Triển vọng xuất khẩu của ngành tre Việt Nam

Sản phẩm tre Việt Nam đã thu hút sự quan tâm trực tiếp của hơn 150 nhà mua hàng quốc tế tại Hội chợ Ambiente Frankfurt (Đức). Theo đó, 10 doanh nghiệp ngành tre Việt Nam đã giới thiệu tại Hội chợ hàng trăm mẫu sản phẩm đa dạng, đa chức năng và tinh xảo.

Đặc biệt, các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất từ tre trong vùng nguyên liệu tuân thủ theo Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý Rừng Bền vững (FSC) và Chứng nhận Tuân thủ Trách nhiệm Xã hội trong Kinh doanh (BSCI).

Các doanh nghiệp, Oxfam, VCCI, NTFPRC_ Dự án SCBV tại Gian hàng Hội chợ Ambiente Frankfurt 2023 (Ảnh: PV)

Ambiente Frankfurt là Hội chợ ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và quà tặng thường niên được tổ chức từ năm 1935. Mỗi năm, Ambiente Frankfurt thu hút hơn 4.000 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các xu hướng thiết kế mới và hơn 100.000 khách hàng từ hơn 160 quốc gia đến tham quan giao dịch. Năm nay, Hội chợ diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7/2/2023.

Gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút đông đảo khách ghé thăm, trong đó, hơn 150 nhà mua hàng quốc tế đã thể hiện sự quan tâm lớn với các sản phẩm của được trưng bày, qua trực tiếp trao đổi thông tin và đề xuất tìm hiểu thêm về sản phẩm. Hai hợp đồng sản xuất hàng mẫu đã được thương thảo và ký kết ngay tại Hội chợ cho đơn hàng trị giá 1 triệu Euro. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành tre của Việt Nam thảo luận trực tiếp với các nhà cung cấp và bên mua hàng quốc tế về xu hướng tiêu thụ của thị trường EU và những yêu cầu về tiêu chuẩn chứng nhận cần thiết cho sản phẩm.

Việc tham gia Hội chợ này là một trong các hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị Nghêu Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh Châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Nghiên cứu Làm sản ngoài gỗ và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhằm quảng bá, kết nối các doanh nghiệp trong nước với thị trường quốc tế.

Ông Thái Đại Phong (số 2 từ bên trái), Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong thương thảo với nhà mua hàng tại Hội chợ (Ảnh: PV)

Dịp này, đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao sự kết nối thị trường, mở rộng tầm nhìn và chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế là một giá trị lớn trong việc tham gia Hội chợ quốc tế. Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mây tre đan và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ cho biết: “Trong tình hình nền kinh tế khó khăn khiến sức mua giảm, chúng tôi đánh giá cao cơ hội này để kết nối lại được chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID 19. Các đối tác mới thiết lập đã lên lịch đến Việt Nam tham quan vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn FSC và xưởng sản xuất của công ty tại tỉnh Nghệ An”.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Eco Bamboo Việt Nam: “Hai năm trước, nhờ tham gia hội chợ Ambiente 2020, chúng tôi đã nhận ra được điểm thiếu hụt của doanh nghiệp, chưa định vị được thương hiệu, hướng đi, chưa nắm bắt được thị hiếu thị thường cũng như mẫu mã sản phẩm chưa phù hợp. Đến nay, tại Hội chợ Ambiente 2023, doanh nghiệp chúng tôi đã thu hút vào tạo ấn tượng rất lớn tới hàng trăm lượt khách tới tham gia gian hàng nhờ định vị sản phẩm và thương hiệu tốt. Với sự kết nối thảo luận với các khách hàng tiềm năng tại hội chợ, tôi tự tin khẳng định Eco Bamboo sẽ ký được ít nhất ba hợp đồng với các khách hàng lớn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Ý”.

“Nhờ việc tham gia Ambiente năm 2020, Công ty Bamboo Vina đã có sự cải tiến vượt bậc về mẫu mã sản phẩm. Dòng đồ bếp và nội thất làm từ tre của Bamboo Vina không chỉ tiếp cận được nhiều nhà nhập khẩu lớn tại châu Âu, mà còn được các doanh nghiệp sản xuất lớn ở Việt Nam đề nghị hợp tác thông qua cung cấp nguồn nguyên liệu phôi tre ép thanh số lượng lớn”. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina kỳ vọng kết quả thu được tại Hội chợ sẽ giúp công ty phát triển ổn định sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế.

Đại diện cho Dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị Nghêu Tre ở Việt Nam” (SCBV), ông Lương Đình Lân, Quản lý Chương trình cấp cao, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: “Ngoài những hợp đồng đã được ký kết và những triển vọng hợp tác đã mở ra tại Hội chợ Ambiente 2023, chúng tôi muốn nhấn mạnh với các nhà mua hàng và đối tác quốc tế về sự phát triển của ngành tre Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn bền vững, đóng góp vào quá trình giảm nghèo và phát triển bao trùm ở các vùng nông thôn Việt Nam”.

Nhà mua hàng Hà Lan thương thảo với Công ty Cổ phần Eco Bamboo Việt Nam (Ảnh: PV)

Hội chợ Ambiente Frankfurt 2023 được Ban Tổ chức kỳ vọng là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay bởi sự kết hợp của ba Hội chợ quốc tế lớn nhất khu vực là Hội chợ Ambiente (Hội chợ hàng trang trí nội thất và quà tặng), Christmasworld (Hội chợ quốc tế đồ Giáng sinh) và Creativeworld (Hội chợ sáng tạo thế giới). Hội chợ diễn ra tại Trung tâm triển lãm Quốc tế Messe Frankfurt, hơn 900.000 m2, với hơn 20 khu vực triển lãm, chia ra thành các nhóm chính như: “Dining - các sản phẩm bàn ăn”, “Giving - các sản phẩm quà tặng” và Living - các sản phẩm trang trí nội thất”. Sự kiện đột phá này trưng bày các sản phẩm thiết kế cốt lõi và hướng tới tương lai cũng như giới thiệu những ý tưởng mới từ đó đem tới những cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp.

Dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai dự án 5 năm “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV), giai đoạn 2018 - 2023. Dự án tập trung ở 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh (chuỗi giá trị nghêu) và Thanh Hóa & Nghệ An (chuỗi giá trị tre). Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua tạo điều kiện cho việc áp dụng và thực hành các tiêu chuẩn bền vững của các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất; trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ và làm việc với các liên minh công-tư để quản trị chuỗi giá trị tốt. Dự án đã hỗ trợ cho các nhóm hộ trồng và khai thác tre tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn - tỉnh Thanh Hóa, huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An đạt được chứng chỉ Tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý Rừng Bền vững (FSC), đánh dấu bước tiến lớn cho đánh dấu một bước tiến lớn cho người trồng và khai thác rừng ở Thanh Hóa và Nghệ An nói riêng, và ngành lâm sản Việt Nam nói chung. Chứng chỉ FSC đã mở ra nhiều cơ hội cho nhóm nông hộ, nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh đặt vấn đề hợp tác và thu mua lâu dài với giá bán cao hơn 15-20% so với giá bán cho thương lái. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn FSC sẽ nâng cao cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...

HNV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/trien-vong-xuat-khau-cua-nganh-tre-viet-nam-631383.html