Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị
Chiều nay 12/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng và các phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong 10 năm qua, MTTQ tỉnh tiến hành giám sát 1 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản về việc giám sát thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về dân chủ ở xã, phường, thị trấn tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Cấp huyện tiến hành 395 cuộc giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản về việc thực hiện và quản lý, sử dụng quỹ “Vì người nghèo”; thực hiện chính sách cho hộ nghèo, đối tượng chính sách. Giám sát các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.
Các cuộc giám sát tổ chức bằng đoàn giám sát do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì được thực hiện đúng quy định. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 2.273 đoàn giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, từng địa phương được Nhân dân quan tâm. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ yếu thực hiện công tác giám sát thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
Trong công tác tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát 17 nội dung; phối hợp với Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh giám sát hơn 177 đợt về việc thực hiện các nghị quyết của HĐND trên các lĩnh vực. Phối hợp với Viện KSND tỉnh kiểm tra, giám sát 20 đợt tại 69 nhà tạm giữ, tạm giam theo chức năng, nhiệm vụ và quy chế phối hợp. Ở cấp huyện, MTTQ Việt Nam phối hợp với các ban HĐND, viện kiểm sát nhân dân, các đoàn thể chính trị- xã hội cùng cấp giám sát 626 cuộc trên các lĩnh vực.
Về việc thực hiện các hình thức phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị phản biện. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng tổ chức phản biện xã hội nhiều văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình. Ở địa phương, MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức 618 hội nghị phản biện.
Đối với công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia vào dự thảo Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp góp ý định kỳ, thường xuyên, đột xuất hàng nghìn lượt ý kiến đối với tổ chức đảng. Hoạt động tham gia xây dựng chính quyền được MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thông qua việc góp ý vào các dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật, đề án chương trình, kế hoạch từ trung ương đến địa phương. Tham gia vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026.
Qua đánh giá, trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 217, 218, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận về kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân. Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội. Công tác tham gia, phối hợp giám sát, phản biện xã hội. Thực trạng hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng tiếp thu những ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của MTTQ Việt Nam, cử tri và Nhân dân.
Đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo hướng lựa chọn nội dung giám sát "ít nhưng chất”. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng, các chuyên gia trong các lĩnh vực trong việc tham gia các hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền một cách hiệu quả.