Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội: Đề xuất nâng khung hình phạt tiền

Dự thảo đã quy định khung hình phạt tiền cao hơn đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, so với BLHS 2015.

Điều 216 dự thảo BLHS sửa đổi về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) đã được quy định mới hơn so với BLHS 2015.

Cụ thể, khoản 1 Điều 216 dự thảo quy định, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 100-400 triệu đồng (quy định hiện hành 50-200 triệu đồng), phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

- Trốn đóng bảo hiểm từ 100 triệu đồng đến dưới 600 triệu đồng (quy định hiện hành 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng).

- Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

 Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM liên hệ làm việc liên quan đến BHXH. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM liên hệ làm việc liên quan đến BHXH. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại Khoản 2 Điều 216 dự thảo, người phạm tội bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 600 triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng (quy định hiện hành 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng); trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động.

Tại Khoản 3 Điều này, người phạm tội bị phạt tiền 1-2 tỉ đồng (quy định hiện hành từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng) hoặc bị phạt tù 2-7 năm nếu thuộc một các trường hợp sau: Trốn đóng bảo hiểm 2 tỉ đồng trở lên (quy định hiện hành 1 tỉ đồng); trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 200 triệu đồng (quy định hiện hành từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng).

Đối với pháp nhân thương mại, dự thảo để đề xuất mức phạt tiền gấp đôi quy định hiện hành, cụ thể:

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 thì bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 2 tỉ đồng; phạm tội tại khoản 2 thì bị phạt tiền 1-2 tỉ đồng và phạm tội tại khoản 3 thì bị phạt tiền 2-6 tỉ đồng.

Hiện nay, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được xử lý hình sự theo Điều 216 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. (Xem chi tiết Điều 216)

Ngoài ra, theo Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Người sử dụng lao động có thể bị xử phạt hành chính 50-75 triệu đồng theo điểm a Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/2022; mức phạt tiền đối với doanh nghiệp sẽ gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là 100-150 triệu đồng.

Tuy nhiên, Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã quy định cụ thể hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại. Tại Điều 41 Luật này đã quy định rõ về biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài việc bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng, Khoản 2 Điều này quy định rõ xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/toi-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-de-xuat-nang-khung-hinh-phat-tien-post844194.html