Trang bị kỹ năng số cho giáo viên và cán bộ quản lý
Việc trang bị kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành Giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trường Cán bộ Quản lý (CBQL) giáo dục TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo đã thu hút hơn 200 CBQL giáo dục đến từ 32 Sở GD&ĐT khu vực phía Nam. Tại đây, các đại biểu đã nêu lên thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm về những phương thức tổ chức dạy học và đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học; nghiên cứu các phương thức và biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL, giáo viên trong nhà trường để nâng cao hiệu quả công tác đổi mới giáo dục và triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
“Kết quả khảo sát cho thấy, đội ngũ nhà giáo chưa thật sự sẵn sàng cho công tác chuyển đổi số trong trường học. Do đó, trước tiên cần bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, kiến thức và năng lực công nghệ cho các nhà quản lý giáo dục và nhà giáo, những thành tố tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số của ngành Giáo dục” - ông Nguyễn Thế Quang đến từ Sở GD&ĐT Ninh Thuận gợi mở.
Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sự chuyển dịch từ chương trình theo tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, phẩm chất đòi hỏi phải có sự thay đổi, kéo theo phải tiến hành nghiên cứu đồng bộ trong cả ba cấu phần của chu trình: Chương trình - Giảng dạy - Đánh giá. Thực tiễn tại các trường học và địa phương cho thấy, các giáo viên đang kỳ vọng vào sự thay đổi mang tính dẫn dắt của thi cử, kiểm tra đánh giá như một “bánh lái ngược” cho việc dạy học.
Tuy nhiên, trên thực tế, các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực của người học đến từ cả 4 thành tố: Giáo viên, nội dung, kiểm tra đánh giá và phương thức tổ chức dạy học. Trong đó, giáo viên phải chuyển đổi mục tiêu thành kế hoạch dạy học cụ thể, nội dung dạy học cần được chuẩn hóa – hệ thống hóa đáp ứng theo yêu cầu dạy học phát triển năng lực; đánh giá cần được tiến hành đồng bộ cả đánh giá quá trình và kiểm tra chuẩn hóa.
Cuối cùng là việc phát huy tối đa sự phát triển hiện đại của công nghệ trong kỳ nguyên số và ưu thế của việc dạy học trực tiếp trong mô hình dạy học kết hợp - blended learning. Điều này nhằm tạo ra sự đột phá trong phương thức tổ chức dạy học, mà người hưởng lợi cuối cùng chính là học sinh.
Cũng trong chương trình hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Quyên - Giám đốc Công ty CP Giáo dục toàn cầu (AEGlobal) đã chia sẻ về kết quả triển khai các mô hình đào tạo kết hợp cho hơn 16.000 giáo viên tại Bắc Giang, mô hình dạy học kết hợp trên hệ sinh thái AEGlobal tại Thái Nguyên và chương trình đánh giá chuẩn hóa cho TP Việt Trì. Từ đó, để minh chứng tính thực tiễn cho các giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục.
Theo TS. Vũ Quảng - Quyền Hiệu trưởng Trường CBQL Giáo dục TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức, chuyển đổi số đã tạo ra cơ hội rất lớn trong nâng cao năng lực đội ngũ và mô hình dạy và học, kiểm tra, đánh giá. Từ đó đem đến những giải pháp mang tính khoa học và khả thi cao, minh chứng cho giải pháp huy động mọi nguồn lực trong xã hội của Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" đã đi vào thực tiễn của ngành Giáo dục và Đào tạo.