Trân quý làn điệu dân ca

Giữa ồn ào phố thị, làn điệu quan họ vang rền trong văn chỉ làng Quan Nhân, Hà Nội. Không phải nơi quan họ khởi sinh nhưng chất dân ca Kinh Bắc vẫn cứ tỏa lan, mang thông điệp về truyền nối thế hệ gìn giữ văn hóa cổ truyền.

Dù còn “cả sữa non măng”…

“Chúng em dù còn cả sữa non măng nhưng mạnh dạn tái hiện lối chơi độc đáo của các cụ xưa. Không gian này không chỉ có lời ca, còn có cả thời trang, cả những nét văn hóa đậm chất Kinh Bắc…”, Chủ nhiệm Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn lời cho chương trình biểu diễn và tái hiện không gian văn hóa quan họ truyền thống, diễn ra chiều 22.7 vừa qua, tại Cụm Di tích làng Quan Nhân, Hà Nội.

Biểu diễn văn hóa quan họ truyền thống của lớp học quan họ 48h. Ảnh: Thái Minh

Những câu ca, lời hát từ câu thơ lục bát đã được xử lý trở thành giai điệu du dương, luyến láy, trở thành khúc giao duyên thấm đượm ân tình của các liền anh, liền chị quan họ, để rồi, được đẩy đưa trong câu hát của các bạn trẻ. Những nét đẹp trong văn hóa quan họ cổ như dâng lễ quan họ, hát canh, têm trầu cánh phượng, nếp duyên trang phục quan họ… được giới thiệu nhằm đưa không gian nghệ thuật đặc sắc này đến với mọi người. Đây cũng là báo cáo thành quả của lớp học quan họ 48h trong thời gian qua.

Lần đầu tiên Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương tổ chức lớp học về quan họ, và cũng là lần đầu tiên sau 9 năm hoạt động, một sự kiện tổng kết khóa học kết hợp tái hiện văn hóa quan họ cổ được diễn ra, với sự tham gia của các nghệ nhân và học viên. Trước đó, 15 buổi học tổ chức tại Hà Nội, trong đó có những thành viên lần đầu tiếp xúc với quan họ. Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, các buổi học không có nhạc đệm và học hát theo đúng lối cổ xưa. Bởi lẽ, nguyên bản quan họ là loại hình nghệ thuật dân gian gắn liền với danh xưng liền anh, liền chị xứ Kinh Bắc. Những làn điệu được cất lên đủ lưu luyến bao người nghe mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ loại nhạc cụ nào.

Theo chị hai Nguyễn Như Chính - người đồng hành, chỉ dạy các học viên lớp quan họ 48h, ở đây mọi người đến với quan họ bằng niềm đam mê, yêu thích. Tất cả đã mạnh dạn chọn con đường khó khăn là tìm hiểu và thực hành lối hát cổ. Hát không có nhạc đệm đồng nghĩa phải tự ngắt câu, ngắt nhịp, hát đối đáp phối hợp sao cho không chênh, muốn hay phải rèn luyện nhiều mới được. “Các bạn khiêm tốn gọi mình còn cả sữa non măng nhưng lời ca tiếng hát đã nói lên niềm yêu cháy bỏng với dân ca quan họ. Đó là thành công lớn nhất của lớp học quan họ 48h”.

Tiếp lửa cho quan họ cổ

Nguyễn Thị Mỹ Hảo, sinh viên năm 3 Khoa Bác sỹ y khoa, Trường đại học VinUni cho biết, dù theo học một ngành không liên quan đến nghệ thuật nhưng quan họ đã thu hút bạn đến với lớp học, để mỗi buổi học lại thêm yêu và hiểu hơn về nguồn gốc của mình. Trong quá trình học, Hảo càng nhận thấy dân ca quan họ không hề dễ hát như những gì từng nghe, xem. Vì đó chỉ là làn điệu mà không phải quan họ cổ, chưa phải cái chất đích thực của nghệ thuật dân ca truyền thống này. Hảo nhận ra học hát quan họ nhưng không chỉ học hát mà còn là học về văn hóa, từ cách vận quần áo, đội khăn mỏ quạ, đến ý tứ lời nói, cách đối đáp, đi lại…

“Rồi sau này nếu có cơ hội ra nước ngoài, trong các cuộc giao lưu, mình sẽ cất lên các làn điệu quan họ cổ. Hát không chỉ cho hay mà là hát cho đúng cái ông cha để lại, có vậy mới truyền tải được tới người nghe, để họ biết đây mới đích thực là dân ca quan họ, là mạch nguồn văn hóa Kinh Bắc Việt Nam”, Nguyễn Thị Mỹ Hảo nói.

Từ làng Diềm - làng quan họ gốc của Bắc Ninh - Kinh Bắc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hài cùng các chị hai, anh hai quan họ tự hào mang câu hát canh giới thiệu với công chúng ở Hà Nội, và xúc động chứng kiến tình yêu của các bạn trẻ dành cho quan họ. Điều mà nghệ nhân đau đáu bao lâu nay là bảo tồn, kế tục được lề lối canh hát cổ. Hơn 150 bài bản cổ truyền không dễ thuộc, dễ hát, nhưng sự mộc mạc, tinh tế và sâu sắc của câu chữ khi đối đáp đã làm nên cái hay, cái đẹp cho dân ca quan họ. Những tiếp xúc của các bạn trẻ với quan họ giờ đây mới chỉ là bước đầu nhưng gieo hy vọng về một thế hệ biết trân trọng tìm về đúng giá trị đích thực của ông cha.

“Điều đáng mừng là thế hệ trẻ hiện nay không chỉ thích nhạc trẻ, các dòng nhạc mới mà còn yêu thích những làn điệu dân ca, nghĩ đến gìn giữ lối cổ. Tất nhiên, nếu nói về quan họ cổ không phải ngày một ngày hai mà các bạn thực hành được, nhưng cách làm của các bạn cho thấy niềm đam mê, hãnh diện tự hào với di sản của cha ông. Đáng mừng hơn nữa là ở đây không chỉ là thế hệ trẻ Bắc Ninh mà cả ở Hà Nội và nhiều vùng miền khác đã quan tâm, yêu mến, muốn gìn giữ dân ca quan họ. Tin rằng nhờ những điều như thế mà quan họ được giữ gìn, lan tỏa khắp nơi”, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hài chia sẻ.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tran-quy-lan-dieu-dan-ca-i338187/