Triển lãm 'Mùa Xuân bất diệt': Tôn vinh khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam

Mở cửa từ 15/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm 'Mùa Xuân bất diệt' giới thiệu hơn 200 tác phẩm của cố họa sĩ Lê Lam.

Bộ sưu tập của cố họa sĩ Lê Lam lên tới gần 3.000 bức ký họa và phác thảo.

Bộ sưu tập của cố họa sĩ Lê Lam lên tới gần 3.000 bức ký họa và phác thảo.

Không chỉ là triển lãm có quy mô lớn nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của cố họa sĩ Lê Lam, “Mùa Xuân bất diệt” còn như một lời nhắc nhở về tinh thần cách mạng và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam.

Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng động viên vẽ

Mở cửa từ 15/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm “Mùa Xuân bất diệt” giới thiệu hơn 200 tác phẩm của cố họa sĩ Lê Lam. Mỗi bức tranh như một thước phim quay chậm kể về cuộc đời, sự nghiệp, những ý tưởng – hoàn cảnh sáng tạo trong tinh thần cách mạng cũng như cuộc sống thường nhật và những góc nhìn độc đáo về văn hóa Việt Nam trong đôi mắt rực lửa của một họa sĩ thẫm đẫm tinh thần dân tộc.

Theo họa sĩ Vũ Bạch Liên - con gái cố họa sĩ Lê Lam, họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội). Dòng tộc của họa sĩ Lê Lam vốn rất nổi tiếng bởi truyền thống khoa bảng với cụ tổ là Thám hoa Vũ Công Tể, từng làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư bộ Lại thời vua Lê chúa Trịnh.

 Cố họa sĩ Lê Lam (1931 - 2022).

Cố họa sĩ Lê Lam (1931 - 2022).

Lê Lam tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc năm 1953. Sau này, ông tiếp tục học tại Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev. Về nước vào năm 1964, ông được giao làm giảng viên và chủ nhiệm khoa Đồ họa tại Trường Mỹ thuật công nghiệp.

Tháng 1/1965, ông tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại số 10 Hàng Đào (Hà Nội), trưng bày 114 tác phẩm với chủ đề tình thần yêu nước và yêu nghệ thuật, bao gồm bộ tranh “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Triển lãm đã thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã động viên họa sĩ Lê Lam tiếp tục sáng tác.

Trong năm 1966, họa sĩ Lê Lam cùng nhiều văn nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hiệp và biên đạo múa Thái Ly vào chiến trường miền Nam để thực hiện công tác nghệ thuật. Suốt thời gian ở chiến trường, ông được phân công phụ trách ngành mỹ thuật giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong 9 năm sống và sáng tác tại chiến trường, Lê Lam đã ghi lại tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam thông qua nhiều tác phẩm đáng chú ý. Một trong số đó là bức tranh “Dừng lại”, mô tả một phụ nữ miền Nam dũng cảm chặn xe tăng địch. Một tác phẩm cổ động khác của ông cũng vô cùng nổi tiếng là “Bảo vệ chính quyền nhân dân” từng được in thành 18.000 bản và trưng bày tại Đại hội Đại biểu Quốc dân diễn ra vào ngày 8/6/1969.

Trong sự nghiệp của mình, họa sĩ Lê Lam đã tạo ra nhiều tác phẩm đáng chú ý, bao gồm bộ tranh đồ họa khổ lớn “Từ tuyến đầu Tổ quốc” với 20 bức vẽ được làm từ chất liệu than và phấn màu. Ngoài ra, ông còn thực hiện bộ tranh minh họa cho tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du với 12 bức vẽ từ thuốc nước.

Tác phẩm “Từng giờ từng phút hướng về miền Bắc” của ông đã giành giải Nhì tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Dù trong điều kiện chiến tranh khốc liệt và gian khổ, Lê Lam vẫn dành nhiều thời gian cho sáng tác và để lại bộ sưu tập gần 3.000 bức ký họa và phác thảo.

Một số tác phẩm ký họa của ông đã được các bảo tàng sưu tập. Năm 2016, họa sĩ Lê Lam vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm “Bảo vệ chính quyền nhân dân” và “Má Bến Tre”.

 Triển lãm 'Mùa Xuân bất diệt' quy tụ hơn 200 tác phẩm đặc sắc của cố họa sĩ Lê Lam.

Triển lãm 'Mùa Xuân bất diệt' quy tụ hơn 200 tác phẩm đặc sắc của cố họa sĩ Lê Lam.

