TP.HCM thông tin về giải pháp 'chống lãng phí' với dự án chống ngập 10.000 tỷ
Tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM chiều 7/11, đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư đã thông tin về dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Quang Hưng, Trưởng phòng Hợp tác Công tư, Sở Kế hoạch – Đầu tư, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 là dự án trọng điểm của TP.
Dự án có các mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Đây là dự án BT chống ngập đầu tiên, có quy mô lớn nhất trên địa bàn TP.HCM được áp dụng cơ chế đặc thù theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015.
Theo ông Hưng, việc triển khai dự án BT theo cơ chế đặc thù hiện nay có phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc là do sự thay đổi liên tục về quy định pháp lý nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện của dự án.
Đến nay, mặc dù đã hoàn thành 90% nhưng dự án chưa thể tiến hành thanh toán cho nhà đầu tư vì chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định của pháp luật và quy định của hợp đồng đã ký kết. Kèm theo đó là các điều kiện giải ngân khoản vay, tái cấp vốn cho dự án cũng đã hết hạn.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quan tâm và thành lập riêng một tổ công tác theo Quyết định số 1244 ngày 25/10/2023 để chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án.
Về phía mình, TP.HCM cũng đã chủ động nghiên cứu và nhiều lần đề xuất với Trung ương các phương án để tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn chưa được thống nhất do vẫn còn vướng mắc các quy định về pháp luật hiện hành.
Theo ông Đỗ Quang Hưng, vướng mắc lớn nhất của dự án là việc không thể tiếp tục huy động nguồn vốn dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng để thi công hoàn thành công trình.
Vướng mắc này xuất phát từ việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân, tái cấp vốn.
Thực tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đối với Ngân hàng BIDV là khoảng 3.560 tỷ đồng. Vì vậy, thậm chí ngay cả trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gia hạn thời gian giải ngân khoản vay, tái cấp vốn thì Ngân hàng BIDV cũng không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do chưa đủ điều kiện để UBND TP.HCM thanh toán, mặc dù Thành phố đã chuẩn bị sẵn cả về nguồn vốn cũng như quỹ đất.
Cuối tháng 9/2024, TP.HCM đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc. Cụ thể do tổng mức đầu tư của dự án đã thay đổi và thực tế là trong quá trình triển khai hợp đồng còn một số thiếu sót nên để đảm bảo cơ sở pháp lý thì cần thiết phải làm ngay thủ tục điều chỉnh dự án. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian để Thành phố đàm phán với BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay.
Do đó, TP.HCM đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án. Cụ thể là sẽ thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.
"Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT xong thì dự án cơ bản đã khắc phục được các thiếu sót và có thể thực hiện. Thành phố có thể bắt đầu thực hiện ngay việc thanh toán các quỹ đất cho nhà đầu tư. Và khi thực hiện việc thanh toán này thì đã khơi thông được nguồn vốn và có thể giúp cho nhà đầu tư có thể hoàn thành công trình, giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.", ông Đỗ Quang Hưng cho biết.
Cũng theo ông Đỗ Quang Hưng, trường hợp khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn và điều kiện thanh toán được tháo gỡ, nhà đầu tư cam kết sẽ thi công hoàn thành công trình trong vòng 12 tháng.