Tránh vi phạm pháp luật dịp Tết

Mọi hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rượu, bia, pháo nổ, hát karaoke quá giờ quy định… đều bị chế tài xử lý ở mọi thời điểm.

Tàng trữ, vận chuyển, trao đổi pháo nổ không rõ nguồn gốc bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa: internet

Tàng trữ, vận chuyển, trao đổi pháo nổ không rõ nguồn gốc bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa: internet

Vào dịp Tết, các hành vi này dễ phát sinh hơn so với ngày thường nên cơ quan chức năng thường xuyên, liên tục ra quân xử lý để đảm bảo ngày Tết an toàn, lành mạnh.

Vui thôi, đừng vui quá

Tết là dịp đoàn viên và cũng là mùa lễ hội nên nhiều nhóm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thường tổ chức các buổi tiệc họp mặt, tất niên vui chơi có sử dụng rượu, bia, hát karaoke, đốt pháo… Do đó, dễ dẫn tới các vi phạm như: điều khiển xe khi đã sử dụng rượu, bia; hát karaoke quá giờ quy định vào ban đêm (quá 22h); đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép…

Luật gia Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) cảnh báo, đối với nhóm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có sử dụng rượu, bia hiện nay được Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt Nghị định 168) xử lý rất nghiêm.

UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng tăng cường công tác ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Tổ chức điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh các vụ án về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đồng thời, đưa ra xét xử lưu động một số vụ án điểm để phục vụ công tác tuyên truyền, nhằm răn đe giáo dục chung.

Cụ thể, theo Nghị định 168, với hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị chế tài hành chính từ 6-40 triệu đồng đối với ô tô; từ 2-8 triệu đồng đối với mô tô, xe gắn máy; từ 80-600 ngàn đồng đối với xe đạp.

Ngoài ra, việc hát karaoke, sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (gọi tắt Nghị định 144) bị xử phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Căn cứ theo điểm i khoản 3, Điều 11 và điểm a, khoản 7, Điều 11 Nghị định 144 về vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau: cá nhân có hành vi đốt pháo hoa nổ trái phép sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Riêng với tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng một hành vi vi phạm, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Quy định cấm ép người khác uống rượu, bia thực hiện chưa nghiêm

Pháp luật cho phép việc bán, sử dụng rượu, bia đúng quy định. Tuy vậy, pháp luật cũng có quy định hạn chế, cấm việc sử dụng rượu, bia trong một số trường hợp như: điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không được bán rượu, bia cho người chưa đủ tuổi sử dụng; ép người khác sử dụng rượu, bia… Một khi người dân vi phạm sẽ bị chế tài hành chính.

Cũng theo luật gia Nguyễn Xuân Thanh, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt Nghị định 117) có hình thức chế tài đối với các hành vi ép người khác uống rượu, bia; quảng cáo, cung cấp rượu, bia đối với người dưới 18 tuổi.

Tàng trữ, vận chuyển, trao đổi pháo nổ không rõ nguồn gốc bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa: internet

Tàng trữ, vận chuyển, trao đổi pháo nổ không rõ nguồn gốc bị pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa: internet

Chẳng hạn, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia; phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia (Điều 30 Nghị định 117). Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi (Điều 31 Nghị định 117).

Một số ý kiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt nguội qua hình ảnh đối với người bán, sử dụng rượu, bia dưới 18 tuổi như Nghị định 168, thì vấn nạn cung cấp, sử dụng rượu, bia đối với người dưới 18 tuổi mới hiệu quả, hạn chế được tối đa các hành vi người dưới 18 tuổi gây ra do có sử dụng rượu, bia.

“Mặc dù Nghị định 117 có hiệu lực từ ngày 15-7-2020 nhưng không phải ai cũng nắm và ứng xử cho đúng, nhất là dịp Xuân về, Tết đến, nhà nhà tổ chức tiệc tùng, liên hoan. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây bức xúc cho những người chứng kiến” - luật gia Nguyễn Xuân Thanh bày tỏ.

Ông N.N.B. (ngụ phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa) cho biết, ông rất khó chịu khi vào bàn tiệc lại bị bạn bè ép uống cạn ly 100%. Pháp luật đã có quy định cấm ép người khác uống rượu, bia nhưng trên thực tế rất khó xử lý nên tình trạng này hiện vẫn xảy ra. Do đó, ông phải quyết liệt từ chối việc bị ép uống để bảo vệ sức khỏe của mình.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202501/tranh-vi-pham-phap-luat-dip-tet-cc06954/