Chiến tranh và vẻ đẹp người Việt

“Mùa Xuân bất diệt” đang trưng bày được giới mỹ thuật đánh giá là triển lãm quy mô nhất trong sự nghiệp sáng tạo của cố họa sĩ Lê Lam. Tại lễ khai mạc, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định rằng, triển lãm “Mùa Xuân bất diệt” có ý nghĩa đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tranh của cố họa sĩ Lê Lam mang đậm dấu ấn lịch sử, giá trị nghệ thuật, là kho tư liệu quý báu về lịch sử dân tộc thông qua lăng kính hội họa và góc nhìn rực lửa của một họa sĩ thẫm đẫm tinh thần dân tộc.

Họa sĩ Lê Huy Tiếp - nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, tranh của cố họa sĩ Lê Lam với sự độc đáo trong phong cách đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều họa sĩ đương đại. Không chỉ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và nghệ thuật, tranh của Lê Lam được khắc họa theo cách gần gũi, chân thực, giàu tình yêu thương con người.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương đánh giá, cố họa sĩ Lê Lam là một trong những đại diện tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện thực cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm qua những bức ký họa sống động và chân thực về chiến tranh. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với phong trào cách mạng, từ những năm tháng kháng chiến cho đến khi đất nước thống nhất.

Sinh ra với tên khai sinh Vũ Quốc Ái, nghĩa là “người họ Vũ yêu nước”, cái tên như một định mệnh, phản ánh sớm tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong con người ông. Ông nhanh chóng nhận thức được sự bất công của chế độ phong kiến - thuộc địa và đồng thời ông cũng đã biết đến những điều giản dị cao đẹp từ khẩu hiệu nổi tiếng của cách mạng Pháp “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Chỉ thế thôi là đủ, Lê Lam đi theo cách mạng, quyết giành tự do và độc lập dân tộc, với một ý chí lớn lao và trái tim yêu nước nóng bỏng.

Lê Lam theo học mỹ thuật dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Tô Ngọc Vân, những bài học trong lớp Mỹ thuật kháng chiến của thầy Tô Ngọc Vân không chỉ trang bị cho ông kỹ năng vẽ vững chắc trong bối cảnh kháng chiến mà còn truyền cảm hứng về tinh thần nghệ thuật hiện thực.

“Họa sĩ Tô Ngọc Vân từng nói: “Hiện thực rất phong phú, hiện thực thiên biến vạn hóa, mỗi họa sĩ chính là một hiện thực”. Quan điểm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách sáng tác của Lê Lam, giúp ông phát triển khả năng quan sát tinh tế và tái hiện chân thực những gì ông chứng kiến.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Lê Lam luôn giữ vững quan điểm rằng nghệ thuật hiện thực không chỉ đơn giản là tái hiện hình ảnh mà còn phải phản ánh tinh thần và bản sắc dân tộc. Hội họa của ông không chỉ kể lại những câu chuyện về chiến tranh mà còn làm nổi bật vẻ đẹp con người Việt Nam trong gian khó”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương nhấn mạnh.

Một trong những nét đặc trưng cho văn hóa Việt Nam có thể thấy rõ ràng, xuyên suốt trong sáng tác của Lê Lam chính là chủ đề phụ nữ theo truyền thống “Mẫu hệ” (thờ Mẫu) của dân tộc Việt.

Họa sĩ thường xuyên vẽ về phụ nữ, đề cao vẻ đẹp hiền thục, tình mẫu tử cũng như sự hi sinh can trường của họ. Từ hình ảnh các nữ thanh niên xung phong, những bà mẹ gửi chồng con ra trận đến những người phụ nữ quả cảm như trong tác phẩm: “Dừng lại”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre” - tất cả đều phản ánh sâu sắc tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm.

 Cố họa sĩ Lê Lam nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

Cố họa sĩ Lê Lam nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

Bức tranh “mạnh hơn sắt thép”

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương cũng nhận định, những đóng góp nổi bật của cố họa sĩ Lê Lam không chỉ nằm ở số lượng tác phẩm đồ sộ mà còn ở giá trị tinh thần và lịch sử. Ông sở hữu khối lượng tác phẩm lớn nhờ phong cách làm việc cần mẫn, khả năng ký họa nhanh và tinh thần luôn sẵn sàng dấn thân vào thực địa trong suốt những năm kháng chiến.

Ông đã để lại hàng ngàn bức ký họa chiến trường, tranh cổ động và tranh khắc gỗ phục vụ cho công cuộc tuyên truyền cách mạng. Những tác phẩm như “Bảo vệ chính quyền nhân dân” không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là tài liệu lịch sử vô giá, ghi lại những khoảnh khắc trọng đại của dân tộc.

Với hơn 200 tác phẩm được giới thiệu trong triển lãm “Mùa Xuân bất diệt”, công chúng được nhìn lại một thời máu lửa trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc Việt Nam. Với nhiều chân dung và ký họa tuyệt đẹp hội tụ trong triển lãm, người xem đặc biệt xúc động với bức tranh sơn dầu kích thước 450cm x 150cm “Chân dung đội quân tóc dài” sáng tác năm 1968.

