Trời lắm gió với mây

Hết bão rồi tới áp thấp, hết áp thấp rồi tới mưa dầm, tang thương đó rồi buồn đó, không năm nào trời không gieo thêm những trái ngang.

Mấy nay Ngô tôi đọc báo, không lần nào là không xót, không lần nào là không thở hắt ra.

Đồng bào mình vùng cao vùng sâu vùng xa vốn đã nhiều khốn khó, nay thêm mối họa từ trời thì sức nào mà chịu cho thấu, lưng nào đủ mạnh để khỏi oằn.

Ai nghĩ mà không chuyện nọ xọ chuyện kia, chuyện này kéo theo chuyện khác. Trong những chuyện nối nhau mong manh như ngó sen ấy, hận nhất vẫn là các vị mũ cao áo dài, nói thì hay làm thì chán mà chuyên môn chính lại là phá ngân sách.

Tất nhiên, tiếng trống lệnh do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã vang rền thì ai sai nặng thì chăn kiến, nhẹ thì lột hết áo mão cân đai. Mặc dầu vậy, buồn thì vẫn cứ buồn.

1. Hòn đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) ngập rất nặng trong đợt mưa dầm dề này, Thị trấn Dương Đông trên đảo người lóp nhóp trong nước, nước dâng có đoạn đến ngực người lớn, lại có cả hình ảnh rất cinema là người dân chèo xuồng. Trùng hợp thay, vài hôm trước khi đảo ngọc thành đảo ngập thì Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành Đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi là Luật Đặc khu) được Quốc hội thông qua. Đồng thời, lãnh đạo địa phương đề xuất cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu kinh tế Phú Quốc.

Phú Quốc vốn là địa điểm du lịch rất được ưa thích với những hòn đảo hoang sơ, bãi biển nước trong xanh văn vắt và cát trắng mềm mịn êm chân. Mười mấy năm trước Ngô tôi đến nơi này, mướn một chiếc xe gắn máy, rong ruổi khắp đảo chuyện trò thăm thú. Hòn đảo này mê hoặc đến mức tính ở vài hôm nhưng lại kéo dài đến vài tuần, mạn Bắc mạn Nam gì cũng cây xanh mát rượi, đường đất thơm tho.

Rồi cơn sốt đất đến, Phú Quốc hóa thành một đại công trường nham nhở. Chắc là cũng sẽ có bản đồ quy hoạch, chắc là ban bệ giám sát cũng không thiếu người, nhưng có bản đồ, có quy hoạch, có ban bệ giám sát không đồng nghĩa với Phú Quốc bị cưỡng đoạt về cảnh quan không thương tiếc.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Khắp nơi là resort, khắp nơi là khu nghỉ dưỡng, khắp nơi bàn tán chuyện đất ông này bán được hai mươi tỷ, đất bà kia bán được một trăm tỷ. Bán đất có tiền, người dân trên đảo hoặc là lao vào ăn chơi, xưa đi biển làm mắm hay trồng tiêu cực quá, nay có tiền thì một phát vùng lên quật cường rũ mùi mặn biển thành mùi đại gia.

Mà Phú Quốc chỗ gì thiếu không biết chứ chỗ đốt tiền không thiếu, từ sòng bài đến bar pub, từ dịch vụ tắm tiên cho đến dịch vụ tắm giùm đầy đủ cả.

Anh em xã hội từ đất liền dạt ra Phú Quốc, hỗn mang rồng phượng, trái xăm thanh long hữu xăm bạch hổ, trước ngực xăm Quan Vân Trường sau lưng xăm Quan Nhị Ca.

Anh em xã hội đánh hơi thấy mùi tiền ngang với dân kinh doanh bất động sản đánh hơi thấy mùi sốt đất, tất cả đồng lòng kéo nhau ra Phú Quốc không khác gì cảnh những tay cao bồi nhét đầy súng vào thắt lưng, nhét đầy đạn vào ổ tiếp đạn, một băng nhóm, một bầy ngựa kéo nhau đi tìm vàng như các phim viễn Tây mà xưa Ngô hay xem.

