TP.HCM trước bài toán hàng trăm con đường bị trùng tên

Thành phố có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa.

Ngày 14.2, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý Thành phố đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”.

Thông tin tại hội thảo cho biết, hệ thống tên đường tại TP.HCM hiện nay rất phức tạp, với khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị. Thành phố có 311 đường trùng tên với 132 tên đường (như đường Lê Lai (quận 1, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn); 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa; cùng với đó là những tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến…

Theo TS Trương Hoàng Trương, Trưởng khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), tại khu vực trung tâm Thành phố, tên đường ổn định, không phát sinh nhưng vẫn còn tình trạng tên đường sai, tên đường trùng. Tên đường thay đổi sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho người dân. Việc đổi tên cần hạn chế tối đa, trước mắt ưu tiên đổi 38 tên đường không chính xác.

Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển đã thực hiện đề án “Công tác đặt đổi tên đường và công trình công cộng tại TP.HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” từ năm 2012. Đề án sau đó tiếp tục với việc xây dựng cơ sở dữ liệu WebGIS nhằm hoàn chỉnh hóa hệ thống tên đường.

Ông Phạm Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin địa lý TP.HCM cho biết, việc ứng dụng công nghệ GIS vào hệ thống đường và công trình công cộng đã trở nên phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Thành phố vẫn chưa có công cụ WebGIS hỗ trợ quản lý tên đường, công trình công cộng. Do đó, rất cần thiết một hệ thống WebGIS quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại địa phương.

Tháng 9.2020, Sở VH - TT đề xuất UBND TP.HCM phương án xử lý đối với 38 tên đường không chính xác trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM - Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” và ý kiến của Hội Khoa học lịch sử TP.HCM.

Nhóm thứ nhất gồm: 5 đường có tên nhân vật trên bảng tên đường sai so với quyết định của UBND TP.HCM, gồm: Bùi Hữu Diện, Đoàn Minh Triết, Đỗ Quang Cơ, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn Trọng Trí. Sở VH-TT đề xuất Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh lại bảng tên đường cho đúng với tên nhân vật lịch sử theo quyết định của UBND TP.HCM tương ứng với thứ tự là: Bùi Hữu Diên, Đoàn Triết Minh, Đỗ Cơ Quang, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Trọng Trì.

Nhóm thứ hai gồm: 6 đường do quyết định của UBND TP.HCM sai họ tên nhân vật lịch sử: Dương Tự Quán, Hoàng Xuân Hoành, Lê Đình Quản, Phạm Thị Hồi, Phan Kiêm Ích và Raymondienne. Sở VH – TT đề xuất UBND TP.HCM điều chỉnh lại cho đúng họ tên của nhân vật lịch sử theo thứ tự tương ứng là: Dương Tụ Quán, Hoàng Xuân Hành, Nguyễn Đình Quản, Phan Thị Hồi, Phạm Khiêm Ích và Raymonde Dien.

Nhóm thứ ba: 8 đường mà tên các nhân vật lịch sử được đặt tên không chính xác, gồm: Hoàng Đức Tương, Kha Vạn Cân, Lương Nhữ Học, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Văn Tráng, Phạm Đôn, Trương Quốc Dung, Nghĩa Thục. Sở VH – TT đề xuất thông qua HĐND TP.HCM về việc đổi tên các nhân vật lịch sử cho đúng theo thứ tự tương ứng là: Hoàng Đức Lương, Kha Vạng Cân, Lương Như Hộc, Võ Duy Dương, Phạm Văn Tráng, Phạm Đôn Lễ, Trương Quốc Dụng và Đông Kinh Nghĩa Thục.

Riêng đường Trương Đình Hợi được đề nghị thay thế bằng tên khác vì trong lịch sử không có nhân vật mang tên này và ở Q.8 đã có đường Trương Đình Hội.

Nhóm thứ tư gồm: 19 đường mà tên các nhân vật lịch sử được gọi theo phương ngữ và lệ kỵ húy, như: Đoàn Như Hài là tên khác của nhân vật Đoàn Nhữ Hài; Hà Tôn Quyền - Hà Tông Quyền; Ký Hòa - Chí Hòa; Lê Thánh Tôn - Lê Thánh Tông; Nơ Trang Long - N’Trang Lơng; Trần Khắc Chân - Trần Khát Chân; Tôn Đản - Tông Đản; Lê Đại Hành - Lê Hoàn; Ngô Thời Nhiệm - Ngô Thì Nhậm... nhưng để tránh xáo trộn, gây ảnh hưởng đến người dân, Sở VH - TT TP.HCM đề xuất giữ nguyên các tên đường đang hiện hữu.

H.Đ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-truoc-bai-toan-hang-tram-con-duong-bi-trung-ten-193137.html