Trọng trách và tầm nhìn tương lai của Cộng đồng ASEAN
Trong chặng đường phát triển gần 60 năm qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thu được nhiều thành quả, với 'trái ngọt' là sự ra đời của Cộng đồng ASEAN. Năm 2025 không chỉ là cột mốc kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN mà còn là thời điểm then chốt để định hình tầm nhìn phát triển của Hiệp hội trong tương lai. Đây là trọng trách đặt trên vai Malaysia, nước hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng như các nước thành viên.
Là một trong năm nước thành lập ASEAN, Malaysia có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị cấp cao, cũng như trên cương vị chủ tịch luân phiên của Hiệp hội. Lần gần nhất Malaysia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN là năm 2015. Đây là năm ghi dấu sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần này trong bối cảnh Hiệp hội thu được nhiều kết quả trong thực hiện các kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết và thống nhất, ngày càng đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN hiện là “mái nhà chung” của hơn 700 triệu dân và là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới.
Chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2025 là “Bao trùm và Bền vững” đã được Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim công bố tại lễ chuyển giao cương vị từ Lào sang Malaysia ở Thủ đô Viêng Chăn tháng 10/2024. Dựa trên chủ đề chung này, Malaysia dự kiến tổ chức hai hội nghị cấp cao và hơn 300 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức trong năm nay.
Nêu các ưu tiên chính trong Năm Chủ tịch ASEAN 2025, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Hasan nhấn mạnh, để tăng cường hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN cần củng cố lòng tin chiến lược giữa các nước thành viên thông qua đối thoại và thiện chí. Sự đoàn kết, thống nhất trong Hiệp hội luôn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới có những chuyển biến phức tạp.
Theo ông Hasan, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối cũng là một trong những ưu tiên của Chủ tịch ASEAN. Trong những năm qua, nền kinh tế Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng trung bình cao hơn mức trung bình toàn cầu. Dù vậy, thương mại nội khối vẫn chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng thương mại của ASEAN. Bởi vậy, Hiệp hội sẽ tận dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ và đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội khối.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng mong muốn các yếu tố bao trùm và bền vững được lồng ghép vào các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Theo đó, ASEAN sẽ tập trung thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng, cải thiện mức sống của người dân, đồng thời giảm tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Malaysia cũng dự định triển khai các sáng kiến trong nhiều lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, du lịch và chăm sóc sức khỏe.
Các nước thành viên đều trông đợi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 được thông qua trong năm nay. Tầm nhìn không chỉ cho thấy sự kế thừa những thành quả đã đạt được mà còn phải đem lại động lực giúp ASEAN hiện thực hóa những khát vọng trong giai đoạn tới. Đó chính là xây dựng một cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Do đó, việc cùng các nước thành viên định hình tương lai của Hiệp hội trong 20 năm tới được coi là nhiệm vụ hàng đầu của Chủ tịch ASEAN.
Trong bài phát biểu chào mừng năm mới, Thủ tướng Anwar Ibrahim nêu rõ, giữ vững đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm, bảo đảm sự phát triển bền vững ở khu vực và không để ai bị bỏ lại phía sau là những nhiệm vụ đặt ra đối với ASEAN. Ông Ibrahim cũng cho rằng, Hiệp hội cần đưa ra những định hướng và nhiệm vụ mới, phù hợp bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động. Cùng với sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN, các nước thành viên cũng cần chung tay gánh vác trọng trách để vững bước trong chặng đường phát triển mới.