Triển vọng lạc quan kinh tế Việt Nam năm 2024

Quý đầu tiên năm 2024 đi qua, kinh tế Việt Nam đang dần cho thấy sự phục hồi với mức tăng trưởng GDP 5,7%. Dự báo năm 2024 tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ đạt mức 5,5% và tăng dần lên 6% vào năm 2025.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực.

Tính đến hết tháng 4/2024, cả nước giải ngân vốn đầu tư công được gần 116.000 tỷ đồng, đạt trên 17% kế hoạch. Tỷ lệ nay cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Đây được xem là tiền đề để Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay khi đầu tư công là một trong ba động lực tăng trưởng chính.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, động lực chính để đảm bảo tăng trưởng từ 6% trở lên trong năm nay sẽ là đầu tư công. Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ gia tăng chất lượng công trình hạ tầng với con số khoảng trên 27 tỷ USD kế hoạch giải ngân trong năm nay. Ông Shantanu Chakraborty cho biết, ông đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam giải ngân trên 95% kế hoạch vốn, thúc đẩy mạnh mẽ phân bổ và giải ngân vốn ngay từ đầu năm.

Tính đến hết tháng 4/2024, cả nước giải ngân vốn đầu tư công được gần 116.000 tỷ đồng, đạt trên 17% kế hoạch.

Tính đến hết tháng 4/2024, cả nước giải ngân vốn đầu tư công được gần 116.000 tỷ đồng, đạt trên 17% kế hoạch.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cho thấy, sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm nay. Đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút dòng vốn từ nước ngoài, chú trọng yếu tố con người cũng sẽ giúp nước ta tiếp tục phục hồi và tăng trưởng.

Theo đánh giá của bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank Việt Nam, trong giai đoạn đầu năm nay, Việt Nam có sự cải thiện về đầu tư khu vực tư nhân. Lĩnh vực sản xuất, xây dựng cũng có những đóng góp tốt cho tăng trưởng trong quý I. Trong bối cảnh khó dự đoán của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đang có đủ cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi.

Chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam, ông Andrea Coppola cho rằng, việc thu hút FDI cần tập trung vào yếu tố năng suất và con người. Chi phí lao động đang tăng trong khu vực, đó là xu hướng và để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài lợi thế về chi phí cần phải dựa vào sự cạnh tranh về năng lực và năng suất của đội ngũ lao động.

Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế, trong bối cảnh rủi ro bên ngoài vẫn còn như bất ổn địa chính trị, lạm phát, tỷ giá biến động toàn cầu, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định khu vực ngân hàng, trong đó tăng cường quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/trien-vong-lac-quan-kinh-te-viet-nam-nam-2024-238352.htm