Trường ca 'Lò mổ' của Nguyễn Quang Thiều gửi gắm ý niệm về sự sống, cái chết

Tập trường ca 'Lò mổ' không chỉ gây ấn tượng bởi ngôn từ sắc bén, mà còn bởi sự kết hợp độc đáo giữa văn chương và hội họa, mang đến một tổng thể nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc.

Nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Bruce Weigl cùng tác phẩm "Lò mổ." (Ảnh: FB)

Nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Bruce Weigl cùng tác phẩm "Lò mổ." (Ảnh: FB)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sẽ giới thiệu tác phẩm mới - trường ca “Lò mổ” vào 9h ngày 15/2 tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.

Với 18 chương, mỗi chương kèm một bức tranh lớn ông tự vẽ minh họa, tập trường ca này không chỉ gây ấn tượng bởi ngôn từ sắc bén, mà còn bởi sự kết hợp độc đáo giữa văn chương và hội họa, mang đến một tổng thể nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc.

Tác giả cho hay ông hoàn thành trường ca này vào khoảng năm 2016, nhưng thực chất ý tưởng đã bắt đầu từ khi ông đi ngang qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông.

“Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, nơi chứng kiến cảnh giết chóc của những con vật mà chính tôi cũng cảm nhận được nỗi đau và nỗi sợ hãi của chúng,” nhà thơ chia sẻ.

 Hình ảnh trong tác phẩm.

Hình ảnh trong tác phẩm.

Theo ông, lò mổ không chỉ là nơi những sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, mà nó còn là một “vũ trụ” của những thân phận con người đầy ám ảnh, những người sống ở rìa xã hội với công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Đó là những người mà khi rời khỏi lò mổ, có lẽ họ vẫn giữ trong mình những vết thương tâm hồn, không khác gì những sinh linh phải chịu cảnh sát sinh trong đó.

Lò mổ ấy đã khơi dậy trong nhà thơ nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại.

“Có lẽ tôi mong muốn, khi độc giả tiếp cận với ‘Lò mổ,’ họ cũng sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường chung quanh,” ông nói.

Tác phẩm được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh với phần chuyển ngữ do chính tác giả thực hiện.

 Một bức tranh trong bộ sưu tập 18 bức "Nguyện cầu."

Một bức tranh trong bộ sưu tập 18 bức "Nguyện cầu."

Được biết, ý tưởng dịch tác phẩm do nhà thơ Mỹ Bruce Weigl đề nghị, bởi theo ông, “ngôn từ trong ‘Lò mổ’ không chỉ đơn thuần là chữ nghĩa, mà còn là những lớp nghĩa sâu sắc gợi mở những câu hỏi về thân phận và đời sống.”

“Chúng tôi cùng nhau chỉnh sửa từng câu chữ, từng hình ảnh, và đến hôm nay, tôi cảm thấy yên tâm vì bản tiếng Anh của ‘Lò mổ’ đã hoàn thiện với sự biên tập, sửa chữa cẩn thận của một nhà thơ Mỹ danh tiếng, sẵn sàng để đến với độc giả nước ngoài, cùng lúc với bản tiếng Việt,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

Tác phẩm này có 18 bức tranh cùng mang tên “Nguyện cầu” đi kèm minh họa cho từng chương do nhà thơ tự vẽ.

Đây là một cách tác giả thể hiện niềm mong mỏi của mình rằng trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/truong-ca-lo-mo-cua-nguyen-quang-thieu-gui-gam-y-niem-ve-su-song-cai-chet-post1012420.vnp