TPHCM đầu tư hơn 650 tỷ đồng gia cố kè Thanh Đa

Tổng chiều dài tuyến kè khoảng 478m, trong đó đỉnh kè +3,0m, có trụ và khung lan can bảo vệ. Kè có hình dạng kiểu tường chắn bằng bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông cốt thép, chân kè được gia cố bằng thảm đá chặn chân mái kè để chống xói lở.

UBND TPHCM vừa có tờ trình gửi HĐND TPHCM về chủ trương đầu tư dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa - đoạn 1.1, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 651 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố trong giai đoạn 2024 - 2027.

Tổng chiều dài tuyến kè dự kiến khoảng 478m, trong đó đỉnh kè +3,0m (cao độ Hòn Dấu), có trụ và khung lan can bảo vệ. Kè có hình dạng kiểu tường chắn bằng bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông cốt thép, phía trong kè đắp cát, vỉa hè có chiều rộng khoảng 4,0m, cao độ +2,6m. Chân kè được gia cố bằng thảm đá chặn chân mái kè để chống xói lở.

Hệ thống thoát nước có rãnh thoát nước dọc kè bằng bê tông cốt thép M300 có nắp đậy, bố trí cống ngang thoát nước từ phía nhà dân ra sông, có cửa van một chiều ngăn triều.

Cuối tháng 6/2023, một đoạn kênh Thanh Đa xảy ra sạt lở. Vị trí sạt lở nằm ở bờ phải, cách hạ lưu cầu Kinh Thanh Đa khoảng 50m. Ảnh: Hữu Huy

Cuối tháng 6/2023, một đoạn kênh Thanh Đa xảy ra sạt lở. Vị trí sạt lở nằm ở bờ phải, cách hạ lưu cầu Kinh Thanh Đa khoảng 50m. Ảnh: Hữu Huy

Cùng với đó, đường giao thông D9 tiếp giáp sau kè có chiều dài dự kiến khoảng 495m, chiều rộng mặt cắt ngang 16m, trong đó mặt đường rộng 8m, vỉa hè đường rộng 4m. Hệ thống thoát nước mặt, nước sinh hoạt, cấp nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu đường bộ tổ chức giao thông và an toàn giao thông đường bố trí dọc theo tuyến đường theo quy định. Đường D9 đấu nối với đường Tầm Vu hiện hữu tại khu vực dưới cầu Kinh (quận Bình Thạnh).

Đối với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, theo hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, nhu cầu nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 497,5 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là gần 154 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TPHCM, công trình kè Thanh Đa - đoạn 1.1 hiện hữu được xây dựng từ năm 2007, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008, chiều dài khoảng 478m.

Thời gian khai thác đến nay đã trên 15 năm, kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài như sóng, dòng chảy, chế độ triều, làm cho công trình kè bị sụt lún, chuyển vị nghiêng về phía sông. Đặc biệt, khu vực bờ sông cách cầu Kinh khoảng 50m về phía hạ lưu, khoảng 200m bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Kè khu vực này bị hư hỏng nặng, nhiều nhà dân sinh sống sát bờ sông bị lún, nứt, nghiêng về hướng sông. Khi triều cường lên toàn bộ khu vực giáp bờ sông bị ngập nước, kết hợp tác động dòng chảy lưu tốc lớn, sóng do tàu chạy và các tác nhân do biến đổi khí hậu làm cho tình hình sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, gây sạt trượt bờ sông, nguy hiểm đến an toàn về người và tài sản người dân.

Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, UBND quận Bình Thạnh đã di dời khẩn cấp 13 hộ dân.

UBND TPHCM nhìn nhận việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình kè kiên cố nhằm nhanh chóng khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân khu vực, kết hợp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông (đường thủy, đường bộ), kết hợp chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, cảnh quan khu vực theo quy hoạch.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-dau-tu-hon-650-ty-dong-gia-co-ke-thanh-da-lien-tuc-sat-lo-post1654786.tpo