TP.HCM: Hơn 81.600 người vi phạm lái xe liên tục quá giờ quy định
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM ghi nhận 81.620 trường hợp người điều khiển phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ).
Rà soát hàng loạt trường hợp vi phạm lái xe liên tục
Báo cáo kết quả thực hiện đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, Sở GTVT TP.HCM cho biết đã có công văn nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến lái xe, thành viên/chủ phương tiện,..., thuộc quản lý của đơn vị chấp hành nghiêm quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ.
Sở GTVT TP cũng đồng thời nhắc nhở về nội quy xử lý, chế tài, quy chế tổ chức hoạt động của đơn vị KDVT; chế tài xử lý vi phạm hành chính liên quan đến thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Chính phủ
Liên quan đến vấn đề này, trong 6 tháng đầu năm 2024, TP.HCM có đến 2.820 phương tiện vận tải đường bộ chưa truyền dữ liệu về hệ thống của cơ quan chức năng. Đối với các trường hợp trên, Sở GTVT TP đã từ chối cấp phù hiệu (biển hiệu).
Bên cạnh đó, 10.032 phù hiệu (biển hiệu) của phương tiện vi phạm về tốc độ qua trích xuất dữ liệu đã bị Sở GTVT TP ban hành quyết định thu hồi. Ngoài ra, Sở GTVT TP còn có văn bản gửi đơn vị KDVT thực hiện rà soát, chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 7.534 phương tiện vi phạm tốc độ.
Đặc biệt, qua rà soát với các đơn vị KDVT tại TP.HCM, có đến 81.620 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ), vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày (quá 10 giờ).
Đối với các trường hợp vi phạm trên, Sở GTVT TP đã yêu cầu Công an TP.HCM xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. “Sở GTVT TP đã có công văn đề nghị Công an TP xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thời gian làm việc của người lái xe ô tô, không thực hiện việc truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình theo quy định" báo cáo của Sở GTVT TP nêu rõ.
Quy định về xử phạt các trường hợp vi phạm lái xe liên tục
Theo quy định tại điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008, thời gian làm việc của tài xế ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Luật này được đề ra nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tham gia giao thông của tài xế.
Lái xe liên tục trong 4 giờ hoặc lâu hơn có thể gây nguy hiểm và bất tiện cho người lái xe và những người tham gia giao thông khác. Khi lái xe trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi, người lái dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, làm giảm sự tỉnh táo và khả năng phản ứng nhanh, từ đó tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Khả năng tập trung cũng suy giảm, dễ dàng bị phân tâm hoặc mất tập trung vào các tình huống trên đường.
Điểm d khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ và bị tước bằng lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với chủ phương tiện giao cho người làm công, cho người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi điều khiển xe quá thời gian quy định. Căn cứ điểm d khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Trong 6 tháng qua, TP đã xử lý tổng cộng 762 trường hợp vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép với tổng số tiền xử phạt là hơn 19 tỉ đồng. Trong đó, có đến 189 trường hợp vi phạm về quá tải cầu, đường bộ, 179 trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải kiểm định xe...