Trồng rẫy, đổi đời: Chuyện của nông dân Kiên Giang
Nhờ sự cần cù và sáng tạo, nhiều gia đình nông dân ở tỉnh Kiên Giang đã thay đổi cuộc sống từ nghề trồng rẫy. Từ khoai mỡ, rau màu đến dưa leo, họ đã xây dựng cuộc sống ổn định, góp phần phát triển nông nghiệp địa phương, mang lại thu nhập bền vững.

Ông Nguyễn Văn Quyết, ngụ xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) chăm sóc rẫy khoai mỡ Mộng Linh.
Ông Nguyễn Văn Quyết, ngụ ấp Minh Hưng, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) vừa thu hoạch xong hơn 5 tấn gừng củ loại làm giống bán cho thương lái, thu về 45 triệu đồng. Mặc dù giá gừng hiện tại giảm so với cùng kỳ năm 2024 nhưng ông Quyết vẫn có lợi nhuận.
Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết: “Ngoài gừng, tôi còn trồng khoai mỡ, chuối. Với 4ha đất trồng rẫy, bình quân tôi thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Nên nhà nên cửa, con cái học hành cũng nhờ trồng rẫy mà có được”.
20 năm trước, vợ chồng ông Quyết từ Cà Mau đến xã An Minh Bắc mua 4ha đất lập nghiệp. Đất đai vùng đệm vốn màu mỡ, những luống rau màu, chuối xanh tốt lần lượt cho thu hoạch, giúp gia đình ông Quyết có thu nhập ổn định. Làm việc không ngơi tay, từ mờ sáng vợ chồng ông đã có mặt ngoài rẫy, hết cuốc đất, tưới nước đến bón phân, nhổ cỏ. Chăm chỉ làm lụng lại chi xài tiết kiệm nên sau thời gian lập nghiệp nơi đất khách, vợ chồng ông Quyết bắt đầu có dư.
Để tránh tình trạng được mùa nhưng mất giá, ông Quyết liên kết với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 sản xuất và bao tiêu khoai mỡ Mộng Linh với giá đảm bảo có lợi nhuận. Đây là giống khoai mới, chất lượng cao nên được một doanh nghiệp tại Long An thu mua, chế biến, xuất khẩu. Cách đây 3 năm, ông Quyết xây dựng căn nhà với chi phí 700 triệu đồng từ lợi nhuận nghề trồng rẫy.
“Trồng rẫy cực nhưng nhanh có thu nhập. Hết mùa khoai thì phơi đất chuyển sang trồng gừng lấy củ nhằm cải tạo đất, cắt mầm bệnh lưu tồn trong đất. Chuối xiêm thì cho thu nhập hàng ngày, chi phí đầu tư thấp nên sống khỏe”, ông Quyết nói.

Ông Danh Chung, ngụ phường An Bình (TP. Rạch Giá) bên rẫy khổ qua.
Còn đối với gia đình ông Danh Chung, ngụ khu phố 6, phường An Bình (TP. Rạch Giá), nghề rẫy đưa đời sống gia đình ông vượt qua khó khăn. Ông Chung kể vợ chồng ông vốn chỉ có nghề phụ hồ kiếm sống, không có đất đai canh tác. Đến năm 2017, một người quen tốt bụng ở xóm có đất bỏ trống ngỏ ý cho vợ chồng ông Chung mượn để trồng rau màu. Vậy là ông Chung nghĩ đến chuyện trồng rẫy để cải thiện thu nhập. Đang lúc thiếu vốn đầu tư, ông Chung được Hội Nông dân phường An Bình hỗ trợ cho vay tín chấp 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ông Chung nói: “Có vốn, tôi cải tạo 3.000m2 đất, luân phiên trồng các loại rau màu như rau muống, bông cải, khổ qua, hoa tết. Nhờ chăm chỉ lao động, những vụ màu giúp gia đình tôi có thu nhập khá, không phải vất vả làm phụ hồ như trước. Tôi đang nhờ Hội Nông dân phường An Bình kết nối với doanh nghiệp sản xuất rau màu an toàn, tăng hiệu quả kinh tế”.
Tại xã Bàn Thạch (Giồng Riềng), gia đình ông Danh Búng là một trong những hộ tiêu biểu về sản xuất cây màu thu lợi nhuận khá. Nhận thấy sản xuất lúa không hiệu quả, ông Búng chuyển 4.000m2 đất ruộng sang trồng màu.
Không luân phiên nhiều loại cây trồng khác nhau theo mùa, ông Búng chỉ trồng chuyên canh dưa leo. Theo ông lý giải vì dưa leo thời gian trồng mỗi vụ ngắn, từ khi xuống giống cho tới khi thu hoạch là 35 ngày. Nhiều người thường bảo 1 công rẫy bằng 4 công ruộng, với ông Búng câu nói ấy không sai, nhưng phải xét cả hai mặt về thu nhập cũng như công sức bỏ ra.
Ông Búng nói: “Trồng rẫy suốt ngày gần như ở ngoài đồng, hết cuốc đất, làm giàn, bón phân, tưới nước, phòng trị bệnh. Cực nhất là vào mùa thu hoạch vợ chồng tôi phải thức từ 2-3 giờ để thu hoạch kịp thương lái đến cân vào sáng sớm đưa đi tiêu thụ. Trồng rẫy cực nhưng có thu nhập hàng ngày”.
Để dưa leo bán được giá, ông Búng thường canh thời điểm xuống giống để thu hoạch dưa leo vào các dịp lễ, tết, mùa nước nổi hoặc nắng hạn ít nơi trồng. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật nên giảm chi phí sản xuất, dưa leo luôn trúng mùa. Với giá dưa leo bình quân 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Búng thu lợi nhuận từ 15-18 triệu đồng/1.000m2/năm.