Tỏa Tình - vựa cà phê trên đỉnh đèo Pha Đin

Với sự kiên trì, nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, người Mông ở xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã dần thoát khỏi đói nghèo, đời sống kinh tế được nâng lên. Giờ đây, xã Tỏa Tình trở thành vựa trồng cà phê lớn nhất của tỉnh Điện Biên, nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

 Hội LHPN xã Tỏa Tình phối hợp tổ chức cuộc thi làm cỏ và hái cà phê, thu hút người dân tham gia

Hội LHPN xã Tỏa Tình phối hợp tổ chức cuộc thi làm cỏ và hái cà phê, thu hút người dân tham gia

Từ vùng đất nghèo thành vựa cà phê

Khi hoa mận, hoa mơ nở trắng sườn núi, bà con người Mông ở xã Tỏa Tình lại chuẩn bị cho một vụ cà phê mới. Sau Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương đã phát động ra quân chăm sóc, cắt tỉa cành cà phê và được hàng trăm người dân hưởng ứng. Trong vườn ươm, trên các sườn đồi là những phụ nữ người Mông đang chăm sóc cho vườn cà phê.

"Năm ngoái cà phê được giá, người dân rất phấn khởi. Năm nay, Tết vừa qua, người dân đã lập tức bước vào lao động sản xuất", ông Trần Mạnh Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình, chia sẻ.

Xã Tỏa Tình có 591 hộ dân, trong đó người Mông chiếm 99,2%. "Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt bởi núi cao, vực sâu, đất cằn cỗi, bạc màu, gây khó cho việc phát triển nông-lâm nghiệp tập trung. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực đầu tư.

Người dân sinh sống không tập trung, trình độ nhận thức không đồng đều. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún nhỏ lẻ, chậm ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật", ông Trần Mạnh Thắng cho biết.

Tuy nhiên, ông Thắng tin rằng, sự đoàn kết, đồng thuận của người dân, cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo sẽ là tiền đề để thay đổi vùng đất nghèo khó Tỏa Tình.

Cũng như nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, xã Tỏa Tình từng trải qua một thời kỳ dài chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Việc trồng cây gì, nuôi con gì, làm thế nào để thay đổi tập tục của người Mông nơi đây là bài toán khó.

Sau khi đã tham khảo nhiều loại cây, con giống, chính quyền địa phương đã mạnh dạn đưa cây cà phê về trồng và thành công ngoài mong đợi. Từ một vài hộ dân, đến nay là toàn xã, cây cà phê đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân nơi đây. Đi qua các bản: Hua Sa A, Hua Sa B, Háng Tầu, Chế Á, Sông Ia là những nương cà phê xanh mướt.

Chúng tôi đến thăm vườn cà phê của gia đình bà Lầu Thị Sia, ở bản Hua Sa A. Hôm chúng tôi đến thăm, bà Sia đang thuê người lao động đến làm vườn cho gia đình. Năm 2024, cà phê được giá nên bà Sia vui lắm. Bà Sia trồng được 2ha cà phê, mỗi năm thu được khoảng 20 tấn.

Sau khi trừ chi phí, gia đình bà Sia thu được 400 triệu đồng. Sống ở đất núi, bao năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", chưa năm nào bà được cầm số tiền nhiều đến vậy.

"Ngày đầu trồng cà phê, tôi lo lắm, không biết khi thu hoạch, có ai mua không. Không ngờ mấy năm nay, giá cà phê liên tục tăng, gia đình tôi vui lắm. Cứ đến vụ thu hoạch, ô tô vào tận vườn để mua", bà Sia chia sẻ.

Chung niềm vui với bà Sia là cả trăm hộ dân trồng cà phê ở xã Tỏa Tình. Năm 2024, sản lượng cà phê giảm nhẹ nhưng bù lại, giá cà phê lại tăng cao kỷ lục. Gia đình ông Vừ Gà Nếnh, ở bản Hua Sa B, trồng 2ha cà phê.

