TP.HCM công bố xếp hạng thêm 5 di tích kiến trúc nghệ thuật

Các công trình kiến trúc, địa danh tiêu biểu tại TP.HCM được xếp hạng di tích cấp Thành phố (TP) trong đợt này, gồm: Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở UBND Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, Mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần.

Ngày 22.11, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM phối hợp Hội Di sản Văn hóa TP tổ chức lễ công bố quyết định và trao bảng xếp hạng cho 5 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 19 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11.2005 - 23.11.2024).

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM trao quyết định và trao bảng xếp hạng cho 5 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.

Cụ thể, 5 di tích được công bố xếp hạng di tích cấp TP trong đợt này, gồm: trụ sở Cục Hải Quan TP.HCM (số 2 Hàm Nghi, Bến Nghé, Quận 1), trụ sở UBND quận 1 (45-47 Lê Duẩn, Bến Nghé, Quận 1), Chợ Bến Thành (đường Lê Lợi, Bến Thành, Quận 1), Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (36 Võ Thị Sáu, Tân Định, Quận 1) và mộ cổ của Ông Binh bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ Lang họ Trần (hẻm 113 Trần Văn Đang, Quận 3).

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết 5 di tích được công nhận đều là những công trình xây dựng từ rất sớm, là tài sản văn hóa to lớn trong quá trình phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của Sở, các đơn vị có liên quan, ban quản lý các di tích trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Trong đó, đối với hai di tích Chợ Bến Thành và Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo được UBND TP yêu cầu thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trình chiếu giới thiệu về 5 di tích được công bố xếp hạng di tích cấp TP.

Trình chiếu giới thiệu về 5 di tích được công bố xếp hạng di tích cấp TP.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP có 193 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử Dinh Độc Lập và di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi), 58 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp thành phố.

Việc bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ngày càng được chú trọng và quan tâm nhiều hơn. Điều này thể hiện qua nguồn vốn đầu tư tu bổ di tích bằng nguồn ngân sách nhà nước, nếu giai đoạn từ năm 2020 - 2022 là khoảng 90 tỷ đồng thì giai đoạn năm 2023 - 2024 là khoảng 580 tỷ đồng, tăng hơn 600%. Các di tích đang được tu bổ bằng nguồn ngân sách nhà nước gồm: Tòa án nhân dân Thành phố, Đình Chí Hòa, Chùa Giác Viên, Đình Xóm Huế, Giồng Cá Vồ…

Nguồn vốn xã hội hóa dành cho tu bổ di tích cũng ngày càng mở rộng, nếu giai đoạn 2020 - 2022 đạt khoảng 60 tỷ đồng, năm 2023 - 2024 đạt khoảng 365 tỷ đồng (tăng hơn 300 tỷ đồng). Các di tích đang tu bổ bằng nguồn vốn xã hội hóa gồm: Nhà thờ Đức Bà, Chùa Văn Thánh, Chùa Sắc Tứ Trường Thọ…

Ông Thuận cũng cho biết hiện Sở Văn hóa và Thể thao đang chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy nhanh việc rà soát thủ tục pháp lý, chuẩn bị hồ sơ nhiều công trình, địa điểm để tiếp tục công nhận di tích. Mặt khác Sở cùng Hội Di sản Văn hóa TP khẩn trương lập danh mục để bảo vệ các công trình địa điểm này cũng như sự nguyên bản của các di tích để sau này khi được công nhận thì việc trùng tu, phát huy giá trị di sản thuận lợi hơn. Đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp thẩm quyền xem xét cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa TP.HCM. Triển khai thực hiện các quy trình để lập hồ sơ Địa đạo Củ Chi đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới...

Dịp này Hội Di sản văn hóa TP.HCM, với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, triển khai giải thưởng thường niên vào dịp 23.11. Đây là năm đầu tiên giải thưởng được tổ chức, hướng tới khen thưởng, hỗ trợ, động viên, khuyến khích tài năng trẻ là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó hoàn thành tốt chương trình học tập; hội viên khó khăn, gặp biến cố trong cuộc sống nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hoạt động góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP.HCM.

Cũng tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương cho các cá nhân và tập thể thuộc Hội Di sản Văn hóa TP.HCM có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như ra mắt hai chi hội mới: Chi hội Di sản văn hóa Áo dài và Chi hội Di sản Tinh Văn Diễn Cầm.

