Tin tức sự kiện Du lịch Huế thiếu dịch vụ lưu trú cao cấp
Khó đặt phòng
Cuối tuần, sau một thời gian căng sức tham gia tổ chức tuần lễ Festival Huế 2022, nhóm bạn của anh Nguyễn Tuấn Anh (Phú Thượng, TP. Huế) quyết định đặt phòng để nghỉ ngơi. Điểm đến đầu tiên được lựa chọn là Vedana Lagoon, huyện Phú Lộc. Khi liên lạc để đặt phòng thì cơ sở báo không còn phòng vào cuối tuần. Lựa chọn thứ hai là Suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, nhưng cũng được báo không thể nhận khách vì phòng cũng đã full (kín). Phương án ba là liên hệ Laguna Lăng Cô tại khu vực Laguna Park, cũng nhận được thông tin tương tự. Nhóm bạn của anh Tuấn Anh dời lịch sang thêm một tuần nữa, nhưng cũng nhận được thông báo hết phòng từ các cơ sở trên.
Việc các khách sạn, resort cao cấp trên địa bàn toàn tỉnh hết phòng vào cuối tuần bắt đầu từ tháng 4 cho đến nay. Khách nội tỉnh lựa chọn các chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày với dịch vụ chất lượng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, khách nội địa khi đến Huế cũng có nhu cầu lựa chọn dịch vụ cao cấp hơn so với trước. Hội Lưu trú tỉnh đưa ra các thông số cho thấy, khách nội tỉnh chọn dịch vụ cao cấp tăng khoảng 4-5 lần so với thời điểm 2019; khách du lịch nội địa tăng từ 2-3 lần so với trước.
Như tại tuần lễ Festival Huế 2022, trong thời gian từ 23 - 30/6, tổng số du khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 180 ngàn lượt; khách lưu trú ước đạt 72 ngàn lượt, công suất phòng khách sạn bình quân đạt 85%. Riêng các khách sạn từ 3-5 sao đạt công suất gần 100%.
Không phải bây giờ câu chuyện thiếu hụt phòng dịch vụ lưu trú cao cấp mới được đề cập, mà từ thời điểm cách đây 5 năm, khi lượng khách Hàn Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu thị phần khách quốc tế, Huế không thể cung ứng đủ. Điều này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng rất nhiều trong khả năng cạnh tranh thu hút khách, đặc biệt là tăng số ngày lưu trú khách ở lại Huế trong giai đoạn phục hồi như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, thiếu phòng lưu trú cao cấp là hạn chế đang được chỉ ra của ngành du lịch Huế. Tốc độ tăng trưởng phòng lưu trú cao sao ở Huế chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng của khách du lịch. Ba năm qua, ở Huế chỉ có 3 cơ sở mới, với khoảng 400 phòng; trong đó một khách sạn được nâng cấp từ khách sạn cũ. Nhiều khách sạn được kỳ vọng lớn cho dịch vụ lưu trú cao cấp, đặc biệt là ở Lăng Cô lại chậm tiến độ. Sau dịch, xu hướng du lịch tại chỗ, du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, hướng về thiên nhiên nhiều hơn nên càng khiến thiếu hụt. Ngành du lịch đang cố gắng tìm cách để cân đối, tăng số lượng phòng khi khách quốc tế trở lại mạnh hơn trong thời gian đến.
Lo cho năng lực cạnh tranh
Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh phân tích, số lượng khách có nhu cầu lưu trú chất lượng tăng, mà ở Huế không thể đáp ứng đủ. Điều này khiến giá dịch vụ lưu trú ở Huế hiện nay cao hơn so với các địa phương trong khu vực. Nhưng xét về các yếu tố đa chiều trong phát triển, điều này cho thấy sự mất cân đối trong phát triển dịch vụ lưu trú khiến Huế giảm sức cạnh tranh thu hút khách, nhất là trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hiện nay. Cụ thể, các tour gần đây, việc lựa chọn lưu trú ở Huế thấp hơn so với trước rất nhiều.
Câu hỏi vì sao ở các địa phương khác có tốc độ tăng trưởng lưu trú nhanh, Huế lại chậm vẫn đang tiếp tục đặt ra. Nhớ lại thời điểm cách đây khoảng 5 năm, giá dịch vụ lưu trú ở Huế thấp hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Nhưng cũng chừng đó thời gian mà số lượng cơ sở lưu trú chất lượng không thay đổi. Năm 2018, Huế có 27 cơ sở khách sạn từ 3 – 5 sao, với 3.277 phòng và 5.439 giường phục vụ khách du lịch. Đến năm 2022 này, khách sạn từ 3 – 5 sao có 26 cơ sở, với khoảng 3.321 phòng, 5.497 giường.
Theo kế hoạch phát triển dịch vụ lưu trú của Huế vào năm 2016, dự kiến đến năm 2020 ở Huế sẽ có 22.600 phòng, năm 2025 có 38.100 phòng và năm 2030 lên đến 61.400 phòng. Rõ ràng, những kế hoạch đặt ra cơ bản không hoàn thành. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế, với 13.043 phòng với 21.327 giường như hiện nay, Huế vẫn đáp ứng đủ số lượng khách đến. Nhưng phải đánh giá đa số phòng trên chủ yếu là khách sạn thấp sao, homestay, có mức giá thấp. Điều này sẽ mâu thuẫn với định hướng phát triển của Huế khi hướng đến dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu cao.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực lưu trú vẫn là giải pháp ưu tiên hàng đầu bằng các cơ chế, chính sách, giải quyết thủ tục nhanh cho nhà đầu tư. Theo kinh nghiệm từ một số địa phương có dịch vụ lưu trú phát triển hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối cần được chú trọng và quy hoạch hướng phát triển dịch vụ về biển.
Ở một số địa phương, tốc độ phát triển dịch vụ lưu trú quá nhanh, thậm chí quá nóng khiến nguồn cung lớn nhiều lần nguồn cầu. Điều này dẫn đến giá phòng thấp; cạnh tranh giữa các cơ sở về giá, khiến thị trường du lịch thiếu bền vững. Điều này Huế cũng phải cân nhắc, tính toán để có kế hoạch phát triển phù hợp.
Lãnh đạo ngành du lịch cho biết, trong vòng vài năm tới, phải phấn đấu đưa tổng số lượng phòng lên hơn 20.000 phòng, nhất là hệ thống cao sao. Ba tháng trở lại đây, làn sóng nhà đầu tư về Huế nhiều nhất từ trước đến nay. Đây là tín hiệu tích cực, thời điểm vàng để thu hút các nhà đầu tư. Nhiều dự án mới được kêu gọi, như hệ thống điểm nghỉ dưỡng cao cấp gắn với suối thác; nhiều dự án nghỉ dưỡng cao cấp được kêu gọi ở Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc. Ở một diễn biến tích cực khác là quỹ đất để thu hút đầu tư xây dựng các khách sạn cao sao phần nào đang được giải quyết. Một số trụ sở cơ quan, ban, ngành được chuyển về Trung tâm Hành chính công, hiện các địa điểm này đang được kêu gọi đầu tư để xây dựng khách sạn cao cấp.
Lãnh đạo tỉnh cũng nhiều lần nhấn mạnh, tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy đầu tư các dự án du lịch cao cấp, có quy mô, tạo điểm nhấn mới. Các tổ công tác đang thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các giấy phép, thủ tục. Đặc biệt là động viên, lẫn giám sát để các resort, khu nghỉ dưỡng ven biển triển khai đảm bảo đúng tiến độ đề ra và sớm đưa vào khai thác.