Cây cà phê đã cho thu hoạch được 3 năm. Nhờ có cây cà phê mà cuộc sống gia đình ông đã sang trang mới. Mỗi năm, cây cà phê mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng cho gia đình ông. Nhờ nguồn thu nhập từ vườn cà phê, con cái của ông được học hành, gia đình ông còn xây được nhà mới.

Phấn đấu về đích Nông thôn mới trong năm nay

Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình Trần Mạnh Thắng chia sẻ, xã Tỏa Tình đã xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu để giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo.

Kinh tế gia đình bà Lầu Thị Sia được nâng lên nhờ trồng cà phê

Kinh tế gia đình bà Lầu Thị Sia được nâng lên nhờ trồng cà phê

Cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từng bước thay thế cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây lâu năm, phù hợp với địa bàn, khí hậu, thổ nhưỡng, cho thu nhập ổn định.

Xã cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung ở những địa bàn có lợi thế, trên địa bàn xã đã hình thành trang trại lợn; chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt, chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, xã còn thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch, hình thành vườn cà phê hữu cơ, vườn cà phê đầu dòng để chủ động cung ứng giống cho người dân trong và ngoài xã. Hiện nơi đây có Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc.

Cùng với một số nông sản khác, dưa mèo là sản phẩm chủ lực được Hợp tác xã lựa chọn. Năm 2021, dưa mèo của Hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo chị Hạng Thị Manh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc, đơn vị này đang sở hữu vùng trồng dưa mèo rộng hơn 6ha và 3ha liên kết với người dân.

"Phát huy lợi thế về tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan, không gian, bảo vệ môi trường sinh thái; huy động sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị;

lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ với nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển du lịch, xã đang xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Lồng, gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái khu vực đèo Pha Đin. Chúng tôi kỳ vọng, du lịch sinh thái sẽ là hướng đi đúng, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương", ông Thắng nói.

Cũng theo ông Trần Mạnh Thắng, hiện diện tích cây lương thực trên toàn xã là 551,64ha, tổng sản lượng đạt 1.732,9 tấn; trong đó diện tích ngô là 420ha, năng suất 3 tấn/ha, tổng sản lượng 1.260 tấn; diện tích lúa mùa là 91,44ha, năng suất 4,6 tấn/ha, tổng sản lượng 420,6 tấn; diện tích lúa nương là 40,02ha, năng suất 1,3 tấn/ha, tổng sản lượng 52,3 tấn.

"Cà phê mới là cây chủ lực, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Nhờ trồng cà phê, không ít hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Thậm chí có hộ đạt 700-800 triệu đồng/năm, một con số mà trước đây không ai dám nghĩ tới", ông Thắng cho biết thêm.

Trên địa bàn xã, diện tích cây cà phê đạt 729,09ha, tăng 519,09ha so với năm 2020, trong đó có hơn 430ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 9 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng 3.870 tấn, tăng so với năm 2020 là 2.470 tấn.

Bên cạnh đó, cây mắc ca với diện tích 188,5ha, đang sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích cây táo mèo là 84ha, cho sản lượng khoảng 4 tấn/ha, tổng sản lượng 336 tấn/năm. Cây dưa mèo có diện tích 17ha, cho thu nhập ổn định. Xã Tỏa Tình cũng đang đưa vào trông hàng chục hecta cây lê, trong đó gần 30ha đã bắt đầu cho thu hoạch.

Mặc dù có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế nhưng số hộ nghèo ở Tỏa Tình vẫn còn nhiều. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu/năm và chính quyền xã hy vọng sẽ về đích Nông thôn mới trong năm nay.

"Để hướng tới mục tiêu đó, chính quyền xã đã đưa ra những phương hướng cụ thể. Đó là từng bước phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, thực hiện tốt 2 khâu đột phá về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển cây mắc ca, cà phê, cây ăn quả và phát triển du lịch cộng đồng; hình thành mô hình chăn nuôi tập trung; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất", ông Trần Mạnh Thắng nói.

Thu Ngân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/toa-tinh-vua-ca-phe-tren-dinh-deo-pha-din-20250325100150078.htm