Trái cây xa xỉ: Dứa giá 400 USD, dâu tây 50 USD/8 quả

400 USD là số tiền có thể bỏ ra để mua một hộp trứng cá muối hảo hạng, một chai rượu vang ngon hoặc một bữa ăn đầy đủ tại nhà hàng cao cấp. Thế nhưng, 400 USD cũng là mức chi phải bỏ ra nếu muốn sở hữu trái dứa Rubyglow.

Rubyglow 400 USD liệu có được đón nhận?

Dứa Rubyglow, dòng quả được lai tạo với vẻ ngoài màu đỏ đặc biệt và hương vị ngon ngọt, đang được bán với giá 395,99 USD tại Melissa's Produce, một đơn vị bán trái cây và rau đặc sản có trụ sở tại California.

Công ty sản xuất và phân phối thực phẩm chuyên về dứa, Del Monte, đã phải mất một thập kỷ rưỡi để tạo ra loại trái cây có màu sắc tựa như viên ruby này. Đầu năm nay, vụ thu hoạch có giới hạn đã lần đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc.

Sau khi phát triển thành công loại dứa đặc biệt, Del Monte quyết định bán thử nghiệm mặt hàng trên tại Mỹ với mức giá trên trời, nhằm mục đích tìm hiểu người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để sở hữu trái dứa Rubyglow.

Dứa Rubyglow với giá 400 USD

Dứa Rubyglow với giá 400 USD

Trong những năm gần đây, người Mỹ đặc biệt quan tâm đến các loại trái cây mới. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho táo Honeycrisp, nho Cotton Candy, Sumo Citrus và dâu tây Nhật Bản... Giờ đây, họ đang khao khát các loại trái cây khác nhau và sẵn sàng chi tiền cho những lựa chọn mới thú vị.

Bà Cindy van Rijswick, chiến lược gia sản phẩm tươi sống thuộc nhóm nghiên cứu toàn cầu của Rabobank đánh giá quả dứa màu đỏ này sẽ thu hút các đại gia Mỹ: “Người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho thứ gì đó đặc biệt. Luôn có một thị trường nhỏ dành cho các nhà hàng cao cấp, những người sành ăn hoặc một số kênh trực tuyến nhất định”.

Thế nhưng đối với một quả dứa 400 USD, thì mặt hàng xa xỉ này được đánh giá là có mức giá quá cao.

Theo nhiều ý kiến, thời điểm này không phải là lúc để tiếp thị các loại trái cây đắt tiền tại Mỹ. Lý do là vì cách đây không lâu, người dân Mỹ đã phải trải qua thời điểm giá lương thực, thực phẩm cao ngất trời do lạm phát, dịch cúm, hạn hán, chiến sự tại Ukraine… cùng nhiều nguyên nhân khác.

Vì vậy, ngân sách của người dân đang trở nên ngày một eo hẹp, chưa kể tình trạng thất nghiệp đang là nỗi lo bao trùm khắp siêu cường quốc hàng đầu thế giới, khiến người Mỹ ngày càng chắt bóp chi tiêu hàng ngày.

Sự bùng nổ của trái cây cao cấp

Trong những năm gần đây, trái cây cao cấp bắt đầu là loại thực phẩm được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Vậy, đâu là thời điểm trái cây cao cấp bắt đầu xuất hiện?

Giống táo Honeycrisp lần đầu được giới thiệu cách đây 30 năm, tại thời điểm trong các siêu thị lớn không có quá nhiều sự lựa chọn về táo.

Theo giáo sư tại Đại học Minnesota, người thuộc nhóm phát triển giống táo Honeycrisp, ông Jim Luby, thời bấy giờ người dân chỉ được tiếp cận với các loại táo cơ bản như Red Delicious, Golden Delicious hay McIntosh. Chưa kể, nếu không tìm đến các vườn cây ăn quả tại địa phương thì người mua sẽ không bao giờ tìm thấy nhiều sự lựa chọn.

Honeycrisp ra đời đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của người tiêu dùng lúc bấy giờ: giòn, ngọt và mới lạ. Ông Luby cho biết: “Nó đã trở nên phổ biến ở Minnesota. Không có nhiều nơi sản xuất thành công Honeycrisp, vì thế nó được định giá cao nhưng vẫn đắt như tôm tươi”.

Tiếp thị sản phẩm mới là một công đoạn vừa tốn công, vừa tốn chi phí. Các nhà nghiên cứu phải nhân giống và lai tạo, chờ đợi chu kỳ sinh trưởng và bắt đầu lại nếu quả không đạt. Sau đó, các nhà khoa học thực vật phải thuyết phục những trang trại trồng trọt đầu tư vào một loại trái cây chưa được chứng minh.

