Tránh thất thế cho xuất khẩu tôm giữa nhiều mối lo

Nhiều khó khăn về mặt nguyên liệu có giá vừa cao vừa thiếu, lạm phát, chi phí logistics tăng cao, cạnh tranh ngày càng gay gắt… tiếp tục bủa vây các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trước khi bước vào quý 4/2022. Để tránh thất thế trên thị trường xuất khẩu đang đòi hỏi ngành tôm Việt linh hoạt chọn thị trường mục tiêu trong từng thời điểm nhằm tận dụng tối đa cơ hội tăng trưởng.

Để tăng hiệu quả và thu nhập trong quý 4/2022, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), cho biết công ty đã có sự chủ động nguyên liệu cho mình một cách tốt nhất nhằm giảm giá thành sản phẩm cuối cùng.

Tôm nguyên liệu giá vừa cao vừa thiếu

Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu ở mức cao làm giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm, Fimex VN thả nuôi vụ hai với quy mô lớn nhất trong tiến trình nuôi hơn 10 năm qua. Hiện nay, số ao thả đầu tiên đã 2 tháng tuổi với tốc độ tăng trưởng khá tốt. Tỷ lệ ao nuôi bị dịch bệnh rất thấp. Số ao nuôi này sẽ được thu hoạch về chế biến trong quý 4 tới.

Do lợi thế về chi phí vận chuyển nên giá tôm của Ecuador rẻ hơn nhiều so với tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Trong khi đó, có nhiều lãnh đạo DN chế biến tôm than phiền nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu chế biến kịp thời trả đơn hàng. Hiệu ứng đi kèm là giá tôm nguyên liệu duy trì khá cao suốt mùa và có xu thế tăng nhỏ giọt.

Theo ông Lực, một DN cung ứng tầm cỡ cho biết 8 tháng đầu năm nay, mức tiêu thụ tôm giống tăng 20% và thức ăn nuôi tôm tăng chỉ 3%. Loại bỏ yếu tố tác động khác cho thấy sự không đồng bộ trên là do tôm thả nuôi khoảng tháng tuổi bị dịch bệnh khá cao. Dịch bệnh diễn ra trên tỷ lệ ao nuôi khá cao và tỷ lệ thiệt hại chính là số chênh lệch của hai số trên.

Con số này có thể đại diện cho tình hình chung diễn biến nuôi tôm hiện nay. Khó khăn này sẽ dẫn đến giá tôm nguyên liệu cao. Không những vậy, tôm kích cỡ lớn giảm, tổng lượng giảm, còn rủi ro thì tăng lên khi ao tôm bị dịch bệnh thì sự phòng chống dịch bệnh trên tôm có liên quan hóa chất…

Đó cũng là khó khăn chung cho XK tôm trước khi bước vào quý 4/2022. Chưa kể khó khăn khách quan là tình hình lạm phát và hệ thống logistics quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn sẽ thêm rủi ro…

Còn theo nhận định từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, nguồn cung nguyên liệu thiếu do thời tiết bất lợi cho nuôi tôm là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu XK tôm.

Trong quý 3/2022, doanh thu của các DN xuất khẩu tôm được cho là tăng trưởng chậm lại, ngoài vấn đề về nguyên liệu còn do hàng tồn kho của thị trường Mỹ dư thừa, khiến sản lượng tôm XK đến Mỹ giảm. Điển hình như tháng 8/2022 sụt giảm đến 33%.

Áp lực lạm phát gia tăng có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôm. Tuy nhiên, ước tính biên lợi nhuận gộp của các DN xuất khẩu tôm sẽ duy trì ở mức cao do ASP (giá bán trung bình) tăng mạnh hơn giá nguyên liệu đầu vào trong 3 quý đầu của năm 2022.

Linh hoạt chọn thị trường mục tiêu từng thời điểm

Riêng về cạnh tranh thị trường XK tôm hiện nay, theo giới phân tích, 6 quốc gia phát triển mạnh về XK tôm trên toàn cầu (gồm Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc) đều có sách lược về thị trường mục tiêu, thị trường trọng điểm như Việt Nam.

Cho nên cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Các quốc gia này đều tập trung phát huy những thế mạnh của mình để chiếm lĩnh thị trường. Đơn cử như Ecuador đang phát triển mạnh sản phẩm tôm giá rẻ và nhắm đến thị trường gần là Mỹ với chi phí vận chuyển thấp.

Vì thế, với riêng thị trường tiêu thụ tôm ở Mỹ đang có sự cạnh tranh rất đáng ngại cho các DN Việt khi mà Ecuador (một quốc gia ở Nam Mỹ) có lợi thế khá rõ ràng. Hiện nay, Mỹ cũng là quốc gia nhập khẩu tôm nhiều nhất thế giới với mỗi năm khoảng 1 triệu tấn, kế đến là Trung Quốc với 900.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong thực tế, giới chuyên gia cho rằng tiêu thụ tôm nhiều nhất có thể là Trung Quốc (ước tính là trên 1 triệu tấn/năm). Bởi Mỹ sản xuất chế biến tôm không nhiều, trong khi Trung Quốc hàng năm vừa nhập khẩu để chế biến rất nhiều, vừa có thị trường tiêu thụ thuộc loại lớn nhất và cũng là đối thủ XK khá lớn.

Các DN xuất khẩu tôm cũng nên xác định có phải Trung Quốc là thị trường lớn và lâu dài hay không, có phải là thị trường mục tiêu cho ngành tôm Việt hay không?

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia XK tôm nào có vị trí địa lý thuận lợi, gần thị trường tiêu thụ sẽ có lợi thế rất lớn khi mà chi phí logistics tăng phi lý. Điển hình như vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ hiện đã vào khoảng 20.000 USD, trong khi vận chuyển tôm từ Ecuador qua Mỹ chỉ tốn 4.000 - 5.000 USD.

Với việc rẻ hơn 15.000 USD xét về chi phí vận chuyển như nêu trên, giá tôm của Ecuador rẻ hơn nhiều so với tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ là lẽ đương nhiên. Và đó chính là yếu tố bất lợi xét về mặt cạnh tranh cho các DN Việt XK tôm vào Mỹ.

Như lưu ý của ông Hồ Quốc Lực, vấn đề chi phí logistics cao như hiện nay đang tạo ra sự không công bằng và tạo ra lợi thế bất ngờ cho một số quốc gia trong mảng XK tôm. Do vậy, các quốc gia cần nhận định để đưa ra lợi thế so sánh, chọn thị trường mục tiêu từng thời điểm, giai đoạn để tận dụng tối đa cơ hội phát triển, tăng trưởng.

Liên hệ trực tiếp đến trường hợp của Fimex VN, ông Lực cho biết hai năm qua đã điều chỉnh chọn Nhật Bản là thị trường mục tiêu số 1 vì tìm thấy ưu thế ở đây, như chi phí logistics thấp không làm tăng ảo giá tiêu thụ, thanh toán nhanh, sản phẩm đòi hỏi sự đa dạng, tỉ mỉ... Thể hiện rõ nét là cơ cấu thị trường tại Nhật của công ty đã tăng trong năm qua và 8 tháng đầu năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-that-the-cho-xuat-khau-tom-giua-nhieu-moi-lo-1088032.html