TP Huế: Kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện để điều trị bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn
Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, tình hình bệnh liên cầu lợn đang diễn biến phức tạp, một số ca không rõ yếu tố dịch tễ. Đến ngày hôm nay (8/7), Bệnh viện vẫn đang điều trị cho 14 bệnh nhân trú tại các địa phương ở TP Huế mắc liên cầu lợn.
Chiều 8/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, hiện các bác sĩ bệnh viện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis (liên cầu khuẩn lợn).
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Trung ương Huế, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 7/7/2025, Bệnh viện tiếp nhận, điều trị 32 ca mắc liên cầu lợn đều là người dân trú trên địa bàn TP Huế. Hầu hết bệnh nhân nhập viện có triệu chứng khởi phát như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, đau nhức xương...

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngoài trường hợp ông B.V.C (SN 1975, trú ở phường Thuận Hóa, TP Huế) dương tính với Streptococcus Suis (liên cầu khuẩn lợn), tử vong vào ngày 2/7 (như Báo CAND đưa tin), có nhiều trường hợp bệnh nhân khác mắc liên cầu lợn với triệu chứng nặng đã được gia đình đưa về nhà, gồm bà N.T.T.T (SN 1964, trú phường Vỹ Dạ, TP Huế); ông N.M.T (SN 1974, trú phường An Cựu, TP Huế); bà Đ.T.N.H (SN 1974, trú phường Phú Xuân, TP Huế).
Theo các bác sĩ, tình hình bệnh liên cầu lợn đang diễn biến phức tạp, một số ca không rõ yếu tố dịch tễ. Đến ngày hôm nay (8/7), Bệnh viện vẫn đang điều trị cho 14 bệnh nhân trú tại các địa phương ở TP Huế. Trong đó, 13 trường hợp đang tiếp tục điều trị, riêng một bệnh nhân nam điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, tiên lượng tử vong.

Ngành y tế TP Huế tích cực xử lý môi trường, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng bệnh liên cầu lợn.
ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong các ca bệnh liên cầu lợn, có không ít ca diễn tiến nặng với các biểu hiện như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí suy đa cơ quan.
Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện để huy động các chuyên khoa liên quan như hồi sức tích cực, truyền nhiễm, thần kinh cùng phối hợp điều trị. Các trường hợp được phát hiện sớm sẽ được điều trị kháng sinh kịp thời và đúng phác đồ, được theo dõi sát các biến chứng thần kinh và nhiễm trùng huyết, điều trị hồi sức tích cực khi cần thiết.
Các bác sĩ khuyến cáo, trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn. Không nên giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết phải tiêu hủy đúng cách. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn để phòng bệnh lây lan.