viên được tham quan, học hỏi về mô hình học tập, phương pháp giảng dạy tại Trường Mỹ thuật châu Âu vùng Bretagne. Sau khi hoàn thành đợt học, các sinh viên, giảng viên được hội đồng sư phạm của trường tiếp nhận chấm điểm đánh giá theo tiêu chí do hai trường cùng thống nhất. Các giảng viên sau khi tham gia học tập ở Pháp đều phát huy được những điều đã tiếp thu để áp dụng vào việc giảng dạy ở trường. Nhà trường cũng rất vui khi có một số sinh viên sau khi về Pháp và hoàn tất thủ tục tốt nghiệp đã quay trở lại Trường Đại học Khánh Hòa để gặp gỡ thầy cô, bạn bè, học thêm những kỹ thuật, kỹ năng mỹ thuật. Trong thời gian tới, 2 trường vẫn tiếp tục triển khai thỏa thuận hợp tác, đồng thời sẽ có những đánh giá, tổng kết để việc hợp tác này ngày càng được hiệu quả hơn, sâu sắc hơn.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202505/truong-dai-hoc-khanh-hoa-va-truong-my-thuat-chau-au-vung-bretagne-phap-hop-tac-day-va-hoc-my-thuat-7ac253f/