Gia đình cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch trao tặng 243 hiện vật quý về Đoàn cải lương Nam bộ cho Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM

Trong khuôn khổ lễ công bố quyết định và trao bảng xếp hạng cho 5 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố, TS. Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM, con gái NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, đã thay mặt gia đình trao tặng 243 hiện vật, là những di vật, di sản ký ức về Đoàn cải lương Nam bộ của cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch đến Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM và Hội Di sản Văn hóa TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Nguyễn Thị Hậu xúc động cho biết: "Ba tôi tham gia cách mạng tại quê nhà An Giang từ ngày Nam bộ Kháng chiến 23.9.1945. Từ đó cho đến ngày ông mất tại TP.HCM (1.10.1985) ông chỉ làm một nghề là đạo diễn sân khấu và luôn gánh vác trách nhiệm quản lý các đoàn nghệ thuật. Cuộc đời của ông gắn bó với các đoàn nghệ thuật ở Nam bộ, từ kháng chiến chống Pháp đến khi tập kết ra Bắc và trở về TP.HCM. Những tài liệu hiện vật mà gia đình tôi trao gửi lại cho Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM phản ánh phần nào cuộc đời hoạt động sân khấu của ông, đặc biệt nhiều tài liệu liên quan đến hai đoàn nghệ thuật Nam bộ trên đất Bắc là Đoàn cải lương Nam bộ và Đoàn kịch nói Nam bộ".

TS. Nguyễn Thị Hậu cho biết theo tài liệu ba của bà để lại, Đoàn Văn công Nam Bộ thành lập ngày 22.11.1954 tại miền Tây. Đây là đơn vị duy nhất, đông đảo nhất tập hợp hầu hết văn nghệ sĩ của “Nam bộ thành đồng”, sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cuối năm 1954, Đoàn Văn công Nam Bộ được lệnh tập kết ra Bắc từ Chắc Băng, Cà Mau. Tại Hà Nội, sau Đại hội Văn công toàn quốc năm 1956, bộ phận Kịch nói và Cải lương tách ra, thành lập Đoàn Kịch nói Nam bộ và Đoàn cải lương Nam bộ. Chính là tiền thân của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Kịch TP.HCM ngày nay.

Những tài liệu, kỷ vật về cuộc đời hoạt động sân khấu của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, cũng là một chặng đường của sân khấu Nam bộ, sân khấu TP.HCM.

"Việc gửi tặng những tài liệu hiện vật này cho Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM và nơi tiếp nhận là Bảo tàng TP.HCM, gia đình tôi cũng như cá nhân tôi là người công tác trong ngành di sản văn hóa, mong muốn được góp phần vào việc Xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật Cải lương Nam bộ và thành lập Viện Nghiên cứu sân khấu Nam bộ (gồm nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn). Hai thiết chế văn hóa này sẽ có đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy một cách khoa học để có thể bảo tồn các giá trị, gìn giữ các loại hình và phát triển bền vững những di sản nghệ thuật quý báu của vùng đất và con người Nam bộ. Đây cũng là ý tưởng mà ba tôi đã bắt đầu thực hiện vào những năm 1980 – 1985", bà Hêu phát biểu.

TS. Nguyễn Thị Hậu bày tỏ mong muốn những tài liệu hiện vật này được bảo quản tốt, sớm được nghiên cứu giá trị và ý nghĩa, để có thể tham gia vào các nội dung trưng bày phù hợp tại Bảo tàng TP.HCM. "Đặc biệt, qua đây gia đình tôi cũng mong muốn thế hệ con cháu của các nghệ sĩ, các gia đình, dòng họ nghệ sĩ tại TP.HCM có thể cùng trao tặng hiện vật, kỷ vật cho Sở Văn hóa - Thể thao, tạo cơ sở cho việc hình thành Bảo tàng nghệ thuật cải lương nói riêng và sân khấu Nam bộ nói chung. Bởi vì càng để lâu sẽ càng thất thoát, mai một... Như vậy cũng không thể lưu giữ được lịch sử của nền nghệ thuật Nam bộ/Sài Gòn – TP.HCM", bà Hậu nói.

Tin, ảnh: Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-cong-bo-xep-hang-them-5-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-46189.html