Thật sự không khí vừa náo nhiệt vừa phảng phất những dự báo không mấy tươi đẹp.

Phú Quốc có súng nổ, có người bị thiệt mạng, có giang hồ dàn trận chém nhau, có những title báo bắt đầu chạy kiểu, “Giang hồ có số má ngày càng nhiều ở Phú Quốc”, “Giang hồ đại náo bệnh viện Phú Quốc”, “Giang hồ hỗn chiến giành bảo kê trường gà ở Phú Quốc”, “Giang hồ lộng hành, bao chiếm đất Phú Quốc đòi chung chi”...

Ngô tôi có biết một lão đại trong giới giang hồ ở Sài Gòn, nói là giới giang hồ Sài Gòn chứ thật ra thì cả nước biết tiếng nghe danh. Mấy lần lão đại tâm sự đã rửa tay gác kiếm, Ngô toàn ngồi cười.

Giang hồ cũng như quan trường, ở ngoài thì muốn vào, ở trong thì thân bất do kỷ, đều không phải việc mình muốn sao thì sẽ được vậy. Chốn ấy không chọn thì thôi, chọn rồi cố gắng lập danh cho bằng thiên hạ, lập được danh muốn tự xóa danh thành người bình thường cũng không thể.

Đọc về mấy lão đại khét tiếng, chưa thấy lão đại nào hoàn lương tự nguyện được, toàn hoàn lương bị động. Kiểu như băng khách trải đệm thành tàn phế hay em út bật lại đến mất cả số má.

Có lần vô tình gặp lại lão đại, Ngô hỏi mấy chuyện về anh em xã hội ở Phú Quốc, lão đại cười khà khà nói là ngoài đó vui lắm, nhộn nhịp lắm. Lão đại khoe chính lão đại cũng có cả trăm tỉ tiền đất ngoài đó, đang dự tính xây khu du lịch này kia. Khoe chán xong than phiền là tại mình có danh quá, nên mấy anh lãnh đạo ngoài đó tưởng mình là ông trùm chỉ đạo hết mấy vụ lăng nhăng.

Thật ra là mình có chỉ đạo gì đâu, anh em tứ chiếng đến chạm mặt nhau, đầu tiên nói chuyện phải quấy nhưng rồi nói một hồi không biết ai phải ai quấy thành ra động đao động kiếm, chứ mình đâu có xui ai được, mình chỉ muốn làm yên ổn có dự án làm ăn thôi. Lão đại nói xong lại cười, cười xong lại nói, vừa cười vừa nói.

2. Bây giờ thì Phú Quốc ngập rồi, nhưng nhiều cơ quan truyền thông chỉ đưa thông tin Phú Quốc ngập mà quên mất hai bãi rác lộ thiên thuộc dạng bà Tân Vlog siêu to siêu khổng lồ ở Phú Quốc. Đó là bãi rác An Thới và bãi rác Ông Lang.

Hai bãi rác này khó có thể diễn tả bằng ngôn ngữ, đại khái là Phú Quốc có nhà máy xử lý rác, nhưng nhà máy này như người già ốm, đứng dậy thở được xíu phải nằm nghỉ mệt, nghỉ mệt lâu ơi là lâu xong ngồi dậy thở phát nữa xong nằm tiếp. Lần nằm này không hẹn ngày ngồi dậy, nên bao nhiêu rác ở Phú Quốc được dọn dẹp theo kiểu thu gom rác về ném hết ở bãi rác An Thới và Ông Lang.

Như phù sa bồi đắp, hai bãi rác ngày càng phình to, càng cao lên, cao đến độ xe ủi leo lên bãi rác múc vô tư, cao hơn cả cây tràm, cao hơn cả mấy miếng tôn mà chính quyền huyện đảo quây lại cho đỡ kỳ cục. Mùi của hai bãi rác này thì không còn phải bàn nữa, tự khắc nghĩ đến mùi xú uế khủng khiếp nhất là ra nó vậy.

