Mở rộng không gian xanh cho Hà Nội: Nâng cao chất lượng sống của người dân
Trong cơn lốc đô thị hóa, san sát những tòa nhà cao tầng, đâu đó dở dang những khối bê tông với ồn ã khói bụi công trường, người ta thường vọng về một Hà Nội xưa giản dị, trầm mặc cùng những hàng cây cổ thụ trên con phố quen.
Hà Nội bây giờ đã lớn mạnh hơn rất nhiều, không chỉ có những hàng cây cổ thụ, mỗi con phố thường gắn với một loài hoa, loài cây mà Hà Nội nay còn có thêm nhiều công viên, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân đô thị.
Hệ lụy cơn lốc đô thị hóa
Tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa đô thị của Hà Nội được hình thành và phát triển bắt đầu từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là các vườn hoa ở khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, lớn nhất thời đó là vườn Bách Thảo (nay là Công viên Bách Thảo). Người Pháp cũng tận dụng hài hòa những khoảng trống giữa các giao lộ và biến chúng thành một không gian xanh là vườn hoa như vườn hoa Con Cóc (nay là vườn hoa Diên Hồng), vườn hoa Cổ Tân, vườn hoa Tôn Đản...
Những năm 60 của thế kỷ XX, hai công viên đầu tiên được xây dựng trên nền bãi rác cũ là Công viên Thống Nhất và Công viên Thủ Lệ. Các công trình này không chỉ tạo thêm không gian xanh nghỉ ngơi, vui chơi, thắng cảnh cho người dân Thủ đô cho tới tận ngày nay mà còn là những lá phổi khổng lồ tạo ra môi trường khí hậu trong lành cho đô thị.
Thế nhưng trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu XXI, do tốc độ đô thị hóa với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị, tòa nhà cao tầng, sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít ỏi dẫn đến hiện tượng "đảo nhiệt đô thị" tại khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng rõ nét.
Có thể kể đến một số tuyến phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng như: Minh Khai, Lê Văn Lương, Hoàng Đạo Thúy, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Phong Sắc kéo dài… Khi tiết trời nắng nóng, khu vực này sẽ thấu cảm rõ nhất sự ngột ngạt, bỏng rát của hơi nóng phả ra từ mặt đường và những khối nhà bê tông cao tầng san sát nhau. Cùng với tốc độ đô thị hóa, Hà Nội đã “lọt top” 17 TP trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Để quy về tiêu chí của một cuộc sống xanh tại đô thị, trên thế giới, người ta đã đưa ra nhiều tiêu chí như tận dụng khí và gió trời, tổ chức tốt không gian sử dụng đất, tổ chức hiệu quả nguồn nước sạch và nước thải, ít sử dụng điện công nghiệp, không gian cây xanh lớn. Còn ở Việt Nam, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là phải có nhiều diện tích để trồng cây xanh, không gian sống gần mặt nước, giao thông cũng phải “xanh” - nghĩa là đi lại thuận tiện, không ùn tắc. Không khí cũng phải bảo đảm trong lành, sạch sẽ. Ngoài ra, một trong những điều kiện quan trọng là phải có mật độ xây dựng thấp để nhường chỗ cho thiên nhiên.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TS Đặng Hùng Võ
Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại.
TS.KTS Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, cần nâng cấp không gian xanh hiện có là biện pháp có tính khả thi nhất hiện nay bởi sẵn quỹ đất dành cho chức năng này, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả và phát huy giá trị của các đồ án quy hoạch đã được duyệt.
Bên cạnh đó, những không gian bị bê tông hóa nhiều có thể được hoán đổi công năng sử dụng nhằm tăng diện tích không gian xanh và tích hợp với những chức năng hạ tầng kỹ thuật khác như thu gom hay tuần hoàn tái sử dụng nước mưa. Giải pháp này hạn chế mạnh mẽ tác động của quá trình bê tông hóa; đồng thời góp phần không nhỏ vào cải thiện môi trường và gia tăng đáng kể không gian tương tác cho cộng đồng.
Ngay với cả những mảnh đất trống còn sót lại trong đô thị do Nhà nước quản lý hoặc thu hồi hay hạn chế cấp phép xây dựng… cần được khai thác triệt để cho phát triển không gian xanh. Những không gian này được đa dạng hóa chức năng hoạt động, thích ứng với thay đổi thời tiết, đồng thời bổ sung chức năng như hồ điều hòa trong đô thị.
Hà Nội làm gì để xanh hóa đô thị
Dĩ nhiên, không thể để cơn lốc đô thị hóa tiếp tục cuốn phăng đi môi trường sống xanh của người dân, Hà Nội đã và đang có những quyết sách quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát phát triển, phủ xanh TP như: quy hoạch hành lang, vành đai xanh; quản lý nhằm khống chế, ngăn chặn bê tông hóa, hay các kế hoạch nâng cấp – mở rộng công viên, trồng thêm cây xanh đường phố “cho ước mơ TP vườn đến năm 2030”.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, lũy kế kết quả thực hiện từ 2021 đến tháng 4/2022, toàn TP đã trồng được hơn 164.000 cây xanh. Trong năm 2024, toàn TP Hà Nội phấn đấu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20 - 30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng.
Điều đặc biệt, việc phủ xanh TP không chỉ thực hiện ở các tuyến đường, Hà Nội còn triển khai mở rộng không gian xanh, cải thiện môi trường sống cho người dân Thủ đô bằng Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP. Đến nay, sau hơn hai năm thực hiện, TP, các quận đã hoàn thành cải tạo 14 vườn hoa, công viên, trong đó một số địa phương tích cực triển khai, như quận Ba Đình hoàn thành 6/8 vườn hoa; quận Hai Bà Trưng hoàn thành cải tạo 3/4 vườn hoa.
Năm 2024, các quận tiếp tục hoàn thành 16 công viên, vườn hoa và năm 2025 dự kiến hoàn thành 11 công viên, vườn hoa. Việc cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên trên địa bàn sẽ còn tiếp tục sôi động khi các quận, huyện đề xuất cải tạo, xây dựng 111 công viên, vườn hoa ngoài kế hoạch chung của TP.
“Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn Thủ đô đã thực hiện cải tạo, nâng cấp, nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ người dân. Ví dụ như công viên Thống Nhất, sau khoảng gần 1 năm thực hiện cải tạo, nâng cấp, gỡ bỏ hàng rào đã thực sự trở thành không gian cởi mở, thân thiện... Người dân được tự do ra vào, tham gia các hoạt động vui chơi, tập thể dục mà không phải mua vé. Lượng người vào công viên nhiều hơn nhưng vẫn bảo đảm trật tự an ninh và vệ sinh, an toàn. Công viên đã phát huy tối đa công năng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Tôi mong Hà Nội sẽ có thêm nhiều công viên mở như vậy, tạo sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên bền chặt, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô” – PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.