Tình người trong cơn lũ

Mưa tạnh, nước lũ đã rút, những hộ dân ở huyện Bù Đăng bị thiệt hại do hoàn lưu của cơn bão số 3 gây ra, dọn dẹp, sửa chữa nhà ở, khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Bên cạnh ghi nhận công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kịp thời của cấp ủy, chính quyền tỉnh và huyện Bù Đăng, người dân trong huyện còn bày tỏ sự khâm phục, dành tình cảm đặc biệt đối với những người trực tiếp tham gia quá trình cứu người gặp nạn trong dòng nước lớn xảy ra ngày 7-8, tại xã Đoàn Kết. Câu chuyện đầy tính nhân văn về lòng quả cảm, tình thương người... sẽ tiếp tục lan rộng trong cuộc sống.

>> “Nước mắt”... Sơn Lang
>> Lãnh đạo tỉnh kiểm tra khắc phục thiên tai tại huyện Bù Đăng
>> [Video] Lãnh đạo tỉnh kiểm tra khắc phục thiên tai tại Bù Đăng
>> Hơn 7,5 tỷ đồng thiệt hại do mưa lũ
>> Phóng sự ảnh: Tình người trong mưa lũ

Quyết không buông tay

Anh Trần Văn Sơn (SN 1972, quê tỉnh Đồng Tháp) cùng gia đình lên huyện Bù Đăng làm thuê đã 4 năm. Lần đầu tiên trong đời anh phải đối mặt với trận lũ nguy hiểm, kinh hoàng xảy ra sáng 7-8-2019 tại thôn 1, xã Đoàn Kết, nơi anh đang làm thuê. Kể lại diễn biến của việc sang cứu người hàng xóm, anh Sơn vẫn vẹn nguyên cảm xúc vui mừng vì sự cố gắng của anh góp phần đảm bảo an toàn cho cụ già 81 tuổi, mắt mờ, chân chậm.

Từ phải qua: Thiếu tá Cao Ích Hiền, anh Lê Thái Nguyên, cụ Lâm Thanh Tâm, anh Nguyễn Văn Quắn và anh Trần Văn Sơn kể về cơn lũ xảy ra ngày 7-8 vừa qua tại xã Đoàn Kết (Bù Đăng)

Anh Sơn cho biết, khoảng 7 giờ sáng 7-8, trời tiếp tục mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nước từ phía thượng nguồn đổ về ầm ầm. Anh Sơn chạy ra khỏi chòi quan sát và phát hiện nước đã dâng cao. Từ xa, nhiều người dân la hét thông báo có lũ lớn đổ về và trong chòi bên cạnh còn cụ Lâm Thanh Tâm (81 tuổi). Nước dâng cao quá nhanh khiến anh Sơn chỉ kịp suy nghĩ là phải sang cứu cụ Tâm di dời an toàn. Từ chòi của anh Sơn sang chòi cụ Tâm ở chỉ cách con suối nhỏ, nhưng vừa sang đến nơi thì nước đã ngập tới nền nhà. Anh Sơn nhanh tay cột 1 can nhựa 30 lít (dùng đựng nước uống hằng ngày) vào lưng cụ Tâm rồi dìu cụ lên ụ mối cao hơn. Nước tiếp tục dâng cao và chảy xiết khiến cả hai phải leo lên ngọn cây điều cao, to trú ẩn. Chỉ trong ít phút, cả một vùng rộng lớn đã bị chìm trong biển nước. “Dòng nước mỗi lúc một hung dữ kèm theo rất nhiều cây, củi từ phía thượng nguồn đổ về. Nếu sơ sẩy trượt chân chắc chắn sẽ bị nước cuốn trôi. Giữ được an toàn cho bản thân mình đã khó, nhưng tôi quyết tâm bảo vệ, giúp đỡ cụ Tâm với suy nghĩ tính mạng và sự sống con người là trên hết. Tôi luôn giữ chặt, tuyệt đối không dám buông tay cụ, động viên cụ yên tâm, giữ vững tinh thần chờ nước rút và mọi người đến cứu giúp” - anh Sơn kể.

