Tránh sợ trách nhiệm và tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế

Tại cuộc làm việc với một số bệnh viện trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ sở này tránh sợ trách nhiệm và tiêu cực trong mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Ngày 11/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát tại các khoa, phòng; thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của các y, bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc và dành thời gian thăm hỏi, trò chuyện với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cơ sở Đông Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nhật Bắc

Theo lãnh đạo và cán bộ, y, bác sĩ các bệnh viện, cuối năm 2022 đầu năm 2023, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra do những vướng mắc trong công tác đấu thầu cung cấp và những quy định liên quan quản lý thiết bị y tế.

Tại các bệnh viện, nhiều lô thuốc trúng thầu nhưng không thông quan được. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động, thậm chí một thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng rất khó thay do vướng mắc về cơ chế.

Đầu tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, các bệnh viện đã nhanh chóng triển khai thực hiện.

Đến nay, những khó khăn, vướng mắc từng bước được giải quyết; bảo đảm tương đối đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân, chỉ thiếu cục bộ đối với một vài loại biệt dược.

Tuy nhiên, hiện nay, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế còn lúng túng về mặt kỹ thuật.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ. Việc áp trần chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế gây khó khăn cho bệnh viện.

Việc liên doanh, liên kết trong đầu tư máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh cho nhân dân chưa có quy định mang tính pháp lý và hướng dẫn cụ thể.

Các bệnh viện hầu như đang quá tải do hằng ngày tiếp nhận lượng lớn người đến khám, chữa bệnh. Một số loại biệt dược và hóa chất phục vụ nghiên cứu vẫn thiếu cục bộ. Việc gia hạn thuốc còn chậm...

Trước khó khăn nêu trên người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tại các bệnh viện, cán bộ làm công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế phải nêu cao trách nhiệm, tránh hai khuynh hướng là sợ trách nhiệm hoặc tiêu cực.

Các bệnh viện phải lên kế hoạch, chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Thủ tướng cũng lo ngại khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những ngày qua, dịch covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Do đó, các bệnh viện phải giữ thế chủ động, linh hoạt xử lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Khi bình thường, phải chuẩn bị cho lúc không bình thường; lúc không bình thường, chuẩn bị cho lúc bình thường; không chuyển đổi trạng thái đột ngột.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bệnh viện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển lâu dài; huy động tối đa các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng bệnh viện xanh, sạch, văn minh, hiện đại.

Quy hoạch phải dài hạn, song đầu tư phân kỳ, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó. Trước mắt là tổ chức quản trị bệnh viện khoa học, hiệu quả; giảm chi phí cho người bệnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế nghiên cứu giao cho các cơ sở y tế đủ khả năng xây dựng tại 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước các trung tâm đầu mối về thuốc hiếm để chủ động điều phối khi các cơ sở y tế trong khu vực cần;

Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp, xem xét giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương; hướng dẫn Bệnh viện Nhi trung ương sử dụng đúng mục đích, hiệu quả Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoặc đề xuất Chính phủ ra văn bản phù hợp về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế;

Hoàn chỉnh cơ chế hợp tác công tư trong đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất khám, chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, song tránh tiêu cực, tham nhũng trong vấn đề này.

Bộ Y tế tiếp tục nâng cấp và hướng dẫn việc đấu thầu thuốc trên Cổng thông tin của Bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đưa việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bảo hiểm xã hội kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh quy định về Quỹ Bảo hiểm xã hội thanh toán không vượt quá tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế.

Trước đó, liên quan chính sách liên quan tới công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế, lãnh đạo nhiều bệnh viện đều cho rằng, Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ là giải pháp tình thế, cấp bách, nhằm sớm có trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh, chứ không phải là văn bản pháp quy. Nghị quyết này cũng chỉ áp dụng trong năm 2023.

Chính vì vậy, về lâu dài, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, từ việc sửa đổi các luật có liên quan đến xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn, chặt chẽ, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ người bệnh tốt nhất.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính cần thực hiện đúng tiến độ trong xây dựng các hướng dẫn mà Nghị quyết 30/NQ-CP đã đưa ra.

Mặt khác, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, cho nên các nghị định, thông tư liên quan đến mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cũng cần sớm được ban hành để các bệnh viện có căn cứ xây dựng phương án mua sắm kịp thời, đúng pháp luật.

Theo Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Trần Cao Bính, để khắc phục triệt để những khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, về lâu dài, cần sửa đổi Luật Đấu thầu.

TS. Ðặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nêu thực trạng, hiện nay, Bệnh viện có nhiều máy móc cần sửa chữa, nhưng việc này phải thực hiện theo Luật Ðấu thầu và các thông tư, nghị định, mất rất nhiều thời gian và thủ tục phức tạp. Do đó, về lâu dài cần có sự phối hợp các bên vì phải lập báo cáo, đề xuất sửa chữa trang thiết bị y tế.

Về xác định giá trang thiết bị y tế, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu, tránh để kiểm toán khi bị xác định rằng bệnh viện đang thực hiện chỉ định thầu.

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS. Ðào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trang thiết bị y tế, thuốc men là vấn đề cấp bách vì liên quan trực tiếp đến người bệnh.

Trong những tình huống khẩn cấp như chống dịch chẳng hạn, để kịp thời có thuốc, vật tư y tế, các bệnh viện nhiều khi phải bỏ qua quy trình đấu thầu để sớm có hàng. Bởi vậy, cần có quy định về việc không khởi tố, bắt giam cán bộ nếu cán bộ ấy không trục lợi, làm vì phục vụ người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cam kết, với những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết ngay và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cần báo cáo, đề xuất kịp thời với Bộ Y tế.

Lĩnh vực nào thuộc Bộ Y tế, sẽ giao các vụ, cục, đơn vị cùng phối hợp để tháo gỡ. Còn những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, Bộ Y tế sẽ cùng phối hợp tìm cách tháo gỡ hoặc báo cáo Chính phủ để có hướng giải quyết sớm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tranh-so-trach-nhiem-va-tieu-cuc-trong-mua-sam-thuoc-vat-tu-y-te-d187447.html