Tin thế giới 20/6: Argentina phủ nhận gửi vũ khí cho Ukraine, Hezbollah cảnh báo cuộc chiến không giới hạn với Israel
Mỹ phá hủy 2 cơ sở của Houthi tại Yemen, Hàn Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine, EU tung gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga, Philippines tố cáo hành động nguy hiểm của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Philippines tố cáo hành động nguy hiểm của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông: Ngày 20/6, một quan chức hải quân cấp cao của Philippines cho biết lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã "hành động nguy hiểm" khi tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tới bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông trong tuần này, dẫn đến thiệt hại cho các tàu thuyền và thương tích cho các thuyền viên.
Một thủy thủ Philippines đã bị thương nặng sau vụ việc mà quân đội nước này mô tả tàu của cảnh sát biển Trung Quốc “cố ý đâm vào ở tốc độ cao”, nhằm làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế cho các binh sỹ đóng ở Bãi Cỏ Mây. Các quan chức quân sự Philippines cho rằng lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc mang theo dao và giáo đã cướp vũ khí và "cố tình đâm thủng" các tàu Philippines tham gia nhiệm vụ tiếp tế. (Reuters)
*Malaysia và Trung Quốc trao đổi 14 văn kiện hợp tác: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Malaysia, ngày 19/6, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Anwar Ibrahim và Thủ tướng Lý Cường, tổng cộng 14 biên bản ghi nhớ (MoU), thỏa thuận hợp tác (MoA), nghị định thư và tuyên bố chung liên quan đến 9 bộ đã được trao đổi giữa hai nước.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Lý Cường đến Malaysia trên cương vị Thủ tướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Trung Quốc.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 15 năm liên tiếp kể từ năm 2009. (Strait Times)
*Nhật Bản, New Zealand tăng cường chia sẻ thông tin mật: Nhật Bản và New Zealand ngày 19/6 đã nhất trí về một thỏa thuận tăng cường chia sẻ thông tin mật giữa hai bên, trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực trở nên nghiêm trọng hơn do những động thái quân sự ngày càng tăng.
Trong cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và người đồng cấp New Zealand Christopher Luxon tại Tokyo, hai bên đồng thời xác nhận sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế.
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đang có chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 17- 20/6. Trọng tâm của chuyến đi này là nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư với Nhật Bản và xây dựng quan hệ với nhà lãnh đạo nước này. (AFP)
*Trung Quốc xác nhận mục đích nhằm vào các tàu của Philippines tại Biển Đông: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) ngày 19/6 cho rằng hành động của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc nhắm vào các tàu của Philippines tại Biển Đông là chuyên nghiệp và mang tính kiềm chế, cũng như nhằm ngăn chặn “nhiệm vụ tiếp tế” bất hợp pháp của Manila.
Ông Lâm Kiếm đưa ra phát biểu trên tại một cuộc họp báo thường kỳ khi được yêu cầu xác nhận tuyên bố của quân đội Philippines rằng Lực lượng Bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã lên các tàu của Philippines trong tuần qua và thu giữ súng từ các tàu này.
Phát biểu trước báo giới, ông Lâm Kiếm đồng thời kêu gọi Philippines chấm dứt "hành vi xâm phạm và khiêu khích" ngay lập tức. Ông cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. (THX)
*Mỹ-Hàn tập trận không quân chung: Ngày 20/6, Không quân Hàn Quốc thông báo, Seoul và Washington đã tiến hành cuộc tập trận không quân chung trong tuần này.
Cuộc tập trận, kéo dài 4 ngày ở nhiều địa điểm tại quốc gia Đông Bắc Á, đã kết thúc trước đó cùng ngày, có sự tham gia của máy bay AC-130J của Mỹ được vũ trang hạng nặng và nhiều mẫu chiến đấu cơ của Hàn Quốc, bao gồm F-15K và KF-16.
