Tổ chức đối thoại định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ chín

Đối thoại định kỳ về an toàn, vệ sinh lao động đã diễn ra 9 lần, từ năm 2017 đến nay. Chương trình năm 2025 nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Quang cảnh đối thoại. (Ảnh Moha)

Quang cảnh đối thoại. (Ảnh Moha)

Chiều 26/4, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động tổ chức Đối thoại định kỳ năm 2025 với người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động.

Chương trình nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Phát biểu khai mạc phiên đối thoại, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, sau 8 lần tổ chức đối thoại từ năm 2017 đến năm 2024, ở cấp quốc gia nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung. Sau đối thoại năm 2024, các thành viên Hội đồng tích cực tư vấn cho Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Sau 8 lần tổ chức đối thoại từ năm 2017 đến năm 2024, ở cấp quốc gia nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung.

Theo ông Vũ Trọng Bình, đến nay, Ban Thư ký Hội đồng cũng đã nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất từ các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp. Để buổi đối thoại đạt kết quả tốt, ông Vũ Trọng Bình đề nghị cơ quan thành viên Hội đồng thông báo kết quả giải quyết, kiến nghị sau Phiên đối thoại năm 2024; tiếp tục đối thoại các vấn đề liên quan đến các chính sách mới ban hành, đặc biệt tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người lao động; đề nghị các ý kiến đi thẳng vào vấn đề cần đối thoại ngay tại buổi đối thoại.

Báo cáo những công việc đã triển khai sau cuộc đối thoại năm 2024, ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, tại cuộc đối thoại năm 2024, có 104 ý kiến gửi đến Hội đồng và 23 ý kiến gửi trực tiếp đã được trao đổi, giải đáp. Đây là những ý kiến liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Nội vụ tham mưu xây dựng trình kế hoạch triển khai Chỉ thị 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Cùng với đó, rà soát tổng thể các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường triệt để việc phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Bộ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 143/NĐ-CP ngày 1/11/2024 của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; trình Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, trong đó có một số nội dung sửa đổi về đối tượng, nội dung Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Cơ quan này phối hợp Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong lĩnh vực Công an nhân dân.

Đồng thời, xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn quốc gia đối với Hệ thống lạnh, quy trình kiểm định đối với tàu lượn cao tốc, quy chuẩn quốc gia đối với nhóm phương tiện bảo vệ cá nhân…

Về công tác chỉ đạo, điều hành, Bộ Nội vụ đã tổ chức Đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành nắm bắt việc triển khai thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động và tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) tại Công ty than Thống Nhất, Công ty than Dương Huy, Công ty tuyển than Cửa Ông và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) thuộc lĩnh vực công thương và Công ty Cổ phần xây dựng CDC và Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holding trong lĩnh vực xây dựng.

Đồng thời, phối hợp liên ngành công thương, Công an, phòng cháy, chữa cháy kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại một số đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam theo đề nghị của Tập đoàn, Tổng Công ty…

Các thành viên khác thuộc Hội đồng như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã thực hiện các công việc để tiếp tục giúp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người lao động.

Tại Phiên đối thoại năm 2025, Hội đồng đã trao đổi, đối thoại với các địa phương, doanh nghiệp về các nhóm ý kiến, vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động; quản lý công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; chế độ, chính sách an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; nhóm ý kiến liên quan đến Bộ Công thương, Bộ Xây dựng.

Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại hôm nay sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tới các thành viên Hội đồng quốc gia. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia trong phiên họp thường kỳ sắp tới.

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ, tương đương 12,1%) làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người bị nạn), trong đó có 675 vụ tai nạn chết người, làm 727 người chết (tăng 28 người).

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản là hơn 42.500 tỷ đồng (thiệt hại tài sản 492 tỷ đồng) và gần 155 nghìn ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.

Các ngành có nhiều tai nạn là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim.

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025 diễn ra từ ngày 1 đến 31/5, với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Tháng hành động này nhấn mạnh cam kết của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của người lao động, tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/to-chuc-doi-thoai-dinh-ky-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-lan-thu-chin-post875437.html