Từ sau thành công của Honeycrisp, sự đa dạng trong lĩnh vực nông sản đã tăng lên. Rất nhiều mặt hàng trái cây cao cấp được lai tạo thành công và bán ra thị trường với mức giá cao hơn so với trái cây truyền thống, nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận. Chẳng hạn như nho Cotton Candy, giống nho được đặt tên theo vị ngọt của chúng; hay trái Sumo Citrus, một giống lai giữa cam bưởi và quýt… đang là những loại quả gây sốt gần đây.

Dâu tây cao cấp được đóng gói riêng lẻ trong hộp, giống như hộp đựng chocolate thủ công

Dâu tây cao cấp được đóng gói riêng lẻ trong hộp, giống như hộp đựng chocolate thủ công

Với vị ngon mà các loại quả lai tạo đem lại, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn. Đặc biệt, năm 2018 Oishii đã ra mắt một loại dây tây đặc sản trồng trong trang trại thẳng đứng với mức giá 50 USD cho một hộp 8 quả.

Tuy có mức giá nhỉnh hơn, song mỗi quả dâu được gói trong hộp được Oishii quảng cáo là đều hoàn hảo. “Ngay cả ở mức 50 USD, chúng tôi vẫn có hàng nghìn người trong danh sách chờ mua”, Giám đốc điều hành Oishii Hiroki Koga cho biết.

Del Monte vào cuộc

Trong suốt nhiều năm, Del Monte đã liên tục nghiên cứu và tạo ra các loại dứa khác nhau. Vào năm 2020, công ty đã tung ra loại dứa Pinkglow, loại quả có phần thịt màu hồng và được đựng trong hộp đặc biệt của riêng mình.

Ban đầu Pinkglow được bán với giá khoảng 50 USD, nhưng hiện tại, mức giá đã rẻ hơn rất nhiều khi loại quả này trở nên phổ biến hơn. Người tiêu dùng có thể mua Pinkglow với giá từ 8-29 USD/quả.

Trên thực tế, với mức giá tương đối cao, Pinkglow được tạo ra không phải để trở thành một mặt hàng chủ lực trong danh sách hàng tiêu dùng, mà chủ yếu được mua với mục đích biếu tặng.

Trước Rubyglow, Del Monte đã tạo ra một loại dứa bắt mắt khác mang tên Pinkglow

Trước Rubyglow, Del Monte đã tạo ra một loại dứa bắt mắt khác mang tên Pinkglow

Bà Melanie Zanoza Bartelme, Phó giám đốc của Mintel Food & Drink, cho biết mức giá 50 USD của Pinkglow là có thể chấp nhận được đối với người mua, nhưng 400 USD cho một quả Rubyglow thì bà không dám chắc.

Hiện tại, dòng dứa Rubyglow đang được Melissa's Produce nhập bán. Melissa bắt đầu với 50 quả dứa và đến nay họ đã bán được khoảng một nửa chỉ trong vòng 1 tháng. Các khách hàng đầu tiên là những nhà hàng tại Las Vegas và Nam California, nơi thường xuyên sử dụng các loại trái cây để trưng bày.

“Có một thị trường rất nhỏ dành cho loại mặt hàng này. Đây không phải loại quả dành cho tất cả mọi người”, Robert Schueller, Giám đốc quan hệ công chúng của Melissa's Produce nhận định.

Vẻ ngoài bắt mắt của Rubyglow giúp loại quả này hợp với việc trưng bày hơn là mua để ăn

Vẻ ngoài bắt mắt của Rubyglow giúp loại quả này hợp với việc trưng bày hơn là mua để ăn

Theo Bo Corley, một đầu bếp có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, mức giá 400 USD là quá cao, mặc dù hương vị và bề ngoài của quả Rubyglow nổi bật hơn hẳn các quả dứa thông thường.

“Bạn sẽ thấy Rubyglow xuất hiện như một vật trang trí tại khu vực trung tâm bên trong một căn nhà giàu có”, ông Corley cho rằng nếu có người bỏ tiền ra mua Rubyglow, vậy thì chỉ có thể là để khoe rằng họ có thể mua được loại quả đắt đỏ như vậy chứ chứ không đơn thuần vì hương vị của quả dứa.

Quốc Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trai-cay-xa-xi-len-ngoi-dua-gia-400-usd-dau-tay-50-usd-8-qua-d111298.html