Trong sắc đỏ mộc miên - Hoa gạo vẫn trọn đời sắt son

Bài thơ ' Hoa gạo ' của Nhà Thơ, Nhà Báo Trần Mai Hưởng hay, vì ý nghĩa sâu sắc.

Trần Mai Hưởng

HOA GẠO

Ngang trời đốt lửa tháng Ba

Cồn cào cháy khắp gần xa mọi miền

Mặn nồng sắc đỏ mộc miên

Chiều khai hạ sớm cuối xuân đợi người

Bến sông bên lở bên bồi

Thuỷ chung hoa vẫn trọn đời sắt son

Trải bao giông bão mất còn

Hồn quê thức gọi đàn con ngày về.

Hình ảnh cả bài thơ về hoa gạo, và ở mỗi câu thơ trong bài thơ gợi nhớ thương yêu, mùa hoa cháy bừng lên, và nỗi buồn vui, có lúc buồn như chờ đợi mà nhiều khi khuyết đi, rồi cho nỗi nhớ thương đầy lại.

Nỗi nhớ và khát khao thôi thúc về loài hoa gạo rực rỡ ấy, đã được Nhà Thơ viết câu thơ hay, gợi và tan chảy: “Cồn cào cháy khắp gần xa mọi miền”. Gửi tình yêu vào hoa gạo, nhờ sắc màu, mùa hoa nở mà lòng người được giãi bày. Tình yêu của Nhà Thơ như loài hoa gạo đỏ thắm, nồng nàn thủy chung, sắt son. Hoa giấu nụ qua giá rét trước đó và trải qua mùa xuân đẹp: “Trải bao giông bão mất còn / Mặn nồng sắc đỏ mộc miên”. Ví như hoa và người, như hồn quê ta mang sắc hoa lẫm liệt; dẫu qua bao gian truân, mất mát, chịu đựng nhiều thiệt thòi mà vẫn vươn dài rộng, vẫn mãi còn dư vang, lâu bền; như thế bài thơ đánh thức cho ta sự hoài cảm đến khôn nguôi, nao lòng: “Bến sông bên lở bên bồi / Thủy chung hoa vẫn trọn đời sắt son”.

Bài thơ "Hoa Gạo " của Nhà Thơ Trần Mai Hưởng viết ngắn, nhưng chất chứa bề dày, bởi cảm xúc ăm ắp, tinh tế và mạnh mẽ hiện về khung trời đẹp là bài thơ thắm đỏ, uy nghi lồng lộng, vững chãi như rừng hoa gạo, ôm bát ngát tình yêu non sông. Loài hoa vóc dáng, thiên nhiên hữu tình, sương khói, mưa nắng ấy, nở chói sắc lộng lẫy như tình yêu lãng mạn thiết tha quê hương, đất nước của Nhà Thơ Trần Mai Hưởng; vậy đáng ngưỡng mộ lắm thay.

Nguyễn Đức Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/trong-sac-do-moc-mien-hoa-gao-van-tron-doi-sat-son-a18152.html