Tôn vinh những đóng góp cho thơ ca của nhạc sĩ Văn Cao

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 – 15/11/2023), sáng 14/11, tại Hà Nội, Ban Văn học nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo và ra mắt sách 'Văn Cao mùa chữ, mùa người' (NXB Hội Nhà văn).

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Trần Nhật Minh - Trưởng Ban VOV6 nhấn mạnh, sinh thời, Văn Cao được ví như thiên tài nắm giữ “ba con ngựa ô”: Thi ca, âm nhạc và hội họa. Thế nhưng, công chúng chưa nhiều người thực sự biết đến con ngựa ô “thi ca” Văn Cao.

“Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Ban VOV6 cho tổ chức tọa đàm và ra mắt cuốn sách “Văn Cao mùa chữ, mùa người”. Đây là được xem là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên về thơ Văn Cao. Cuốn sách giúp công chúng có cái nhìn đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn về sự cống hiến, đóng góp của Văn Cao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc” - Trưởng Ban VOV6 nhấn mạnh.

Nhà báo Trần Nhật Minh (bìa phải), Trưởng Ban VOV6 phát biểu đề dẫn hội thảo.

Tại hội thảo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định, trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình, nhà thơ Văn Cao chỉ để lại một trường ca và một tập thơ khoảng 100 trang in, nhưng giá trị nghệ thuật thi ca là đặc biệt và còn mãi với thời gian. “Những người trên cửa biển” có thể coi là tập trường ca viết theo thể thơ tự do đầu tiên của văn học cách mạng, kháng chiến với những khúc thức mẫu mực đặc trưng của thể loại này.

Nhà văn Thiên Sơn cho rằng, nhìn lại sự nghiệp thơ Văn Cao sẽ khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên, khi chỉ trong hơn 10 năm kể từ khi có tác phẩm thơ đầu tiên, từ một nhà lãng mạn cuối mùa, ông đã làm một hành trình dài lao thẳng vào hiện đại như một cách chim xuyên qua bão táp của những thành kiến trong thời đại mình để trở thành một nhà tiên phong, mở ra một cánh cửa mới cho thơ hiện đại Việt.

“Từ thời điểm sáng tác trường ca “Những người trên cửa biển” năm 1956 về trước, thơ ông cảm xúc sôi trào, ý tứ sắc sảo, câu thơ hoạt, hình tượng thơ gây nhiều ám ảnh. Sau thời điểm này, Văn Cao chuyển dần sang ẩn du, tượng trưng với những hình ảnh biểu tượng hết sức sâu sắc và những suy từ mang nhiều cay đắng”, nhà văn Thiên Sơn nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, nhiều người từng có thời gian gắn bó với nhạc sĩ Văn Cao đã chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm, qua đó khắc họa một người nhạc sĩ lớn luôn cháy bỏng với niềm đam mê nghệ thuật, luôn khiêm nhường, giản dị.

Quang cảnh hội thảo sáng nay.

Xúc động khi nhận được tình cảm, sự yêu mến của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật, họa sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao khẳng định: “Viết về Văn Cao đã có hàng trăm, hàng nghìn người viết, cả những người có chuyên môn và không có chuyên môn, qua đó thấy được tấm lòng của mọi người dành cho cha tôi rất sâu đậm. Ông chọn giữa nghệ thuật phục vụ cách mạng và nghệ thuật của riêng ông nhưng không phải lúc nào cũng hòa quyện với nhau. Ông đến với cách mạng, tin vào cách mạng bằng “Tiến quân ca” bất hủ”.

Dưới góc nhìn của người con trai, họa sĩ Văn Thao không bàn về tác phẩm của cha mà ông khẳng định, nhân cách của Văn Cao nằm ngay trong các tác phẩm của mình. Đi đâu ông cũng thấy mọi người nhắc đến cha với tình cảm và sự yêu mến. “Sáng tác của cha tôi đã lan tỏa đến đời sống, nhân cách của ông được nhiều người nhắc đến, nhớ đến, dẫu cha tôi đã về với “thế giới người hiền” gần 30 năm qua”, họa sĩ Văn Thao xúc động bày tỏ.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ton-vinh-nhung-dong-gop-cho-tho-ca-cua-nhac-si-van-cao-post272401.html