TP.HCM: Buýt cần làm gì để cải thiện hoạt động mùa ngập lụt, ùn tắc

TP.HCM hiện có khoảng 120 tuyến xe buýt công cộng trong đó có 90 tuyến được trợ giá. Hoạt động của hệ thống xe buýt công cộng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân bởi nhiều vướng mắc chưa được giải quyết trong đó có tình trạng ùn tắc do triều cường, mưa ngập.

Liên quan vấn đề hoạt động của hệ thống xe buýt công cộng, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức - Trường Đại học Việt Đức.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

PV: Ông nhận định như thế nào về tình hình hoạt động của mạng lưới xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Hệ thống xe buýt tại TP.HCM chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hạ tầng giao thông cũng như là lượng phương tiện giao thông trên đường. Chúng ta biết là TPHCM có lượng phương tiện rất lớn, ùn tắc giao thông xảy ra ngày càng trầm trọng hơn, đặc biệt là khi có mưa lớn và có triều cường dâng cao gây ngập đường.

Có những vụ ùn tắc giao thông do mưa lớn và ngập đường dâng cao dẫn đến hàng chờ xe dài 5 - 6 cây số và người dân phải đứng chờ ngoài đường 3 - 4 tiếng, thậm chí 5 tiếng đồng hồ mới về đến nhà. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của xe buýt và theo quy định hiện nay các đơn vị vận tải xe buýt phải tuân thủ lộ trình, luồng tuyến đặt ra, kể cả khi có ùn tắc thì cũng không thể tự động điều chỉnh luồng tuyến của mình được.

Theo quy định buộc phải điều 2 - 3 xe vào vị trí bị ùn tắc để có cơ sở báo cáo lại Trung tâm quản lý giao thông công cộng, sau đó Trung tâm mới tập hợp thông tin rồi ra quyết định như cho phép điều chỉnh lộ trình để tránh điểm mà ùn tắc.

PV: Sự bất cập như vậy không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động chung của xe buýt mà còn khiến cho người dân cảm thấy bức bối hơn. Vậy thì bài toán nào hay là lời giải nào là phù hợp để chúng ta có thể điều phối các hoạt động của xe buýt, đặc biệt là trong các hoàn cảnh như là kẹt xe hay là mưa lớn?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Để giải quyết thực trạng này, thực ra chúng ta có cơ hội, đó là dữ liệu hành trình của xe buýt và các phương tiện cơ giới thương mại khác.

Theo quy định của Bộ GTVT, tất cả phương tiện xe buýt và phương tiện cơ giới thương mại đều phải lắp GPS, thiết bị hành trình và truyền trực tuyến dữ liệu này về trung tâm lưu trữ dữ liệu. Bằng hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống máy tính siêu tốc độ thì chúng ta có thể xử lý ngay những dữ liệu này để dự báo sớm những điểm ùn tắc giao thông có thể xảy ra, thậm chí là dự báo được cả mức độ ùn tắc giao thông có thể xảy ra trước 15 phút, trước nửa tiếng, trước một tiếng.

Với thời gian như vậy, cơ quan quản lý giao thông công cộng có thể đủ thời gian để lên phương án điều chỉnh luồng tuyến, thông báo cho các đơn vị vận tải dưới sự hướng dẫn của Trung tâm.

Không chỉ vậy, sự thay đổi thông tin này sẽ được truyền tới người dân thông qua VOV Giao thông, các phương tiện đại chúng khác, thông qua trang web, rồi thông qua App về tìm đường hay App về Bus của TP.HCM.

Từ đó, hành khách cũng sẽ biết tình trạng giao thông và xe buýt khi nào tới rồi phải điều chỉnh như thế nào để tránh phiền toái do ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong điều kiện mưa ngập đô thị.

Đường Kha Vạn Cân ở TP. Thủ Đức ngập nặng sau cơn mưa lớn, kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. (Ảnh: N.D)

Đường Kha Vạn Cân ở TP. Thủ Đức ngập nặng sau cơn mưa lớn, kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. (Ảnh: N.D)

PV: Chúng ta có thể nhìn thấy được các hình ảnh, các tiên đoán qua ứng dụng, qua bản đồ số. Tuy nhiên, để các cơ quan quản lý nhà nước có thể cụ thể hóa một cái quyết định nó bằng một cơ sở pháp lý thì nó cũng sẽ cần nhiều thời gian hơn. Theo ông, các bên liên quan cần phải thúc đẩy quá trình này như thế nào?

PGS. TS Vũ Anh Tuấn: Đúng như thế. Hiện nay, các đơn vị vận tải ký hợp đồng với Trung tâm giao thông công cộng để thực hiện các chuyến xe theo một cái lộ trình, theo một cái khung thời gian cố định, mọi sự điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng. Do vậy, để giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin này đi vào được cuộc sống thì phải có cái sự thay đổi trong các quy định quản lý và đặc biệt là quy định liên quan đến hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải xe buýt.

Việc này thực chất không khó, chỉ cần Sở GTVT đánh giá được lợi ích của việc triển khai công cụ số trong quản lý, điều tiết hoạt động xe buýt, ứng phó với các sự cố giao thông và đề xuất lên UBND Thành phố có thể cho phép Trung tâm giao thông công đại diện cho Sở GTVT có thể cập nhật những sự điều chỉnh này vào trong việc thanh toán hàng tháng đối với các doanh nghiệp.

Mọi thông tin, mọi sự thay đổi đều được lưu trữ dưới dạng số, nếu cần thiết thì dưới dạng giấy, đó chính là cơ sở pháp lý để cho phép sự điều chỉnh diễn ra mà không ảnh hưởng gì đến hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp và trung tâm giao thông công cộng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huy Hoàng/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tphcm-buyt-can-lam-gi-de-cai-thien-hoat-dong-mua-ngap-lut-un-tac-post1095426.vov