Trật tự tài chính và tiền tệ toàn cầu sẽ thay đổi như thế nào?

Khi Mỹ và các đối tác trong Nhóm G7 áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương của Nga, đồng thời cấm các tổ chức tài chính phương Tây kinh doanh với các đối tác Nga, không ít nhà bình luận quốc tế đã dự đoán về những thay đổi sâu rộng trong trật tự tài chính và tiền tệ toàn cầu.

Đồng NDT đã sẵn sàng chấm dứt sự phụ thuộc toàn cầu vào USD?

Theo Project Syndicate, nhiều quốc gia sẽ coi biện pháp trừng phạt là một bước nữa trong quá trình “vũ khí hóa” tài chính của phương Tây. Lo ngại một ngày nào đó họ cũng có thể bị trừng phạt, nhiều Chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, các ngân hàng Mỹ và Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) mà Mỹ thống trị.

Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế tiếp tục dự đoán, Trung Quốc sẽ là người hưởng lợi chính. Cho đến nay, đất nước gấu trúc tìm cách đứng ngoài cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây. Do sở hữu hệ thống ngân hàng lớn, đất nước gấu trúc lập ra Hệ thống Thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, cũng như cung cấp giải pháp thay thế cho Hệ thống thanh toán của ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ Fedwire hay Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House, mà thông qua đó các khoản thanh toán bằng USD được thực hiện.

Nga đã chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ cho 14% hàng xuất khẩu của mình. Quỹ đầu tư quốc gia của xứ sở Bạch Dương nắm giữ số chứng khoán và tiền gửi bằng Nhân dân tệ trị giá 45 tỷ USD, đồng thời các công ty Nga phát hành trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ trị giá 7 tỷ USD vào năm ngoái.

Với hoàn cảnh của Nga, những động thái trên không có gì đáng ngạc nhiên. Song liệu các quốc gia khác cũng sẽ đi theo hướng này?

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Ảrập Xêút vào cuối năm ngoái, ông đã có cuộc bàn luận về việc Ảrập Xêút sẽ nhận thanh toán cho xuất khẩu dầu của họ bằng đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc gần đây đã hoàn tất các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng Nhân dân tệ với Pakistan, Argentina và Brazil. Mới tháng trước, Ngân hàng Trung ương Iraq công bố kế hoạch cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch với Trung Quốc.

Tuy nhiên, kiểu thay đổi này vẫn chưa được hiển thị trong dữ liệu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tỷ lệ dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng Nhân dân tệ vẫn chưa đến 3% trong tổng dự trữ toàn cầu được báo cáo. Hơn nữa, đồng tiền của Trung Quốc chiếm chưa đến 2% giá trị của tất cả các hướng dẫn thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới được gửi qua SWIFT.

Chắc chắn là không phải tất cả các quốc gia đều báo cáo thành phần tiền tệ trong dự trữ ngoại hối của họ và những nước lo lắng nhất về các biện pháp trừng phạt ít có khả năng báo cáo nhất. Và, thay vì sử dụng dịch vụ nhắn tin điện tử của SWIFT, các ngân hàng của họ rất có thể sắp xếp chuyển tiền xuyên biên giới thông qua các phương thức kiểu cũ như email, điện thoại và fax.

Đồng Nhân dân tệ đã sẵn sàng chấm dứt sự phụ thuộc toàn cầu vào USD ? Nguồn: ITN

Đồng Nhân dân tệ đã sẵn sàng chấm dứt sự phụ thuộc toàn cầu vào USD ? Nguồn: ITN

Tuy nhiên, bất chấp những trường hợp đặc biệt như Nga, nhiều nhà quan sát phương Tây đánh giá sức hút tài chính của Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Mỹ phàn nàn Trung Quốc có thể đang giúp Nga về trang thiết bị chiến tranh làm tăng khả năng Bắc Kinh có thể trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt thứ cấp, trong trường hợp đó sẽ có rất ít cơ hội thực hiện hoạt động kinh doanh xuyên biên giới thông qua các ngân hàng Trung Quốc.

Hơn nữa, họ nhận định, Chính phủ Trung Quốc nhiều lần thay đổi quan điểm đối với khu vực tư nhân. Điều đó chỉ ra khả năng nước này có thể thay đổi các điều khoản tiếp cận đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ dự trữ ở Thượng Hải và đối với các ngân hàng thương mại đang tìm cách chuyển tiền thông qua hệ thống thanh toán xuyên biên giới của họ. Theo họ, biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc cung cấp đòn bẩy để tạo ra những thay đổi như vậy.

Tránh “đặt hết trứng vào một giỏ”

Thay vì đặt trứng vào giỏ của Trung Quốc, nhiều quốc gia khác, ở châu Á và các nơi khác, tìm cách sử dụng đồng tiền của chính họ để thanh toán xuyên biên giới. Singapore và Thái Lan đã kết nối các hệ thống thanh toán nhanh theo thời gian thực của họ, PayNowPromptPay, cho phép khách hàng của các ngân hàng tham gia chuyển tiền giữa hai quốc gia chỉ bằng một số điện thoại di động.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Malaysia và Ngân hàng Trung ương Thái Lan mở rộng khuôn khổ thanh toán trực tiếp bằng đồng ringgit và đồng baht, giúp người Malaysia và người Thái Lan thực hiện thanh toán trực tiếp thông qua các ngân hàng thương mại đủ điều kiện. Năm ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á cũng ký thỏa thuận liên kết các hệ thống thanh toán nhanh của họ, bỏ qua nhu cầu sử dụng đồng USD hoặc đồng Nhân dân tệ để chuyển tiền xuyên biên giới. Và Indonesia, trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm G20, đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm thanh toán tiền tệ địa phương để xác định các cải cách quy định nhằm khuyến khích thực tiễn.

Tương tự, về mặt dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa khỏi đồng USD không có nghĩa là chủ yếu đa dạng hóa hướng về đồng Nhân dân tệ. Thay vào đó là sự hướng tới đồng won Hàn Quốc, đồng SGD của Singapore, krona Thụy Điển, krone Na Uy và nhiều loại tiền dự trữ phi truyền thống khác.

Dẫu vậy, những xu hướng này không phản ánh địa chính trị nhiều bằng sự phát triển của công nghệ. Vì các hệ thống thanh toán như PayNow và PromptPay là dùng kỹ thuật số nên chúng dễ dàng liên kết với nhau, loại bỏ nhu cầu sử dụng đồng USD hoặc Nhân dân tệ khi chuyển tiền. Đồng tiền của các quốc gia này (Thái Lan và Malaysia) cũng trở nên dễ nắm giữ hơn, giao dịch rẻ hơn với sự gia tăng của các nền tảng ngoại tệ kỹ thuật số có các thuật toán tạo lập thị trường và cung cấp thanh khoản tự động. Đổi lại, điều này làm cho các loại tiền tệ như vậy trở nên hấp dẫn hơn đối với các khoản thanh toán và với tư cách là hình thức dự trữ quốc tế.

Nói tóm lại, mặc dù nhiều nhà kinh tế nhận định, địa chính trị sẽ định hình lại trật tự tài chính và tiền tệ toàn cầu theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nhưng, không ít người khác lại khẳng định, công nghệ nhiều khả năng mới là tiếng nói cuối cùng. Và, trong trường hợp đó, nó có thể thay đổi trật tự trên theo cách rất khác.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/trat-tu-tai-chinh-va-tien-te-toan-cau-se-thay-doi-nhu-the-nao--i320745/