Không quân Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận mới nhất tập trung tăng cường thế trận phòng thủ tổng hợp của 2 nước và thực hiện cam kết răn đe mở rộng của Mỹ về việc sử dụng toàn bộ năng lực quân sự để bảo vệ đồng minh. (Yonhap)
*Hàn Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine: Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức nước này đưa tin ngày 20/6, Hàn Quốc cho biết sẽ xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine, sau khi lãnh đạo Triều Tiên và Nga ký hiệp ước cam kết phòng thủ chung trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Trong một tuyên bố chính thức, Seoul cũng lên án thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện được các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga ký trong tuần này, cho rằng thỏa thuận này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Chính phủ nhấn mạnh rõ ràng rằng bất kỳ sự hợp tác nào trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Triều Tiên tăng cường sức mạnh quân sự đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời cho biết thêm sự vi phạm như vậy sẽ làm xấu đi mối quan hệ của Seoul và Moscow. (Reuters)
Châu Âu
*EU thông qua gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga: Ngày 20/6, các nhà ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp đặt gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga liên quan tới chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine, trong đó bao gồm một lệnh cấm trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Trên mạng xã hội X, Bỉ - nước giữ chức chủ tịch luân phiên EU đến ngày 1/7 - cho biết: "Các đại sứ EU vừa nhất trí về gói trừng phạt mạnh mẽ và đáng kể thứ 14 nhằm phản ứng lại hành động của Nga đối với Ukraine. Gói này cung cấp các biện pháp có mục tiêu mới và tối đa hóa tác động của các biện pháp trừng phạt hiện có bằng cách lấp đầy các lỗ hổng". (Sputniknews)
*Armenia, Azerbaijan tranh cãi gay gắt sau khi Paris tuyên bố bán vũ khí cho Yerevan: Armenia và Azerbaijan - hai nước láng giềng đang nỗ lực hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định hòa bình sau 3 thập kỷ xung đột - ngày 19/6 đã công kích lẫn nhau sau khi Pháp cam kết cung cấp vũ khí mới cho Yerevan.
Tuyên bố ngày 18/6 của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu về việc Paris sẽ cung cấp pháo tự hành CAESAR cho Yerevan đã vấp phải chỉ trích nặng nề từ phía Baku.
Phát biểu với báo giới Azerbaijan, ông Hikmet Hajiyev - cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Ilham Aliyev - nêu rõ: “Chúng tôi đánh giá chính sách của Pháp đối với khu vực Nam Caucasus là vô hiệu. Đó là chính sách gây hại. Đó là cú đòn giáng mạnh vào mối quan hệ đang được hàn gắn giữa Azerbaijan và Armenia”. (Reuters)
*Bộ Ngoại giao Nga: NATO biết sẽ không ai có thể đánh bại được Moscow: Ngày 19/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đặt ra một điều kiện bất khả thi đối với chính quyền Ukraine nếu muốn gia nhập liên minh, đó là đánh bại Moscow.
Chính vì điều này, Ukraine sẽ không bao giờ có thể gia nhập NATO.
Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay, việc Ukraine thất bại trước Nga sẽ khiến liên minh này "dễ bị tổn thương hơn", nhấn mạnh: "Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Kiev không phải là từ thiện. Đó là vì lợi ích an ninh của chúng ta". (Sputniknews)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Argentina phủ nhận cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 19/6, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Argentina Manuel Adorni đã phủ nhận việc nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi tuần trước có nhiều thông tin về việc Buenos Aires sẽ hỗ trợ máy bay chiến đấu và xe tăng cho Kiev.
Phát biểu tại buổi họp báo tại Phủ Tổng thống, ông Adorni khẳng định “chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ quân sự nào” cho Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết Argentina sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo, hậu cần cho Ukraine như “rà phá bom mìn”. Ông nhấn mạnh Argentina “sẽ không can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào vào cuộc xung đột” hiện nay. (AFP)
*Canada đưa lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố: Truyền thông Canada ngày 19/6 (giờ địa phương) đưa tin nước này đang lên kế hoạch đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố và sẽ sớm có thông báo chính thức trong tuần này.
Theo CBC News, các nghị sĩ đối lập lâu nay vẫn đòi đưa IRGC vào danh sách này, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã từ chối, với lý do bước đi này có nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường.
Văn phòng của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly chưa có ngay bình luận về thông tin của CBC News. Canada đã liệt kê Quds Force, chi nhánh của IGRC ở nước ngoài, vào danh sách khủng bố. Ottawa cũng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran từ năm 2012. (Reuters)
*Mỹ trì hoãn chuyển giao tên lửa Patriot cho Thụy Sỹ: Mỹ sẽ không cung cấp tên lửa Patriot mới cho Thụy Sỹ sớm như dự kiến, trong khi Ukraine đang được Washington ưu tiên giao hàng mới. Theo các nguồn tin tại Thụy Sỹ, hiện chưa rõ nước này sẽ phải đợi bao lâu.
Hãng thông tấn Keystone-SDA ngày 19/6 cho biết Văn phòng Mua sắm Quốc phòng Liên bang (Armasuisse) thừa nhận rằng việc giao loại tên lửa được đề cập đến Thụy Sỹ sẽ bị trì hoãn do quyết định của Chính phủ Mỹ và có thể sẽ không thể diễn ra như kế hoạch. Tuy nhiên, chưa có thông báo chính thức nào có thể được đưa ra vào thời điểm này về tác động chính xác đối với việc giao hàng đến Thụy Sỹ.