Bây giờ Phú Quốc ngập sâu, không biết hai cái núi rác ấy sẽ phát tán những gì, từ trên mặt đất, từ trong mạch nước ngầm. Mà có phải báo giới chưa kêu đâu, kêu nhiều lắm, kêu quá trời kêu, nhưng kêu sao thì kêu chứ mọi thứ vẫn đang mê đắm một thứ duy nhất ở Phú Quốc đó chính là đất.

Nhiều cánh rừng ở Phú Quốc đã biến mất, những tán cây cổ thụ dọc hai bên đường ở mạn Bắc đã biến mất. Mùi rừng chỉ sót lại vào chiều muộn khi sương xuống, trong những khu resort cao cấp, có cả resort được hình thành trên nền đất rừng còn lưu giữ được những bụi cây rừng đầy lạ lẫm.

Lan man Ngô nói chuyện ngập chút cho tỏ hết nỗi lòng. Bây giờ cứ mưa là ngập, nhiều nhất vẫn là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Có mấy ông lãnh đạo quen nói đùa nên thành vạ miệng, cứ bảo ngập là đặc trưng, ngập là nên thơ, ngập là như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết... Lãnh đạo gì mà nói chuyện hệt như lý thuyết thì màu xám mà cây đời thì mãi xanh tươi vậy, lãnh đạo gì mà cả đời kiểu như chỉ ngồi phòng lạnh xong nằm ngủ, ngủ xong lại ngồi phòng lạnh tiếp vậy.

Ai cũng biết là nếu đô thị không còn chỗ thoát nước tự nhiên, ắt hẳn sinh ngập. Như TP. HCM có con rạch gọi là Rạch Xuyên Tâm, con rạch huyết mạch từng nằm trong dự án cải tạo từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật dài 6,2km, tổng vốn 4 nghìn tỷ đội lên hơn 8 nghìn tỷ nhưng bao nhiêu năm rồi cứ dùng dằng mãi không cải tạo được.

Người dân ở trái phép hai bên con rạch ngày càng nhiều hơn, ở nhiều mà thói quen vẫn cứ kiên trì như cũ, có bao nhiêu rác thải, bịch nilon, đồ đạc cũ bỏ, chai nhựa chai thủy tinh đều ném hết xuống rạch. Con rạch cơ man nào là rác, con rạch bị bức tử rồi, chết lâm sàng rồi vì có những đoạn của con rạch đã bị bít kín.

Nhìn ra Thủ đô cũng vậy thôi, tiếng là phố trong sông, nhưng rồi những con sông đã bị thu hẹp lại, bị bê tông hóa. Thậm chí, là con sông mà thu hẹp đến độ quan nhân địa phương hào hứng mong gọi đó là con kênh cho dễ bề tính toán với quản lý thì đủ biết có chuyện lạ nào lại không thể xảy ra.

3. Đã không có chỗ thoát nước tự nhiên, đã ngập năm sau nặng hơn năm trước, đã vạn tiền tỷ tiền ném xuống như muối bỏ bể... Nhưng điều đau lòng nhất là những nhà quy hoạch lại ít nghĩ đến khơi dòng, chỉ nghĩ đến đất.

Nhìn một khoảnh đất cũng thấy chung cư, nhìn một xíu xiu đất cũng thấy cao ốc. Hệt như ngoài Phú Quốc cứ nhìn đất là thấy resort, là thấy khách sạn là thấy khu nghỉ dưỡng vậy.

Nên bây giờ Phú Quốc cũng ngập như trong phố, còn phố thì tự hào ngoài Phú Quốc còn ngập huống hồ trong này.

Ngập thì dơ bẩn, ngập thì khó khăn, ngập thì từ thu hút vốn đầu tư cho đến tất tần tật cái gì cũng khó cả. Nhưng ngập thì ngập, còn đất vẫn dành cho việc khác.

Vài mươi năm nữa hay vài thế kỷ nữa, con cháu của quốc gia mình có hỏi, thì chắc cũng khó có câu trả lời cho trọn vẹn xung quanh chuyện sao chỉ nhìn thấy đất mà không nhìn thấy điều gì khác.

Buồn vậy nhưng biết làm sao.

Ngô Nguyệt Hữu

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/troi-lam-gio-voi-may-557353/