Cứu nạn thành công

Do trời mưa nên anh Nguyễn Văn Quắn (1980) ở nhà chơi cờ với mấy cụ già trong thôn 1. Khi nghe bà con kêu lũ về nguy hiểm, có người đang mắc kẹt trong rẫy cần cứu gấp, anh Quắn tức tốc chạy tới. Thật không may, nước lũ quá lớn khiến anh vừa ra khỏi bờ đã bị cuốn trôi khoảng hơn 100m, rồi dạt vào bụi tre. Thời điểm này, Thiếu tá Cao Ích Hiền (1983), Ban tham mưu Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 đang nghỉ phép tại tổ dân phố Đức Hòa, thị trấn Đức Phong. Khi nghe một người hàng xóm thông báo có người nhà bị kẹt trong rẫy cần được cứu giúp, anh Hiền quơ vội chiếc can nhựa (mục đích làm phao) cùng người hàng xóm khẩn trương vào vùng lũ. Xin ý kiến và được chỉ huy đội cứu nạn đồng ý, anh Hiền mặc vội áo phao và mang thêm bên mình vài chiếc nữa cho 2 người đang gặp nguy hiểm. Nhưng một lần nữa, dòng nước hung dữ, chảy xiết tiếp tục cuốn anh Hiền trôi về phía bụi tre giống như anh Quắn. Dù không tiếp cận và trực tiếp cứu được người gặp nạn nhưng tinh thần và tình người của anh Hiền, anh Quắn vẫn xứng đáng được biểu dương.

Cụ Lâm Thanh Tâm (thứ 3 từ phải qua) kể về giờ phút nguy hiểm trong cơn lũ và được những người hùng cứu giúp

Qua nhiều giờ cầm cự, cố đứng vững trên ngọn cây liên tục bị ngả nghiêng theo dòng nước, anh Sơn và cụ Tâm đã kiệt sức vì đói, lạnh và quá mệt. Nêu gương dũng cảm của anh Hiền và anh Quắn, ngay lập tức, anh Lê Thái Nguyên (1984), ngụ thôn 1, xã Đoàn Kết tiếp tục xung phong tới cứu cụ Tâm, anh Sơn. Anh Nguyên cẩn trọng bám vào các ngọn cây, khôn khéo bơi lựa tránh dòng nước xiết, dù vô cùng khó khăn nhưng cuối cùng anh Nguyên cũng tới gần và ném được 7 áo phao cho 2 người. Ngay sau đó, anh Nguyên bị nước cuốn trôi khoảng 200m nhưng cố gắng bơi vào bờ an toàn.

Mọi người đều mừng rỡ khi tất cả đều an toàn, không bị thiệt hại về người. Ngày 9-8, tại nhà ông Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng thôn 1, xã Đoàn Kết, cụ Tâm xúc động cảm ơn các cấp chính quyền, Ban CHQS huyện Bù Đăng, xã Đoàn Kết, đặc biệt là 3 người đã trực tiếp cứu cụ thoát nạn. Cụ Tâm cho rằng, đó là những người hùng.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Huỳnh Hữu Thiết cho biết: “Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Hiện danh sách những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đột xuất. Đây là tấm gương người tốt, việc tốt cần được kịp thời biểu dương để những giá trị tốt đẹp của cuộc sống ngày càng lan tỏa”.

Quang Minh - Anh Đức

>> Nhanh chóng khắc phục sự cố kẹt cửa xả nước thủy điện Đăk Kar
>> Di dời gần 5.000 người dân đến nơi an toàn
>> Phòng hơn chống
>> Triển khai lực lượng ứng trực tình hình mưa lũ 24/24
>> Bù Đăng cẩn trọng trước nguy cơ vỡ đập hồ thủy điện Đăk Kar

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/tinh-nguoi-trong-con-lu-5439