Trải nghiệm không khí Tết cổ truyền

Nhằm giúp học sinh có thêm không gian trải nghiệm về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa như gian hàng trang trí theo phong cách cổ truyền, phiên chợ tất niên, trò chơi dân gian, nặn tò he, viết câu đối ...Việc làm này không chỉ giáo dục cho học sinh nét đẹp truyền thống, văn hóa Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam mà còn là hoạt động trải nghiệm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Niềm vui của học sinh Trường THCS Bình Phú, huyện Phù Ninh tại trải nghiệm “Ngày Tết quê em”

Trải nghiệm văn hóa dân gian

Trong không khí hân hoan, rộn ràng chào đón Xuân mới, Trường THCS Bình Phú, huyện Phù Ninh tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm với chủ đề “Ngày Tết quê em”. Qua bàn tay khéo léo của giáo viên và học sinh, không gian Tết của trường được trang trí đẹp mắt, đậm chất Tết quê, đó là “Hội chợ quê” - bức tranh thu nhỏ của đời sống nông thôn, nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà có lẽ không vùng miền nào trên nước ta không có. Giản dị mà sâu sắc, “Hội chợ quê” mang ý nghĩa giáo dục to lớn, góp phần đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cho học sinh nhằm rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, giúp các em thêm yêu bạn bè, thầy cô, mái trường, giáo dục cho các em tình yêu quê hương, đất nước, biết yêu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tự hào về truyền thống, phong tục tập quán, nét đẹp bản sắc văn hóa, ký ức tuổi thơ của mỗi người dân Việt Nam.

Không gian “ Hội chợ quê” rất sống động, mộc mạc mà thân thương với các gian hàng gồm nhiều chủ đề như nông sản Việt, ẩm thực, học tập, vui chơi... với đủ các mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày được sưu tầm ở địa phương như: Trứng, gạo, các loại rau, củ, bánh chưng...Đặc biệt, mỗi gian hàng đều có một góc riêng để trưng bày các sản phẩm STEM do các em tự làm.

Thầy giáo Vũ Duy Kỳ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động này mang lại cho học sinh những trải nghiệm thực tế trong đời sống xã hội, thông qua đó giáo dục học sinh ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình, xã hội, hướng tới mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giáo dục kiến thức, năng lực toàn diện cho học sinh, qua đó giúp học sinh tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, học thêm nhiều kỹ năng sống thiết thực.”

Em Nguyễn Hoàng Anh - học sinh lớp 6E, Trường THCS Bình Phú chia sẻ: "Em rất hào hứng được tham gia gói bánh chưng cùng các bạn trong lớp. Việc tự tay gói bánh chưng đã mang lại cho em một trải nghiệm khó quên. Không chỉ tham gia gói bánh, chúng em còn bày bán các gian hàng ẩm thực".

Học sinh Trường phổ thông Hermann Gmeiner Việt Trì trải nghiệm viết chữ thư pháp...

... trải nghiệm gói bánh chưng

Sôi nổi, hào hứng là những điều chúng tôi ghi nhận được trong hoạt động trải nghiệm với tên gọi“Trải nghiệm cùng em – Vui Tết đong đầy” cho học sinh khối THCS, tiểu học của Trường phổ thông Hermann Gmeiner Việt Trì. Thầy giáo Nguyễn Sơn- Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Đây là sân chơi bổ ích cho học sinh. Những trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là trò chơi mà còn chứa đựng cả văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Thông qua các trò chơi như đi cà kheo, ô ăn quan, nhảy dây, đá cầu... giúp học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng vận động, tư duy và sáng tạo.

... tham gia trò chơi dân gian truyền thống

Dạy về lòng bao dung, nhân ái

Những năm qua, bên cạnh dạy lý thuyết, các trường học trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giáo dục về nét văn hóa truyền thống, Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền dân tộc bằng nhiều hình thức, tên gọi khác nhau như: “Ngày Tết quê em”, “Tết dân gian”, “Tết xưa”... với những hoạt động đa dạng, phong phú, tái hiện lại không gian, phong tục, không khí ngày Tết cổ truyền như: Gói bánh chưng, viết câu đối thư pháp, thi bày mâm ngũ quả, làm hoa mai, hoa đào bằng giấy, tổ chức các trò chơi dân gian, tái hiện phiên chợ quê ngày Tết... để thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh tham gia.

Không chỉ giáo dục cho học sinh về những nghi lễ, phong tục truyền thống ngày Tết Nguyên đán, nhiều trường học, đơn vị còn tổ chức các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị vùng sâu, vùng xa, trao tặng quà Tết cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn chung tay mang đến cho cộng đồng một cái Tết đủ đầy, đầm ấm. Qua đó, không ngừng lan tỏa, giáo dục cho học sinh về đạo lý truyền thống tốt đẹp “Thương người như thể thương thân”của dân tộc, nhất là trong dịp Tết đến, Xuân về.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Thanh Sơn ủng hộ Chương trình “Tết yêu thương”.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, huyện Thanh Sơn, thầy giáo Phạm Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Trân trọng, tự hào về văn hóa truyền thống, biết chia sẻ yêu thương con người...là thông điệp tốt đẹp để lễ hội ngày Xuân tại Trường giàu sức lan tỏa, được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh. Nhà trường tặng 40 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Theo cô giáo Dương Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Vi 1, huyện Lâm Thao, với mong muốn để trẻ em được tìm hiểu, có những hiểu biết ban đầu về Tết cổ truyền của dân tộc, hàng năm nhà trường phối hợp với hội phụ huynh học sinh tổ chức Chương trình “Tết quê em”. Qua đó phần nào giúp trẻ em mầm non hiểu được ý nghĩa ngày Tết cổ truyền, các phong tục, tập quán thờ cúng ông bà, tổ tiên, biết được các món ăn truyền thống trong ngày Tết...từ đó mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh, hình thành các kỹ năng sống, tự phục vụ bản thân, phối hợp, đoàn kết trong làm việc nhóm, giúp trẻ có điều kiện phát triển toàn diện.

Một mùa Xuân mới đang về, việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung giáo dục về chủ đề Tết Việt đã và đang được các trường học trong tỉnh triển khai sôi nổi, phong phú, giúp các em học sinh có thêm cơ hội hiểu biết, học hỏi, khám phá, từ đó có ý thức gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị quý báu trong Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời giúp các nhà trường thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/trai-nghiem-khong-khi-tet-co-truyen/205523.htm