Trao chứng nhận kiểm định của HCERES cho 4 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam
Trường đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng là một trong bốn cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đạt chuẩn kiểm định châu Âu (chu kỳ 2).
Chiều 14/6, tại Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao Chứng nhận đạt kiểm định Cơ sở Giáo dục Đại học (chu kỳ 2) theo tiêu chuẩn châu Âu của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES), Cộng hòa Pháp cho 4 cơ sở giáo dục đại học.
4 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Bách khoa - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là lần thứ hai, 4 cơ sở giáo dục đại học cùng đạt chuẩn chất lượng Cơ sở Giáo dục Đại học theo tiêu chuẩn châu Âu HCERES và được cấp chứng nhận trong thời hạn 5 năm (10/4/2024-10/4/2029).
Sự kiện này là cột mốc quan trọng trong việc nâng cao uy tín và chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác quốc tế rộng lớn.
Chứng nhận từ HCERES là sự công nhận của sự đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ với các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục quốc tế bao gồm: Quản lý chiến lược và điều hành; Chính sách về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đưa khoa học vào cuộc sống; Chính sách về giáo dục, người học và môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS,TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng đào tạo đối với người học và xã hội, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn quan tâm không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
Công tác bảo đảm chất lượng luôn được nhà trường chú trọng. Trường hiện có 26 chương trình đào tạo đại học và 4 chương trình đào tạo thạc sĩ được cấp chứng nhận chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế AUN-QA, CTI, ASIIN. Nhiều chương trình tái kiểm định chu kỳ 2, chu kỳ 3, chu kỳ 4.
"Bảo đảm chất lượng không bao giờ có điểm kết thúc, mà là một hành trình đổi mới, cải tiến liên tục. Vì vậy, với các khuyến nghị của đoàn đánh giá lần này, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục rà soát, cải tiến, bảo đảm và nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống; hướng tới thực hiện được mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường", PGS, TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.
"Bảo đảm chất lượng không bao giờ có điểm kết thúc, mà là một hành trình đổi mới, cải tiến liên tục. Vì vậy, với các khuyến nghị của đoàn đánh giá lần này, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục rà soát, cải tiến, bảo đảm và nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống; hướng tới thực hiện được mục tiêu, sứ mệnh của nhà trường".
PGS, TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng
Để chuẩn bị cho công tác tái kiểm định sau 5 năm, cả 4 cơ sở giáo dục đại học đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES phiên bản mới năm 2022 gồm 3 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí. Ba lĩnh vực gồm Quản trị và điều hành; Chính sách nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập.
Kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học.
Việc được công nhận đạt chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn HCERES khẳng định 4 cơ sở giáo dục đại học trên luôn cam kết và phấn đấu liên tục trong việc xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu cũng như các hoạt động khác góp phần đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước.
Trước đó, vào tháng 6/2017, 4 cơ sở giáo dục đại học trên đã được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Cộng hòa Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm, từ 2017 đến 2022 và sau đó được gia hạn đến cuối năm 2023.