TP Hồ Chí Minh: Còn 48 điểm và tuyến đường ngập theo quy trình
Đây là thông tin được ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (QLHTKT) thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cung cấp tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.
Chiều 9/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo thông tin về một số mặt của đời sống trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Ban chỉ đạo, chủ trì buổi họp báo. Tại buổi họp, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm QLHTKT thuộc Sở Xây dựng TP cho biết về công tác chống ngập khi mùa mưa đến.
Theo ông Điệp hiện nay toàn TP có 735 tuyến đường trục chính. Qua theo dõi tình hình ngập năm 2021 và dự kiến 2022 có thể xảy ra “ngập theo tiêu chí ngập” tại 15 tuyến đường, gồm: Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Học Lãm, Quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Nguyễn Văn Hưởng, Quốc Hương.
Ngoài ra có thể ngập tức thời tại 24 điểm, ngập do hệ thống thoát nước thu nước không kịp, sau 30 phút ngập sẽ rút hết nước, gồm: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Quốc lộ 1A, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Tân Hòa Đông, Hồ Văn Tư.
Đối với ngập do triều cường, đỉnh triều cao nhất là +1,71m, có 9 tuyến đường ngập, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Quốc lộ 50, Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Phạm Hữu Lầu, Trịnh Quang Nghị, Tôn Thất Thuyết.
Ông Vũ Văn Điệp cũng cho biết về công tác phòng tránh, ứng phó trước mùa mưa, Trung tâm QLHTKT thường xuyên duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét các đường cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước.
Ngoài ra còn tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước: Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - Ruột ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Trạm bơm Thanh Đa, Mễ Cốc 1, Phú Lâm, Bà Tiếng. Bên cạnh dó Trung tâm QLHTKT còn phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, không lấp, bít và xả rác thải tại các miệng thu nước để đảm bảo khả năng thoát nước; không xả rác và chất thải rắn xuống lòng kênh rạch phục vụ thoát nước.
Về giải pháp khắc phục, ông Điệp cho rằng trong một TP lớn để không có chỗ nào ngập là điều rất khó. Phải đầu tư nguồn lực xã hội rất lớn mới giải quyết được việc chống ngập. Những năm vừa qua, việc giảm ngập đạt kết quả khích lệ, số điểm ngập giảm nhiều, rốn ngập đã giải quyết triệt để, thời gian ngập ngắn xuống, không ngập cả buổi như trước. Trong lúc mưa cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn, khi đó thiết kế của hệ thống thoát nước chỉ đạt được lưu lượng đã thiết kế nên khi không thu được lượng nước dẫn đến không thể tiêu thoát. Do đó, đối với các khu đô thị khi đầu tư xây mới, hệ thống thoát nước sẽ đầu tư đồng bộ theo thiết kế của đô thị mới sẽ không còn ngập.