Sinh thời, khi nói về tác phẩm này, cố họa sĩ Lê Lam giới thiệu: “Năm 1967-1968, tôi sống và vẽ trong lòng các cuộc đấu tranh để ngăn cản tội ác man rợ chưa từng thấy của Mỹ - Ngụy. Chúng tàn sát nhân dân bằng mọi thứ vũ khí tối tân nhất, bất kể ngày hay đêm. Quê hương ruộng vườn, hoa màu, cây trái bị cày xới.

Nhân dân chỉ có một con đường: Đoàn kết lại đem tất cả tang vật đấu tranh trực diện với kẻ thù, đòi quyền sống. Tôi cho rằng thời ấy nhân dân ta, triệu triệu người dù chỉ đầu trần chân đất, vì quyền sống thiết thân, không biết sợ là gì, đã vùng dậy đứng lên đòi quyền con người. Tôi đã làm đi làm lại đến lần thứ 4 bức tranh này”.

Tác phẩm “Dừng lại”, họa sĩ Lê Lam vẽ người phụ nữ dang hai tay chặn xe tăng địch. Ông từng cho biết, đây là một nhân vật có thật ngoài đời, và bức tranh ấy bắt nguồn từ một trận càn.

Đó là vào tháng 4/1966, khi ông ở Long An, chỉ cách căn cứ Hậu Nghĩa của địch hơn 1 cây số. Hậu Nghĩa là một căn cứ rất lớn của Mỹ, nằm chặn cửa ngõ biên giới Việt Nam - Campuchia. Căn cứ này chứa hàng trăm xe bọc thép và rất nhiều máy bay.

 Cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa Việt Nam cũng được cố họa sĩ Lê Lam quan tâm ký họa.

Cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa Việt Nam cũng được cố họa sĩ Lê Lam quan tâm ký họa.

 Tác phẩm 'Dừng lại' do họa sĩ Lê Lam thực hiện trong một hoàn cảnh mà ông được chứng kiến.

Tác phẩm 'Dừng lại' do họa sĩ Lê Lam thực hiện trong một hoàn cảnh mà ông được chứng kiến.

“Một hôm, vào buổi sáng, chúng tôi đang ngồi trong nhà chị Tư Cào - nhân vật chính trong bức tranh, khi ấy chị khoảng 43 tuổi. Bỗng nghe tiếng động cơ vang trời, ầm ầm, ì ì, ào ào, rào rào. Chúng tôi bật dậy nghe ngóng.

Thì ra bọn Mỹ đi càn. Tôi chưa bao giờ thấy một trận càn lớn như vậy. Trên bầu trời có khoảng 30 chiếc máy bay trực thăng HU-1A. Dưới mặt đất, khoảng 50 xe bọc thép lừ lừ di chuyển.

Những chiếc xe càng lúc càng lồm ngồm bò tới, càng to lớn, đè lên lúa má, mía, đậu phộng, thuốc lá... Đất bị xới tung trong tiếng la hét của bọn lính. Chị Tư Cào lúc ấy cũng không hiểu sao lại đứng bật dậy, chạy ra bờ ruộng, khoát tay, miệng hét thật to: “Dừng lại! Dừng lại!”.

Đó là hoàn cảnh thực tế, là nguồn cảm hứng để họa sĩ Lê Lam vẽ bức tranh nổi tiếng mang tên “Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục”, sau này ông đổi tên cho bức tranh là “Dừng lại”. Bức tranh đầu tiên ấy sau đó bị địch thu giữ như một chiến lợi phẩm. Khi họa sĩ Lê Lam về Trung ương Cục, ông đã vẽ lại bức tranh gửi ra Bắc.

Khi tác phẩm được triển lãm, ông vô cùng xúc động khi biết Bác Hồ đã đứng rất lâu trước bức tranh rồi nói: “Cái này mạnh hơn sắt thép đấy. Các chú in ra cho toàn dân và thế giới xem”. Sau này, bức tranh tiếp tục được họa sĩ Lê Lam vẽ lần thứ 6 nên có nhiều phiên bản khác nhau.

“Di sản mà cố họa sĩ Lê Lam để lại không chỉ là những bức tranh mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng tự do. Nghệ thuật của ông là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là lời nhắc nhở về những hi sinh to lớn của thế hệ cha ông. Triển lãm “Mùa Xuân bất diệt” không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị trường tồn ấy mà còn như một lời nhắc nhở rằng, tinh thần cách mạng và khát vọng tự do của dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi tươi mới, như mùa Xuân bất diệt trong lòng mỗi người”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Như Hương cho biết.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trien-lam-mua-xuan-bat-diet-ton-vinh-khat-vong-tu-do-cua-dan-toc-viet-nam-post724697.html