Tổn thất với hạm đội tàu phá băng hạt nhân Nga sau vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải
Con tàu Nga bị chìm ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha được cho là đang chở thiết bị cho tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của Moskva.
Tàu chở hàng Ursa Major bị chìm hôm 23/12, do một vụ nổ xảy ra trong phòng động cơ trong lúc tàu đang ở vùng biển quốc tế giữa Tây Ban Nha và Algeria. 14 trong số 16 thành viên thủy thủ đoàn được cứu và đưa đến một cảng ở Cartagena, trong khi hai người vẫn mất tích.
Theo thông cáo báo chí từ Oboronlogistics, công ty vận tải và hậu cần của Nga sở hữu Ursa Major, con tàu trên chở theo hai cần cẩu 380 tấn, cũng như các cửa sập lò phản ứng 45 tấn – loại hàng hóa mà công ty cho biết là cần thiết để đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới.
Thân tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Nga, Rossiya, hiện đang được đóng tại xưởng đóng tàu Bolshoy Kamen ở Vladivostok, điểm đến của Ursa Major trước khi bị chìm.
"Tàu phá băng mạnh nhất thế giới" bị ảnh hưởng
Việc giao hàng bị gián đoạn đe dọa sẽ làm chậm thêm tiến độ đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Dự án 10510, dự kiến sẽ hỗ trợ vận chuyển khí đốt hóa lỏng (LNG) trên Tuyến đường biển phía Bắc của Nga.
Tàu Rossiya từng được Phó Thủ tướng thứ nhất Denis Manturov mô tả là "tàu phá băng mạnh nhất thế giới" và "là tàu duy nhất loại này".
Con tàu ban đầu được lên kế hoạch giao vào năm 2027 theo hợp đồng từ năm 2020, nhưng tờ Kommersant đưa tin vào tháng 5 rằng mốc thời gian đã được đẩy lùi đến năm 2030 do một số chậm trễ và chi phí xây dựng tăng cao.
Tờ báo trực tuyến của Na Uy, The Barents Observer, cho biết Nga cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính và vật tư trong nước liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trước đó, người ta cho rằng tàu Ursa Major đang vận chuyển vũ khí từ căn cứ hải quân Tartus ở Syria như một biện pháp phòng ngừa sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, nhưng thông tin này không được xác nhận.
Nguyên nhân gây ra vụ nổ khiến tàu bị chìm vẫn chưa có căn cứ rõ ràng, mặc dù chủ tàu tuyên bố rằng Ursa Major là nạn nhân của một "cuộc tấn công khủng bố" mà không nêu rõ thủ phạm hoặc động cơ.
Nhà phân tích tình báo nguồn mở Oliver Alexander đã đánh giá trên mạng X rằng: "Việc mất hoàn toàn hai cần cẩu và cửa sập tàu phá băng là một đòn giáng mạnh vào các hoạt động của Nga tại Vladivostok".
Xem video tàu Ursa Major bị đắm trên biển Địa Trung Hải hôm 23/12 - Nguồn: Reuters
Tranh cãi quanh nỗ lực cứu hộ
Công ty Oboronlogistics đưa ra một báo cáo tuyên bố rằng một tàu Na Uy hoạt động gần hiện trường đắm tàu Nga là Oslo Carrier 3 "đã từ chối tiếp nhận các thành viên phi hành đoàn của Ursa Major", và rằng điều này cấu thành "vi phạm nghiêm trọng Điều 10 của Công ước quốc tế về cứu hộ năm 1989".
Bình luận về sự việc này, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram: "Tàu Oslo Carrier 3 treo cờ Na Uy đã từ chối tiếp nhận các thủy thủ Nga từ Ursa Major đang chết đuối ở Biển Địa Trung Hải. Bạn còn cần giải thích thêm nữa không? Điều này không thể tha thứ được!"
Tuy nhiên, Bulkship Management AS, công ty Na Uy điều hành Oslo Carrier ba, đã giải thích trước các cáo buộc trên rằng: "Hoạt động cứu hộ được xử lý bởi Trung tâm điều phối cứu hộ hàng hải (MRCC) tại Cartagena - đơn vị chịu trách nhiệm cho các hoạt động như vậy trong khu vực đó. MRCC đã ra lệnh cho thuyền trưởng không được đưa thủy thủ từ tàu gặp nạn lên tàu vì thuyền cứu hộ của họ đang trên đường đến hiện trường. Trong khi đó, xuồng cứu sinh [chở các thủy thủ] đã được neo chặt bên cạnh tàu của chúng tôi cho đến khi thuyền cứu hộ đến. Thời tiết tốt, không có thành viên nào trên thuyền cứu sinh bị thương và không rủi ro tiềm tàng nào với họ."
Theo báo cáo chính thức của Oboronlogistics về vụ việc, các thành viên thủy thủ đoàn được hai tàu Tây Ban Nha cứu đã được bố trí ở tại một khách sạn địa phương ở Cartagena trên bờ biển Địa Trung Hải.
Trong khi đó, Ủy ban điều tra của Nga đã mở một cuộc điều tra về vụ việc và khả năng "vi phạm quy định an ninh" của ngành vận tải biển.