Theo Armasuisse, loại vũ khí cho hệ thống phòng không trên mặt đất Patriot bị ảnh hưởng là phiên bản tên lửa dẫn đường PAC3 MSE, đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt năm ngoái. (AFP)
Trung Đông – châu Phi
*Ai Cập phủ nhận tham gia lực lượng đặc nhiệm Arab ở Gaza thời hậu chiến: Ngày 19/6, Ai Cập đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này chấp thuận triển khai lực lượng tới Dải Gaza như một phần của Lực lượng đặc nhiệm chung Arab trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ), sau khi lực lượng Israel rút khỏi dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Theo thông tin của báo Al Araby Al Jadeed, các lực lượng Arab sẽ đảm bảo an ninh cho các cửa khẩu biên giới của Gaza, bao gồm cả cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập, cho đến khi một chính quyền của người Palestine được thành lập ở vùng lãnh thổ này. (Al Jazeera)
*Mỹ phá hủy 2 cơ sở của Houthi tại Yemen: Quân đội Mỹ ngày 19/6 cho biết các lực lượng Mỹ đã phá hủy 2 cơ sở tại Yemen của nhóm nổi dậy Houthi, sau hàng loạt vụ tấn công tàu do nhóm này thực hiện trong những ngày gần đây.
Nhóm Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu tại Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ tháng 11/2023 trong các cuộc tấn công mà nhóm này tuyên bố nhằm thể hiện sự đoàn kết với Palestine trong cuộc chiến Israel – Hamas ở Dải Gaza. Tuyên bố cũng cho biết thêm rằng trong 24 giờ qua, các lực lượng của Mỹ ở khu vực đã phá hủy thêm 2 tàu nổi không người lái (USV) tại Biển Đỏ của Houthi. (Al Jazeera)
*Iran triển khai hơn 170.000 nhân viên để bảo đảm an ninh bầu cử tổng thống: Hãng thông tấn nhà nước IRNA dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi ngày 19/6 tuyên bố rằng hơn 170.000 nhân viên sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 28/6.
Ông Vahidi cho biết lực lượng này chủ yếu bao gồm cảnh sát và lực lượng Basij - lực lượng dân quân tình nguyện bán vũ trang được điều hành bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 của Iran được ấn định vào năm 2025, nhưng phải tổ chức sớm hơn dự kiến sau cái chết bất ngờ của Tổng thống Ebrahim Raisi trong một vụ tai nạn trực thăng vào ngày 19/5. (IRNA)
*Hezbollah cảnh báo cuộc chiến không giới hạn với Israel: Hãng tin Reuters ngày 19/6 dẫn lời Thủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Lebanon, Hassan Nasrallah cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc chiến “không giới hạn”, không theo quy tắc trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Israel và không nơi nào ở Israel được an toàn trước các cuộc tấn công của Hezbollah.
Cùng ngày, Hezbollah tuyên bố đã sử dụng hàng chục tên lửa Katyusha và đạn pháo để tấn công Sở chỉ huy Lữ đoàn miền Đông 769 thuộc Sư đoàn 91 của Israel tại doanh trại Kiryat Shmona. Theo Hezbollah, động thái này là “để ủng hộ cuộc kháng chiến của người Palestine ở Dải Gaza, cũng như để đáp trả các cuộc tấn công của kẻ thù Israel vào các thị trấn Yaroun và Khiam” của Lebanon.
Trong khi đó, Đài phát thanh quân đội Israel cho biết: “Một tòa nhà ở khu công nghiệp Kiryat Shmona đã bị hư hại sau khi 10 quả tên lửa được phóng từ Lebanon”. Không có thông tin về thương tích về người trong vụ tấn công bằng tên lửa trên. (Reuters)
* Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh của IS tại Syria: Ngày 19/6, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết cơ quan này đã tiến hành một cuộc không kích tại Syria tiêu diệt Usamah Jamal Muhammad Ibrahim al-Janabi - một nhân vật cấp cao đóng vai trò điều phối của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, CENTCOM nêu rõ: “Cái chết của nhân vật này sẽ làm gián đoạn khả năng của IS trong việc cung cấp nguồn lực và thực hiện các vụ tấn công khủng bố”.
Trong nhiều năm qua, Mỹ đã mở hàng loạt chiến dịch truy quét lực lượng IS, đặc biệt là nhắm mục tiêu vào các thủ lĩnh của tổ chức này. (Al Jazeera)